Một trong những nội dung đặc trưng trong hoạt động kiểm sát là trực tiếp kiểm sát và kết luận trực tiếp kiểm sát, đây là văn bản có ý nghĩa tích cực trong công tác quản lý, dự thảo văn bản kết luận trực tiếp kiểm sát phải được thông qua và được ghi lại trong biên bản theo quy định của pháp luật.
Mục lục bài viết
1. Biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát là gì?
Kiểm sát là hoạt động mang tính quyền lực Nhà nước, đảm bảo việc tuân theo pháp luật trong quá trình hoạt động tư pháp của các chủ thể. Khi tiến hành kiểm sát, phát hiện có vi phạm Viện kiểm sát nhân dân ban hành kiến nghị hoặc kháng nghị kịp thời để khắc phục vi phạm của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Mục đích của việc kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nhằm phát hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác những vi phạm pháp luật trong công tác tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, đảm bảo việc giam, giữ và thi hành án hình sự có căn cứ, đúng pháp luật đồng thời kiến nghị, kháng nghị để khắc phục kịp thời cũng như hạn chế những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự của cơ quan, đơn vị và những người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong việc áp dụng các quy định của pháp luật để kiểm sát hoạt động của các đơn vị, tổ chức, người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự nhằm đảm bảo việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo đúng quy định của pháp luật, chế độ tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự phải được chấp hành nghiêm chỉnh và đảm bảo tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án và các quyền khác của họ không bị pháp luật tước bỏ được tôn trọng.
Trực tiếp kiểm sát là phương thức kiểm sát được thực hiện bởi Viện Kiểm sát các cấp về việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự tại cơ sở giam giữ, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định tại Điều 22 và Điều 25 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Điều 141 Luật Thi hành án hình sự, Điều 6 và Điều 42 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam. Trực tiếp kiểm sát được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất.
Kết luận trực tiếp kiểm sát là văn bản ghi nhận kết quả trực tiếp kiểm sát và ý kiến của Viện kiểm sát đối với các nội dung trực tiếp kiểm sát.
Biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát là văn bản ghi nhận sự kiện, hoạt động thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị, dự thảo kháng nghị (nếu có) giữa Viện kiểm sát và đơn vị được kiểm sát.
Việc ban hành mẫu biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát là căn cứ để Viện Kiểm sát các cấp áp dụng đồng bộ, thống nhất trong phạm vi cả nước, đồng thời tạo nên tính chặt chẽ trong việc quản lý hồ sơ, biểu mẫu, dễ dàng tìm kiếm và áp dụng.
Biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát là văn bản được dùng để ghi chép lại nội dung, sự kiện thông qua dự thảo, là căn cứ chứng minh hoạt động thực tế về việc đã thông qua dự thảo với sự có mặt của đại diện Viện kiểm sát và đơn vi được kiểm sát. Là văn bản bắt buộc thực hiện theo quy định tại Quyết định 501/QĐ-VKSTC, cụ thể:
Việc trực tiếp kiểm sát do Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên được phân công tiến hành có sự tham gia của Kiểm tra viên và phải có quyết định, kế hoạch kiểm sát, khi kết thúc phải có kết luận bằng văn bản.
Thành viên được phân công làm Thư ký có trách nhiệm tập hợp kết quả trực tiếp kiểm sát của các thành viên trong Đoàn để xây dựng dự thảo kết luận, trình Trưởng đoàn xem xét.
Khi phát hiện có vi phạm pháp luật, tồn tại trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, Viện kiểm sát ban hành kết luận, kháng nghị, kiến nghị theo quy định của pháp luật và Điều 42, Điều 43 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự. Khi kết luận về các vi phạm, cần nêu rõ căn cứ pháp lý của vi phạm làm cơ sở cho việc kết luận.
