Đối với trường hợp người phải thi hành án đã chấp hành xong hình phạt tù, có đơn yêu cầu thi hành án nhưng thời hiệu yêu cầu thi hành án đã hết thì các chủ thể có liên quan được pháp luật quy định cụ thể có thể đưa ra đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Mục lục bài viết
1. Mẫu đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án là gì?
Việc pháp luật Việt Nam đưa ra quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự có ý nghĩa bảo đảm cho việc tổ chức thi hành án dân sự được thuận lợi. Pháp luật quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự thì các đương sự chỉ có quyền yêu cầu thi hành án dân sự trong thời hạn nhất định, hết thời hạn đó họ sẽ không có quyền yêu cầu thi hành án dân sự nữa. Tuy nhiên đối với một số trường hợp cụ thể vẫn có thể khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Để thực hiện việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án các chủ thể cần lập đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án. Mẫu đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án có những ý nghĩa quan trọng đối với quá trình thi hành án dân sự.
Mẫu số 08/THA: Đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án là mẫu đơn được lập ra nhằm mục đích để đưa ra đề nghị về việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Mẫu được lập ra cần nêu rõ nội dung đề nghị, thông tin khôi phục, căn cứ pháp lý, thông tin cơ quan thi hành án,…
2. Mẫu đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án
Kính gửi: Cơ quan Thi hành án………..
Họ và tên người đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án (trường hợp ủy quyền phải có
Địa chỉ:……….
Họ và tên người được thi hành án:…….
Địa chỉ:……….
Họ và tên người phải thi hành án:……….
Địa chỉ:……….
1. Nội dung của việc thi hành án: ……….
2. Lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn…………
3. Gửi kèm theo:
– Bản án, Quyết định số:… ngày…. tháng…. năm…. của………..
– Các tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn……..
……, ngày….. tháng…… năm…
XÁC NHẬN CỦA UBND XÃ
(THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN, ĐƠN VỊ)
NGƯỜI ĐỀ NGHỊ
(Ký, ghi rõ họ, tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án:
– Phần mở đầu:
+ Mẫu số 08/THA.
+ Ghi đầy đủ nội dung bao gồm Quốc hiệu và tiêu ngữ.
+ Ghi rõ tên biên bản cụ thể là đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án.
– Phần nội dung chính của biên bản:
+ Thông tin cơ quan, cá nhân tiếp nhận đơn đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án.
+ Họ và tên người đề nghị khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án (trường hợp ủy quyền phải có giấy ủy quyền và giấy tờ tùy thân của người được ủy quyền. Nếu đại diện cho pháp nhân thì phải ghi rõ chức vụ)
+ Nội dung về việc thi hành án.
+ Lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
+ Hồ sơ, tài liệu kèm theo.
– Phần cuối biên bản:
+ Thời gian và địa điểm lập đơn.
+ Xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã.
+ Ký, ghi rõ họ tên của người đề nghị.
4. Quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:
4.1. Khái quát chung về thời hiệu yêu cầu thi hành án dân sự:
Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án và các chủ thể khác trong việc thực hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực của tòa án. Trên thực tế đây là hoạt động thi hành các bản án, quyết định sau đây của Tòa án: bán án, quyết định về dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế; quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp; quyết định về tài sản trong bản án, quyết định hành chính; quyết định về dân sự trong bản án; quyết định hình sự; các bản án khác do pháp luật quy định.
Thời hiệu yêu cầu thi hành án là thời hạn mà pháp luật quy định khi trong khoảng thời gian đó người được thi hành án, người phải tíến hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà án.
Khi đã hết thời hạn được quy định, nếu người được thi hành án, người phải thi hành án vẫn không có đơn yêu cầu thi hành án, thì người được thi hành án không còn quyền yêu cầu thi hành phần bản án, quyết định chưa yêu cầu thi hành án nữa tho quy định cúa pháp luật, còn người phải thi hành án không còn nghĩa vụ phải thi hành phần bản án, quyết định đó cho người được thi hành án nữa. Bản án, quyết định hết hiệu lực thi hành đối với phần thi hành theo đơn yêu cầu.
4.2. Quy định về khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án:
Hiện nay, việc khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án được quy định chi tiết hơn về trình tự thủ tục yêu cầu thi hành án quá hạn tại Điều 4
Trong trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể yêu cầu thi hành án trong thời hiệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì đương sự có quyền đề nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xem xét, quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu thi hành án quá hạn.
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sự kiện bất khả kháng là trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa.
– Trở ngại khách quan được hiểu là các trường hợp mà đương sự không nhận được bản án, quyết định mà không phải do lỗi của họ; đương sự đang đi công tác ở vùng biên giới, hải đảo mà không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn; tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức hoặc đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế; tổ chức hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa mà chưa xác định được tổ chức, cá nhân mới có quyền yêu cầu thi hành án theo quy định của pháp luật hoặc do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án hoặc cơ quan, cá nhân khác dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Việc yêu cầu thi hành án quá hạn được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, nêu rõ lý do, kèm theo tài liệu chứng minh lý do không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Tài liệu chứng minh bao gồm:
– Đối với trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc do đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế hoặc do trở ngại khách quan xảy ra tại địa phương nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú cuối cùng hoặc nơi cư trú khi xảy ra sự kiện bất khả kháng.
– Đối với trường hợp tai nạn, ốm nặng đến mức mất khả năng nhận thức nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có tóm tắt hồ sơ bệnh án được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ cấp huyện trở lên xác nhận và tài liệu kèm theo, nếu có.
– Đối với trường hợp do yêu cầu công tác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hoặc giấy cử đi công tác của cơ quan, đơn vị đó;
– Đối với trường hợp do lỗi của cơ quan xét xử, cơ quan thi hành án nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan đã ra bản án, quyết định, cơ quan thi hành án có thẩm quyền.
– Đối với trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa đối với tổ chức phải thi hành án thì phải có xác nhận của cơ quan ra quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, cổ phần hóa.
– Đối với các trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan khác nên không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc tài liệu hợp pháp khác để chứng minh.
Cần lưu ý rằng xác nhận của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải thể hiện rõ địa điểm, nội dung và thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan dẫn đến việc đương sự không thể yêu cầu thi hành án đúng hạn.
Hiện nay, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định thời hiệu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ra quyết định thi hành án trừ trường hợp bất khả kháng, có trở ngại khách quan.