Trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân, tổ chức luôn thực hiện nhiều hành vi khác nhau, trong số đó có những hành vi được coi là vi phạm hành chính.
Trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân, tổ chức luôn thực hiện nhiều hành vi khác nhau, trong số đó có những hành vi được coi là vi phạm hành chính. Để xác định một hành vi xảy ra có phải là vi phạm hành chính hay không, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA sẽ cung cấp cho khách hàng những các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của vi phạm hành chính.
Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính.
Trong các dấu hiệu thuộc mặt khách quan, dấu hiệu hành vi vi phạm hành chính là dấu hiệu bắt buộc. Hành vi có thể biểu hiện ra bằng hành động (chủ thể đã thực hiện hành vi mà pháp luật hành chính ngăn cấm) như: Say rượu, bia gây mất trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự (theo Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010) – hành vi này đã xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về trật tự công cộng; hoặc không hành động (chủ thể đã không thực hiện hành vi mà pháp luật yêu cầu phải thực hiện mặc dù có đủ điều kiện để thực hiện) như: không mang theo giấy chứng minh nhân dân, giấy tờ tùy thân (Điều 12
Hành vi mà cá nhân, tổ chức thực hiện là hành vi xâm phạm các quy tắc quản lý nhà nước và đã bị pháp luật hành chính ngăn cấm. Các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đã quy định rõ ràng việc ngăn cấm này, theo đó quy định rằng những hành vi này sẽ bị xử phạt bằng các hình thức, biện pháp xử phạt hành chính. Khi xem xét, đánh giá hành vi của cá nhân hay tổ chức có phải là vi phạm hành chính không, chúng ta luôn phải có căn cứ pháp lí rõ ràng xác định hành vi đó phải được pháp luật quy định là sẽ bị xử phạt bằng các biện pháp xử phạt hành chính. Trong việc xác định vi phạm hành chính đối với các tổ chức và cá nhân, cần tránh tình trạng áp dụng “nguyên tắc suy đoán” hoặc “áp dụng tương tự pháp luật”.
Ngoài ra, còn có các dấu hiệu khác thuộc mặt khách quan của vi phạm hành chính. Đối với một số loại vi phạm hành chính cụ thể, dấu hiệu thuộc mặt khách quan có tính chất phức tạp thì ngoài dấu hiệu hành vi vi phạm hành chính còn có thể có sự kết hợp với các dấu hiệu khác như sau:
Về thời gian thực hiện hành vi vi phạm: Điểm l khoản 1 Điều 8, mục 1, Chương II, Nghị định 34/2010/NĐ-CP ngày 2/4/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã quy định hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ là: “Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định”.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Về địa điểm thực hiện hành vi vi phạm: theo Điều 9 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010, hành vi “đổ nước hoặc để nước chảy ra” chỉ được coi là vi phạm hành chính khi nó diễn ra tại “khu tập thể, lòng đường, vỉa hè, nhà ga, bến xe, nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông hoặc ở những nơi khác làm mất vệ sinh chung”
Về công cụ phương tiện vi phạm: Phương tiện vi phạm được hiểu là những đối tượng được chủ thể sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm của mình. Công cụ vi phạm là một dạng cụ thể của phương tiện vi phạm. Chẳng hạn: Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định hành vi “gây rối trật tự công cộng” sẽ bị coi là vi phạm các quy định trật tự công cộng và bị áp dụng biện pháp xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 khi có mang theo các loại vũ khí thô sơ: dao, lê, mã tấu, dây xích, côn, gậy … hoặc công cụ hỗ trợ. Và khi xử phạt những hành vi vi phạm này, ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
Về hậu quả và mối quan hệ nhân quả: Trong nhiều trường hợp, hành vi của tổ chức, cá nhân chỉ bị coi là vi phạm hành chính khi hành vi đó đã gây ra những thiệt hại cụ thể trên thực tế. Có thể lấy ví dụ cụ thể như: hành vi “Trộm cắp tài sản nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” quy định tại Điều 7 Nghị định 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010, tức là chủ thể vi phạm đã có hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác và gây ra thiệt hại về tài sản dưới 2.000.000 đồng mà không gây hậu quả nghiêm trọng; không bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hay bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản. Việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hành chính với thiệt hại cụ thể đã xảy ra để đảm bảo nguyên tắc cá nhân, tổ chức chỉ phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do chính hành vi của mình gây ra.
Như vậy, tùy từng vi phạm hành chính mà ngoài dấu hiệu hành vi vi phạm, các dấu hiệu còn lại thuộc mặt khách quan của vi phạm hành chính có thể được mô tả và là dấu hiệu bắt buộc để xác định hành vi đó có là vi phạm hành chính hay không.