Người nước ngoài muốn cư tại Việt Nam phải được cấp thẻ tạm trú, để được cấp thẻ tạm trú, người nước ngoài cần được bảo lãnh theo thủ tục và được thể hiện qua đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú. Vậy mẫu đơn này có nội dung và hình thức ra sao?
Mục lục bài viết
- 1 1. Mẫu đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú là gì?
- 2 2. Mẫu đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú:
- 3 3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
- 4 4. Những quy định liên quan đến cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài:
- 4.1 4.1. Chứng nhận tạm trú:
- 4.2 4.2. Khai báo tạm trú:
- 4.3 4.3. Tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:
- 4.4 4.4. Gia hạn tạm trú:
- 4.5 4.5. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú:
- 4.6 4.6. Thủ tục cấp thẻ tạm trú:
- 4.7 4.7. Thời hạn thẻ tạm trú
1. Mẫu đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú là gì?
Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
Mẫu đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú là văn bản do người bảo lãnh gửi cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Thành phố nơi thường trú với nội dung bảo lãnh cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
Mục đích của đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú: mẫu đơn do người bảo lãnh viết nhằm mục đích xin cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài.
2. Mẫu đơn bảo lãnh cấp thẻ tạm trú:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
ĐƠN BẢO LÃNH CẤP THẺ TẠM TRÚ
Kính gửi:…………(1)
I. Người bảo lãnh:
1- Họ tên: …………..
2- Giới tính: Nam o Nữ o 3- Sinh ngày …..tháng. ….năm………….
4- Địa chỉ thường trú (theo sổ hộ khẩu): ……………
– Địa chỉ tạm trú (nếu có) …………..
– Điện thoại liên hệ/Email:……………
5- Giấy chứng minh nhân dân/hộ chiếu số ……………
6- Nghề nghiệp:………… Nơi làm việc hiện nay: …………..
II. Người được bảo lãnh:
Số TT | Họ tên (chữ in hoa) | Giới tính | Ngày tháng năm sinh | Quốc tịch | Hộ chiếu số | Quan hệ (2) |
III. Nội dung bảo lãnh:
1- Bảo lãnh cho thân nhân nêu ở Mục II được cấp thẻ tạm trú theo tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú (kèm theo).
2- Tôi xin cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật.
Xác nhận (3)
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ, đóng dấu)
Làm tại …….ngày …..tháng ….năm…….
Người bảo lãnh
(ký, ghi rõ họ tên)
3. Hướng dẫn soạn thảo mẫu đơn:
(1) Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, Thành phố nơi thường trú.
(2) Ghi rõ quan hệ với người bảo lãnh
(3) Trưởng/Công an phường, xã nơi người bảo lãnh thường trú xác nhận nội dung tại Mục I.
4. Những quy định liên quan đến cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài:
Cơ sở lưu trú là nơi tạm trú của người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam, bao gồm các cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, khu nhà ở cho người nước ngoài làm việc, lao động, học tập, thực tập, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà riêng hoặc cơ sở lưu trú khác theo quy định của pháp luật.
4.1. Chứng nhận tạm trú:
Được quy định tại Điều 31 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
“1. Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc đóng dấu vào thị thực rời với thời hạn như sau:
a) Thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực; trường hợp thị thực còn thời hạn không quá 15 ngày thì cấp tạm trú 15 ngày; trường hợp thị thực có ký hiệu ĐT, LĐ thì cấp tạm trú không quá 12 tháng và được xem xét cấp thẻ tạm trú;
b) Đối với người được miễn thị thực theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì thời hạn tạm trú cấp theo quy định của điều ước quốc tế; nếu điều ước quốc tế không quy định thời hạn tạm trú thì cấp tạm trú 30 ngày;
c) Đối với người được miễn thị thực vào khu kinh tế cửa khẩu thì cấp tạm trú 15 ngày; vào đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt thì cấp tạm trú 30 ngày;
d) Đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 15 ngày;
đ) Đối với người nước ngoài có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú còn giá trị sử dụng thì không cấp tạm trú.
2. Người nước ngoài được tạm trú tại Việt Nam trong thời hạn chứng nhận tạm trú được cấp.
3. Thời hạn tạm trú có thể bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hủy bỏ hoặc rút ngắn trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam.”
Như vậy Đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh cấp chứng nhận tạm trú cho người nước ngoài nhập cảnh bằng hình thức đóng dấu vào hộ chiếu hoặc đóng dấu vào thị thực với thời hạn tùy thuộc vào từng trường hợp có thể từ 15 ngày đến 30 ngày tùy vào thời hạn của thị thực và các đối tượng công dân.
4.2. Khai báo tạm trú:
được quy định tại Điều 33 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
– Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
– Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
– Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
– Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này.
4.3. Tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển, khu vực biên giới và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt:
– Người nước ngoài được tạm trú ở cơ sở lưu trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, khu kinh tế ven biển và thực hiện việc khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này.
– Người nước ngoài không được tạm trú tại khu vực cấm, khu vực tạm dừng các hoạt động trong khu vực biên giới đất liền; vùng cấm, khu vực hạn chế hoạt động trong khu vực biên giới biển. Trường hợp tạm trú tại cơ sở lưu trú trong khu vực biên giới hoặc thị trấn, thị xã, thành phố, khu du lịch, dịch vụ, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, khu kinh tế khác có liên quan đến khu vực biên giới thì khai báo tạm trú theo quy định tại Điều 33 của Luật này. Cơ quan tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài có trách nhiệm
4.4. Gia hạn tạm trú:
được quy định tại Điều 35 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
“1. Người nước ngoài đang tạm trú tại Việt Nam có nhu cầu gia hạn tạm trú phải đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh làm thủ tục tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh quy định tại khoản 1 Điều này trực tiếp gửi văn bản đề nghị gia hạn tạm trú kèm theo hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế của người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao đối với các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 của Luật này, tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét gia hạn tạm trú.”
4.5. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú và ký hiệu thẻ tạm trú:
– Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ được cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3.
– Người nước ngoài được cấp thị thực có ký hiệu LV1, LV2, ĐT, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ, TT được xét cấp thẻ tạm trú có ký hiệu tương tự ký hiệu thị thực.
4.6. Thủ tục cấp thẻ tạm trú:
Được quy định tại Điều 37 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014:
“1. Hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú bao gồm:
a) Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh;
b) Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh;
c) Hộ chiếu;
d) Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp quy định tại Điều 36 của Luật này.
2. Giải quyết cấp thẻ tạm trú như sau:
a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú;
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú.”
Người muốn được cấp thẻ tạm trú cần nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền, hồ sơ phải bao gồm đầy đủ các giấy tờ, tờ khai liên quan đến cá nhân như văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh; tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh; hộ chiếu; giấy tờ chứng minh. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo thời hạn quy định của pháp luật và cấp thẻ tạm trú cho cá nhân có hồ sơ yêu cầu.
4.7. Thời hạn thẻ tạm trú
– Thời hạn thẻ tạm trú được cấp có giá trị ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, ĐT và DH có thời hạn không quá 05 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, TT có thời hạn không quá 03 năm.
– Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.
– Thẻ tạm trú hết hạn được xem xét cấp thẻ mới.