Khi bên thuê hoặc bên cho thuê nhà có căn cứ hoặc có yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà thì phải thông báo cho đối phương biết về yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê. Vậy mẫu công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà được soạn thảo như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Mẫu công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc
…., ngày… tháng… năm 20….
THÔNG BÁO
(Về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà)
– Căn cứ Hợp đồng thuê nhà số….có hiệu lực từ ngày….;
– Căn cứ Luât nhà ở 2014;
– Căn cứ
– Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện hợp đồng thuê nhà số….
Kính gửi: Ông Nguyễn Văn A
Hợp đồng thuê nhà số….được đại diện công ty TNHH K là ông Phan Văn H và ông Nguyễn Văn A ký kết với nhau vào ngày …./…./20…., hợp đồng thuê nhà có hiệu lực kể từ ngày ký. Theo Điều 5 trong hợp đồng thuê nhà số….quy định về nguyên tắc thực hiện hợp đồng có nêu rõ trong quá trình thực hiện hợp đồng thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng, cụ thể “Trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà mọi vấn đề phát sinh trong quá trình thuê và cho thuê nhà sẽ được giải quyết theo thỏa thuận của các bên”. Thực hiện theo đúng nguyên tắc này, khi ông Nguyễn Văn A không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nhà theo đúng thỏa thuận của các bên đã được quy định tại Điều 6 hợp đồng thuê nhà số…., hai bên đã có buổi làm việc và thỏa thuận trực tiếp với nhau vào ngày….nhưng hai bên đã không thống nhất được với nhau về cách giải quyết.
Nay, công ty Công ty TNHH K căn cứ Điều 6, Hợp đồng thuê nhà số….:
“Điều 6: Phương thức thanh toán tiền thuê nhà
Tiền thuê nhà được thanh toán theo 01 (một) tháng/lần vào ngày 05 (năm) hàng tháng.
Việc thanh toán tiền thuê nhà được thực hiện bằng đồng tiền Việt Nam theo hình thức trả trực tiếp bằng chuyển khoản qua Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TP bank) với số tài khoản….chủ tài khoản…..chi nhánh tại….
Điều 8: Quyền và nghĩa vụ của bên thuê nhà (bên B)
Nghĩa vụ của bên thuê nhà bao gồm:
– Sử dụng diện tích thuê đúng mục đích đã thỏa thuận, giữ gìn nhà ở và có trách nhiệm trong việc sửa chữa những hư hỏng do mình gây ra;
– Thanh toán tiền đặt cọc, tiền thuê đầy đủ, đúng thời hạn đã thỏa thuận;
– Trả lại diện tích thuê cho Bên A khi hết thời hạn thuê hoặc chấm dứt Hợp đồng thuê;
– Tuân thủ một cách chặt chẽ quy định tại Hợp đồng này và các quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 9: Quyền và nghĩa vụ của bên cho thuê nhà (bên A)
Quyền của bên cho thuê nhà bao gồm:
– Yêu cầu bên B trả đủ tiền thuê nhà đúng kỳ hạn như đã thỏa thuận;
– Yêu cầu bên B có trách nhiệm trong việc sửa chữa phần hư hỏng, bồi thường thiệt hại do lỗi của bên B gây ra;
– Được lấy lại nhà cho thuê khi hết hạn hợp đồng thuê, nếu hợp đồng không quy định thời hạn thuê thì bên cho thuê muốn lấy lại nhà phải báo cho bên thuê biết trước …….. ngày;
– Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà nhưng phải báo cho bên B biết trước ít nhất ……ngày nếu không có thỏa thuận khác và yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên B có một trong các hành vi sau đây:
+ Không trả tiền thuê nhà liên tiếp trong 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;
+ Sử dụng nhà không đúng mục đích thuê như đã thỏa thuận trong hợp đồng;
+ Bên B chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên A.”
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà số…., ông Nguyễn Văn A đã 04 tháng liên tiếp từ ngày…..đến ngày….không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nhà cho công ty TNHH K.
Vì vậy trong trường hợp này để bảo vệ quyền lợi cho công ty TNHH K, Công ty TNHH K xin
Kính đề nghị ông Nguyễn Văn A di chuyển tất cả đồ đạc của mình ra khỏi tài sản thuê (căn hộ số….thuộc tòa nhà…) và thực hiện bàn giao căn hộ cho công ty TNHH K trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này.