Trường hợp qua trực tiếp kiểm sát mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc xem xét trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm thì Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát phải báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát (ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao thì báo cáo Vụ trưởng để báo cáo lãnh đạo Viện kiểm sát) trước khi ký kết luận trực tiếp kiểm sát.
– Dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có) phải được xây dựng ngay sau khi kết thúc cuộc trực tiếp kiểm sát. Thành phần tham dự công bố các dự thảo này do Trưởng đoàn thống nhất với đơn vị được kiểm sát.
Trưởng đoàn tự mình hoặc phân công thành viên Đoàn công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có). Sau khi công bố các dự thảo này, nếu đơn vị được kiểm sát có ý kiến thì Trưởng đoàn trao đổi, tiếp thu ý kiến (nếu có) để hoàn thiện.
Thành viên do Trưởng đoàn phân công phải lập biên bản toàn bộ quá trình công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kháng nghị (nếu có), dự thảo kiến nghị (nếu có) và có ký xác nhận của lãnh đạo đơn vị được kiểm sát và Trưởng đoàn trực tiếp kiểm sát.
Nội dung trên đây thể hiện hai vấn đề quan trọng là nội dung kết luận trực tiếp giám sát và trách nhiệm, thủ tục thực hiện hoạt động thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát. Điều này chứng tỏ vai trò cực kỳ quan trọng của kết luận trực tiếp giám sát trong việc lưu trữ hồ sơ trong công tác giám sát. Quy định này đã trở thành cơ sở pháp lý cơ bản để Viện Kiểm sát thực hiện mọi hoạt động theo trình tự, thủ tục hợp lý, không chồng chéo, mang lại những hiệu quả tích cực, phát sinh hiệu lực pháp lý cho các văn bản đã được pháp luật ấn định.
2. Mẫu số 72/TH: Biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát:
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
BIÊN BẢN
Thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị, dự thảo
kháng nghị (nếu có)………1…….
Vào hồi ….giờ…. ngày…. tháng..…. năm .….. tại……2…….
Viện kiểm sát ….3……….thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị, dự thảo kháng nghị (nếu có)……..1………..tại ….4…….
Thành phần:
1. Viện kiểm sát …3……..:
– Ông (Bà): ………chức vụ/chức danh …..;
– Ông (Bà): ……………chức vụ/chức danh …….;
2. Đơn vị được kiểm sát….4…:
– Ông (Bà):……chức vụ/chức danh….;
– Ông (Bà):…….chức vụ/chức danh.….;
Sau khi nghe …..5…., đại diện Đoàn kiểm sát thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị (nếu có), dự thảo kháng nghị (nếu có), các ý kiến tham gia góp ý như sau: …………….6………………..
Biên bản kết thúc vào hồi ……giờ….. cùng ngày, đã thông qua nội dung cho các thành phần tham dự có tên cùng nghe, nhất trí và ký tên.
Đại diện đơn vị được kiểm sát
(ký tên)
Trưởng đoàn
(ký tên)
Người ghi biên bản
(ký tên)
3. Hướng dẫn mẫu biên bản thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát:
(1) Ghi nội dung kết luận: trực tiếp kiểm sát Trại giam hoặc Trại tạm giam hoặc Cơ quan thi hành án hình sự……..
(2) Ghi rõ địa điểm lập biên bản
(3) Ghi tên Viện kiểm sát thông qua dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị, dự thảo kháng nghị (nếu có)
(4) Ghi tên Đơn vị được kiểm sát
(5) Thủ trưởng Đơn vị được kiểm sát
(6) Ghi lại toàn bộ quá trình công bố dự thảo kết luận trực tiếp kiểm sát, dự thảo kiến nghị, dự thảo kháng nghị (nếu có), các ý kiến tham gia: họ tên, chức vụ và đơn vị công tác; các nội dung nhất trí; các nội dung không nhất trí và lý do không nhất trí; các nội dung giải trình làm rõ
Cơ sở pháp lý:
Quyết định 501/QĐ-VKSTC về việc ban hành quy chế kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự.