Hiện nay, việc di chuyển bằng ô tô có thể bằng cách sử dụng xe gia đình, cá nhân, dịch vụ vận tải hành khách ngày càng phổ biến. Các chủ thể này cung cấp dịch vụ vận tải bằng một tuyến cố định nhất định và cần phải thực hiện đăng ký và cấp phép của cơ quan có thẩm quyền.
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là gì?
Khái niệm kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định được giải thích theo các quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ- CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc mà hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thực hiện nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải như điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải với mục đích vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được xác định bởi hành trình, lịch trình, bến xe khách nơi đi, bến xe khách nơi đến. Từ đó có thể hiểu kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định là kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô có xác định bến xe khách nơi xe bắt đầu đi, bến xe khách nơi xe khách đến với lịch trình, hành trình nhất định.
2. Mẫu đăng ký mở tuyến vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định là gì?
Mẫu đăng ký mở tuyến vận tải khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, theo tên gọi được quy định trong Nghị định số 10/2020/NĐ- CP thì được gọi theo tên là Mẫu Đăng ký khai thác tuyến. Đây là mẫu văn bản do Doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô lập gửi lên cơ quan có thẩm quyền về việc đăng ký khai thác tuyến xe vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Mẫu đăng ký mở tuyến vận tải khách bằng xe ôtô theo tuyến cố định để các chủ thể kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gửi cùng hồ sơ theo quy định lên cơ quan có thẩm quyền nhằm mục đích để các cơ quan có thẩm quyền này cho phép các chủ thể viết đơn được khai thác tuyến xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, có nơi đi điểm đến xác định và có hành trình, lịch trình nhất định.
3. Mẫu Đăng ký khai thác tuyến và soạn thảo mẫu đăng ký khai thác tuyến:
Mẫu Đăng ký khai thác tuyến được quy định trong Phụ lục được ban hành kèm theo Nghị định số 10/2020/NĐ- CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Mẫu Đăng ký như sau:
MẪU ĐĂNG KÝ KHAI THÁC TUYẾN
(Kèm theo Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
TÊN ĐƠN VỊ KDVT: ……
——-
Số: ……/……
…., ngày …… tháng …… năm ……
ĐĂNG KÝ KHAI THÁC TUYẾN
Kính gửi: Sở Giao thông vận tải……
1. Tên doanh nghiệp, hợp tác xã KDVT: ………
2. Địa chỉ: ………
3. Số điện thoại (Fax): ………
4; Giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô số:….……. do … (tên cơ quan cấp) ………..
cấp ngày ……../……/………
5. Đăng ký …..(1)….. tuyến: Mã số tuyến: …….
Nơi đi: ………. Nơi đến: …….(2)
Bến xe đi: ……… Bến xe đến: ……(3)
Giờ xe xuất bến tại bến xe đi: ……….giờ…. phút, vào các ngày ……..
Giờ xe xuất bến tại bến xe đến: ……..giờ…. phút, vào các ngày ………
Số chuyến xe trong ngày/tuần/tháng: ………
Cự ly vận chuyển: ……..km.
Hành trình chạy xe: ………..
6. Phương án khai thác tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô (được gửi kèm).
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu.
ĐẠI DIỆN ĐƠN VỊ KDVT
(Ký tên, đóng dấu)
Hướng dẫn ghi đăng ký khai thác tuyến:
(1) Ghi tên tỉnh (nếu là tuyến liên tỉnh), ghi tên huyện, xã nơi đặt bến xe (nếu là tuyến nội tỉnh).
(2) Ghi tên địa danh tỉnh đi, tỉnh đến. Ghi tên huyện, xã nơi đặt bến xe (nếu là tuyến nội tỉnh).
(3) Ghi tên bến xe nơi đi và tên bến xe nơi đến.
Ghi chú: Trường hợp nộp trực tuyến, thực hiện kê khai thông tin theo hướng dẫn trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải.