Người làm thông báo
(ký và ghi rõ họ tên)
2. Hướng dẫn soạn thảo công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà:
Khi soạn thảo công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà, người soạn thảo những nội dung chủ yếu sau:
– Thứ nhất, phải có Quốc hiệu – tiêu ngữ;
– Thứ hai, địa điểm/ngày/tháng/năm ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà;
– Thứ ba, tên của văn bản (Thông báo về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà);
– Thứ tư, nêu ra các căn cứ để ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Ví dụ:
+ Căn cứ Hợp đồng thuê nhà số….có hiệu lực từ ngày….;
+ Căn cứ vào tình hình thực tế thực hiện hợp đồng thuê nhà số….;
+ Căn cứ Luât nhà ở 2014…
– Thứ năm, phần kính gửi, ghi rõ họ và tên người nhận thông báo, người nhận thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà là người thuê nhà đã ký kết hợp đồng thuê nhà với bên cho thuê.
– Thứ sáu, nêu rõ một số vấn đề sau:
+ Số hiệu hợp đồng thuê nhà;
+ Hợp đồng thuê nhà được ký kết ngày bao nhiêu;
+ Hợp đồng thuê nhà được ký kết giữa ai với ai;
+ Nêu rõ cách giải quyết giữa hai bên (bên thuê và bên cho thuê) trước khi ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà (nếu có).
– Thứ bảy, nêu cụ thể các căn cứ để bên ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà thực hiện ra thông báo. Ví dụ, Căn cứ vào quyền và nghĩa vụ của các bên (quyền của bên cho thuê nhà là Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà khi bên thuê nhà hông trả tiền thuê nhà liên tiếp trong 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng).
– Nêu rõ hành vi vi phạm hợp đồng thuê nhà của bên đối phương. Ví dụ, trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà số…., ông Nguyễn Văn A đã 04 tháng liên tiếp từ ngày…..đến ngày….không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nhà cho công ty TNHH K.
– Nêu rõ yêu cầu của bên ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà. Ví dụ, Công ty TNHH K xin thông báo đến ông Nguyễn Văn A (bên thuê) về việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng thuê. Đề nghị ông Nguyễn Văn A di chuyển tất cả đồ đạc của mình ra khỏi tài sản thuê (căn hộ số….thuộc tòa nhà…) và thực hiện bàn giao căn hộ cho công ty TNHH K trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo này;
– Ký, ghi rõ họ tên của người ra thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà.
3. Cách giải quyết khi bên cho thuê đã gửi công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà nhưng bên thuê không thực hiện:
Khi bên cho thuê nhà đã gửi công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà nhưng bên thuê không thực hiện thì bên cho thuê nhà có thể giải quyết bằng một trong các cách sau:
3.1. Thương lượng:
Cách giải quyết “dĩ hòa vi quý” nhất đó chính là thương lượng. Khi bên cho thuê nhà đã gửi công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà nhưng bên thuê không thực hiện thì hai bên có thể tự thương lượng cách giải quyết với nhau.
3.2. Khởi kiện:
Nếu bên thuê nhà cố tình không bàn giao nhà thuê cho bên cho thuê, bên cho thuê có thể khởi kiện ra Toà án yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp. Giải quyết thủ tục khởi kiện thực hiện theo Bộ luật Tố tụng dân sự như sau:
– Hồ sơ cần chuẩn bị:
+ Đơn khởi kiện;
+ Hợp đồng thuê nhà (nếu có);
+ Giấy tờ tuỳ thân (bản sao): Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn,…;
+ Các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc thuê nhà của các bên.
– Toà án giải quyết:
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định các tranh chấp về giao dịch dân sự, các tranh chấp về hợp đồng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện. Thêm nữa, tại điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc là cơ quan có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về giao dịch dân sự, các tranh chấp về hợp đồng dân sự.
Do đó, người cho thuê nhà có thể gửi toàn bộ hồ sơ khởi kiện tranh chấp đến Toà án nhân dân cấp huyện nơi người thuê nhà đang cư trú (nơi thường trú, tạm trú, nơi làm việc) để yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện hoặc gửi hồ sơ trực tuyến nếu Toà án đó có Cổng thông tin điện tử.
– Thời gian giải quyết:
Căn cứ các quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự, thời gian giải quyết vụ án khi bên cho thuê nhà đã gửi công văn thông báo chấm dứt hợp đồng thuê nhà nhưng bên thuê không thực hiện có thể kéo dài đến 08 tháng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật nhà ở 2014;
– Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.