Theo quy định cá nhân, tổ chức bị thiệt hại mà muốn được bồi thường thiệt hại thì cần làm đơn yêu cầu bồi thường và gửi đến cơ quan giải quyết bồi thường. Vậy trong trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường có thiếu sót cần bổ sung thì phải làm như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường là gì, để làm gì?
Mẫu 02/BTNN: Thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường chi tiết nhất được hiểu là mẫu đơn lập ra để gửi đến cá nhân, tổ chức có yêu cầu bồi thường để thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường . Thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường được sử dụng khi cơ quan giải quyết bồi thường phát hiện hồ sơ yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức có thiếu sót cần bổ sung để hồ sơ yêu cầu bồi thường đầy đủ và hợp lệ theo đúng quy định.
2. Mẫu 02/BTNN: Thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường:
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC CHỦ QUẢN (nếu có)
TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Số:…../TB-…(1)…
……(2)…, ngày … tháng … năm………
THÔNG BÁO
Về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường
Kính gửi:………(3)…………
Địa chỉ:…………(4)…………
Ngày…. tháng….năm…,.……….(5)…..đã nhận được hồ sơ yêu cầu bồi thường của Ông/Bà nộp …….(6)……..
………(5)……..đã tiến hành xem xét hồ sơ yêu cầu bồi thường và nhận thấy hồ sơ của Ông/Bà chưa đầy đủ theo quy định tại Điều 41
Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước……..(5)….yêu cầu Ông/Bà bổ sung giấy tờ sau :
1………(7)………
2………(7)……….
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Thông báo này, Ông/Bà phải bổ sung giấy tờ nêu trên vào hồ sơ yêu cầu bồi thường. Nếu Ông/Bà không bổ sung hồ sơ trong thời hạn quy định,……..(5)…….sẽ không thụ lý hồ sơ yêu cầu bồi thường của Ông/Bà theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 43 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước./.
Nơi nhận:
– Như trên;
– Lưu: VT, HSVV.
Thủ trưởng cơ quan
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu)
3. Hướng dẫn lập thông báo về việc bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường:
(1) Chữ viết tắt của cơ quan giải quyết bồi thường.
(2) Ghi tên địa phương nơi có trụ sở cơ quan giải quyết bồi thường theo cấp hành chính tương ứng.
(3)(4) Ghi thông tin người yêu cầu bồi thường theo văn bản yêu cầu bồi thường.
(5) Ghi tên cơ quan giải quyết bồi thường.
(6) Ghi hình thức nộp hồ sơ của người yêu cầu bồi thường: nộp trực tiếp hoặc nộp qua dịch vụ bưu chính.
(7) Ghi rõ tên, loại giấy tờ, tài liệu phải nộp bổ sung.
4. Quy định của pháp luật liên quan đến hồ sơ yêu cầu bồi thường:
Theo quy định tại Khoản 3, khoản 4 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định về người yêu cầu bồi thường nhà nước và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ như sau:
“Điều 3.Giải thích từ ngữ
…
3. Người yêu cầu bồi thường là người có văn bản yêu cầu bồi thường thuộc một trong các trường hợp: người bị thiệt hại, người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại, người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết hoặc tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại.
4. Hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn không đúng quy định của pháp luật”.
Theo quy định trên thì người yêu cầu bồi thường nhà nước phải là người bị thiệt do hành vi không thực hiện hoặc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ gây ra hoặc do quyền hạn không đúng quy định của pháp luật của người thi hành công vụ. Để thực hiện quyền yêu cầu bồi thường nhà nước cá nhân, tổ chức bị thiệt hại cần phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 41 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cụ thể như sau:
– Trường hợp người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức bao gồm:
+ Văn bản yêu cầu bồi thường;
+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc người bị thiệt hại không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;
+ Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).