4. Quy trình đăng ký khai thác tuyến
Cơ quan có thẩm quyền đăng ký khai thác tuyến đó chính là Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp phép cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô.
Hồ sơ đăng ký khai thác tuyến bao gồm đăng ký khai thác tuyến theo mẫu trên và bản sao Biên bản thống nhất giữa bến xe hai đầu tuyến với doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia khai thác tuyến trong trường hợp tuyến mới đăng ký lần đầu.
Trong Nghị định số 10/2020/NĐ- CP quy định về quy trình đăng ký khai thác tuyến được áp dụng thành hai gia đoạn đó chính là từ khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 30 tháng 6 năm 2021 và từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 trở đi. Dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu về quy trình đăng ký khai thác tuyến từ ngày 01 tháng 7 năm 2021. Khi đó, doanh nghiệp, hợp tác xã gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký khai thác tuyến như trên về Sở Giao thông vận tải nơi đã cấp Giấy phép kinh doanh cho đơn vị trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ Giao thông vận tải . Trong quy trình này thì Sở Giao thông vận tải sẽ không nhận hồ sơ gửi trực tiếp đến cơ quan quản lý tuyến hoặc hồ sơ gửi qua đường bưu điện như trong quy trình được quy định trong giai đoạn từ khi Nghị định có hiệu lực đến ngày 30 tháng 6 năm 2021
Sở Giao thông vận tải phải kiểm tra hồ sơ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ qua cổng thông tin. Trường hợp hồ sơ cần sửa đổi, bổ sung, Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ
Doanh nghiệp, hợp tác xã phải hoàn thiện và cập nhật hồ sơ lên hệ thống dịch vụ công trực tuyến trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo sửa đổi, bổ sung của Sở Giao thông vận tải. Nếu quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận thông báo, doanh nghiệp, hợp tác xã không hoàn thiện, bổ sung đủ hồ sơ thì hồ sơ được coi là không hợp lệ, Sở Giao thông vận tải tiếp tục kiểm tra hồ sơ tiếp theo theo thứ tự thời gian nộp trên hệ thống dịch vụ công;
Sở Giao thông vận tải nơi tiếp nhận hồ sơ ban hành Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công (bằng văn bản) và trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến gửi doanh nghiệp, hợp tác xã, đồng thời gửi đến Sở Giao thông vận tải đầu tuyến bên kia nơi xe khách đến, bến xe hai đầu tuyến để phối hợp quản lý theo mẫu quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng theo quy định.
Nếu trường hợp có nhiều hồ sơ cùng đăng ký trùng tuyến và trùng giờ xuất bến, Sở Giao thông vận tải xử lý hồ sơ theo thứ tự thời gian nộp hồ sơ của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh dịch vụ vận tải trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, đơn vị nộp trước được kiểm tra, xử lý trước.
Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công có hiệu lực kể từ ngày ký đến ngày doanh nghiệp, hợp tác xã ngừng tham gia khai thác tuyến hoặc theo hiệu lực của quyết định đình chỉ khai thác tuyến của Sở Giao thông vận tải theo quy định, tức là khi thông báo đăng ký khai thác tuyến có hiệu lực thì các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh vận tải hành khách có thể thực hiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến xe cố định đó đến khi doanh nghiệp, hợp tác xã tự ngừng cung cấp dịch vụ hoặc bị định chỉ cung cấp dịch vụ. Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện đưa xe vào khai thác sau 60 ngày kể từ ngày có Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công thì Thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công không còn hiệu lực, khi đó doanh nghiệp, hợp tác xã không được đưa xe vào để hoạt động vận tải hành khách.
Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai; đồng thời có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; được niêm yết thông tin, trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn sử dụng được, có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm,…. ngoài ra còn phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khác như về số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế, giường nằm,….
* Cơ sở pháp lý
– Nghị định số 10/2020/NĐ- CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Thông tư số 12/2020/TT- BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.