Mắc bệnh trầm cảm giết vợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phân chia di sản thừa kế.
Mắc bệnh trầm cảm giết vợ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phân chia di sản thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin luật sư tư vấn dùm. Tôi có người em trai mang chứng bệnh trầm cảm lỡ tay giết vợ. Xin hỏi luật sư cho biết về khung hình phạt của em tôi là bao nhiêu năm tù? Em tôi mang dấu hiệu trầm cảm thì có giảm nhẹ hình phạt không? Về em dâu tôi và em trai tôi đã kết hôn và có tài sản chung 1 mảnh đất và tiền. Về mật pháp lí em dâu tôi mất, em trai tôi đi tù thì tài sản đó bên nào được hưởng? Và em dâu đã đóng bảo hiễm xã hội công ty 9 năm. Số tiền đó được thanh toán thì bên gia đình tôi có được hưởng phần nào không? Xin mong luật sư tư vấn dùm tôi. Tôi xin trân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp lý:
Luật hôn nhân gia đình năm 2014
* Nội dung tư vấn:
1. Có phạm tội không và bao nhiêu năm tù?
Năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định con người có lỗi khi họ thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chỉ khi người có năng lực TNHS mới có thể là chủ thể của tội phạm. Người có sự phát triển bình thường về tâm – sinh lý sẽ có năng lực TNHS khi đã đạt độ tuổi nhất định – tuổi chịu TNHS. Năng lực này có thể sẽ không có hoặc bị loại trừ do mắc các bệnh nhất định liên quan đến hoạt động tâm thần. Sẽ có hai trường hợp:
– Trường hợp thứ nhất, em trai bạn bị bệnh trầm cảm dẫn đến mất khả năng nhận thức và khả năng thực hiện hành vi, tức là không có năng lực trách nhiệm hình sự, có kết luận của hội đồng giám định tâm thần xác định.
Người không có năng lực trách nhiệm hình sự do mắc bệnh như trên được gọi là người không có năng lực TNHS.
Điều 13 Bộ luật hình sự 1999 quy định về tình trạng không có năng lực TNHS như sau:
"1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự".
Mất năng lực trách nhiệm hình sự thì phải bao gồm cả hai dấu hiệu y học và tâm lý. Nếu em bạn thực hiện hành vi phạm tội của mình trong khi đang mắc bệnh trầm cảm mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, em bạn sẽ phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
– Trường hợp thứ hai, em trai bạn bị bệnh trầm cảm nhưng không làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì em trai bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
"1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết nhiều người;
b) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
c) Giết trẻ em;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Đối với tình trạng sức khỏe của em bạn là bị bệnh trầm cảm, đây là 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm n) Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự 1999, khi xét xử Tòa án sẽ xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
2. Về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng:
Điều 33 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 có quy đinh về tài sản chung của vợ chồng như sau:
"1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Em dâu bạn mất không để lại di chúc, thì phần tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được chia đều làm 2 phần bằng nhau, người chồng một phần, người vợ một phần. Phần của người vợ sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 676 Bộ luật dân sự 2005:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.”
3. Ai được hưởng số tiền bảo hiểm?
Theo quy định Luật bảo hiểm xã hội 2014, khi em dâu bạn mất sẽ được hưởng trợ cấp mai táng phí, mức trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người này chết.
Khoản 1 Điều 67 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định các trường hợp hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
"1. Những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 của Luật này thuộc một trong các trường hợp sau đây khi chết thì thân nhân được hưởng tiền tuất hằng tháng:
a) Đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm trở lên nhưng chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
b) Đang hưởng lương hưu;
c) Chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
d) Đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng với mức suy giảm khả năng lao động từ 61 % trở lên".
Như vậy, em dâu bạn đóng bảo hiểm xã hội được 9 năm tại công ty, bị chết do chồng giết. Do đó, những người thân nhân của em dâu bạn sẽ không thuộc đối tượng hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.