– Trường hợp người yêu cầu bồi thường là người thừa kế (đối với trường hợp nếu có nhiều người thừa kế thì những người thừa kế đó phải cử ra một người đại diện) hoặc người yêu cầu bồi thường là người đại diện của người bị thiệt hại thì hồ sơ yêu cầu bồi thường còn phải có các tài liệu sau đây:
+ Văn bản yêu cầu bồi thường;
+ Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp người bị thiệt hại không được gửi hoặc người bị thiệt hại không thể có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Giấy tờ chứng minh nhân thân của người bị thiệt hại;
+ Tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường (nếu có).
+ Giấy tờ chứng minh nhân thân của người thừa kế, giấy tờ chứng minh nhân thân của người đại diện của người bị thiệt hại;
+ Văn bản ủy quyền hợp pháp trong trường hợp có đại diện theo ủy quyền;
+ Trường hợp người bị thiệt hại chết mà có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải thực hiện cung cấp di chúc, trong trường hợp không có di chúc thì người yêu cầu bồi thường phải có văn bản hợp pháp về quyền thừa kế.
– Văn bản yêu cầu bồi thường phải có các nội dung chính sau đây:
+ Họ, tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường;
+ Thời gian làm văn bản yêu cầu bồi thường: ngày, tháng, năm;
+ Hành vi gây ra thiệt hại của người thi hành công vụ;
+ Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra trên thực tế và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;
+ Thiệt hại, cách tính bồi thường và mức yêu cầu bồi thường;
+ Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có);
+ Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường tuy nhiên phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
+ Yêu cầu phục hồi danh dự (nếu có);
+ Yêu cầu khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có).
Trường hợp người bị thiệt hại chỉ yêu cầu phục hồi danh dự thì khi đó văn bản yêu cầu bồi thường phải có nội dung quy định sau:
+ Họ, tên, địa chỉ và số điện thoại liên lạc (nếu có) của người yêu cầu bồi thường;
+ Thời gian làm văn bản yêu cầu bồi thường: ngày, tháng, năm;
+ Hành vi gây ra thiệt hại của người thi hành công vụ;
+ Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra trên thực tế và hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ;
+ Đề nghị tạm ứng kinh phí bồi thường (nếu có);
+ Đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường tuy nhiên phải nêu rõ tên văn bản và địa chỉ thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường đó trong trường hợp người yêu cầu bồi thường không có khả năng thu thập văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường;
– Người yêu cầu bồi thường phải tiến hành nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu bồi thường trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan giải quyết bồi thường.
Trường hợp chưa xác định ngay được cơ quan giải quyết bồi thường theo quy định thì người yêu cầu bồi thường nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường đến Sở Tư pháp nơi người bị thiệt hại cư trú hoặc có trụ sở. Sau đó, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác định cơ quan giải quyết bồi thường và chuyển hồ sơ đến cơ quan giải quyết bồi thường đồng thời thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu bồi thường trong thời hạn 05 ngày làm việc.
Trường hợp người yêu cầu bồi thường trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ theo quy định phải là bản sao nhưng phải kèm theo bản chính để đối chiếu; trong trường hợp người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường qua dịch vụ bưu chính thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ theo quy định phải là bản sao có chứng thực, công chứng theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Như vậy, tùy từng trường hợp bồi thường mà hồ sơ yêu cầu bồi thường nhà nước được hiểu như sau:
– Thứ nhất, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường nhà nước trực tiếp nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường thì hồ sơ yêu cầu bồi thường nhà nước có thể nộp bản sao nhưng phải có bản chính để đối chiếu.
– Thứ hai, đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường qua dịch vụ bưu chính thì các giấy tờ, tài liệu và chứng cứ yêu cầu bồi thường phải là bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật về chứng thực.
Khi tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường của cá nhân, tổ chức thì cơ quan nhà nước có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, trong trường hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường không đầy đủ thì cơ quan nhà nước có thực hiện việc hướng dẫn người yêu cầu bồi thường tiến hành bổ sung hồ sơ yêu cầu bồi thường theo quy định. Đối với trường hợp không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã tiếp nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người bị thiệt hại gửi đơn yêu cầu bồi thường đến cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường.