Thẻ cán bộ, công chức, viên chức là công cụ để xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ, công chứng, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức cấp thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức? Mã số thẻ cán bộ, công chức, viên chức là gì? Tác dụng là gì?
Mục lục bài viết
- 1 1. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức là gì?
- 2 2. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức có tác dụng gì?
- 3 3. Hình thức của thẻ cán bộ, công chức, viên chức:
- 4 4. Trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc quản lý và sử dụng thẻ:
- 5 5. Cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức cấp thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức:
1. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức là gì?
Khoản 1 Điều 3 Quyết định 06/2008/QĐ-BNV quy định về thẻ cán bộ, công chức, viên chức như sau: Thẻ cán bộ, công chức, viên chức là công cụ để nhận biết và xác định vị trí, chức danh của từng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cán bộ, công chức, viên chức bắt buộc phải đeo thẻ khi thực hiện nhiệm vụ, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức chấp hành các biện pháp bảo đảm an ninh theo quy định riêng thì không phải thực hiện chế độ đeo thẻ . Thẻ cán bộ, công chức, viên chức phải có tên cơ quan tổ chức, đơn vị quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; ảnh, họ và tên, chức vụ hoặc chức danh công việc của cán bộ, công chức, viên chức; mã số thẻ. Ngoài ra thẻ cán bộ, công chức, viên chức được làm bằng chất liệu giấy hoặc plastic. Khuyến khích các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng thẻ từ hoặc thẻ có gắn chíp điện tử để tăng thêm hiệu quả sử dụng. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức được đeo ở vị trí trước ngực bằng cách sử dụng dây đeo hoặc ghim cài. Khoảng cách đeo từ cằm đến mặt cắt ngang ở mép trên của thẻ cán bộ, công chức, viên chức là 200 – 300mm. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã được cấp thẻ nhưng không quản lý và sử dụng thẻ theo đúng quy định thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xem xét kỷ luật theo quy định của pháp luật.
2. Thẻ cán bộ, công chức, viên chức có tác dụng gì?
– Đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức trong giờ làm việc hoặc khi thi hành nhiệm vụ đã được quy định trong các văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cũng như quy định riêng của từng cơ quan, tổ chức. Đeo thẻ là một nếp sống văn minh công sở và ngày càng trở thành quy tắc ứng xử, căn cứ đánh giá của cá nhân cán bộ, công chức, viên chức nơi làm việc.
– Đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức khi làm nhiệm vụ là nhằm tạo ra sự thuận lợi hơn trong giao tiếp, giải quyết công việc giữa cá nhân đồng nghiệp với nhau. Đeo thẻ còn là một cách để thể hiện bản thân mình trong quan hệ giao tiếp, khẳng định mình với những người xung quanh. Đeo thẻ theo quy định cũng là cách để tôn vinh nghề nghiệp của chính bản thân mình từ đó tự chỉnh đốn bản thân, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công việc để thực hiện đúng với chức trách, nhiệm vụ được giao.
– Việc đeo thẻ nơi làm việc của cán bộ, công chức, viên chức khi làm việc cùng với trang phục gọn gàng, chỉn chu, thái độ lịch sự, hòa nhã, nghiệp vụ tốt sẽ tạo được niềm tin cho nhân dân.
– Cán bộ, công chức, viên chức đeo thẻ có ý nghĩa trong sự minh bạch, công khai, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân giám sát công việc giúp phòng ngừa, chống các hành vi tiêu tham nhũng, tiêu cực gây phiền hà cho nhân dân cũng như tổ chức.
3. Hình thức của thẻ cán bộ, công chức, viên chức:
Thẻ hình chữ nhật, rộng 50mm; dài 90mm, trên hai mặt thẻ được in giống nhau các tiêu chí thông tin sau đây:
– Tên cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (ghi ở hàng thứ nhất): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14 (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001), chữ đậm, màu chữ vàng nhạt được in trên nền màu xanh da trời.
– Tên cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức (ghi ở hàng thứ hai): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14 (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001), chữ đậm, màu chữ vàng nhạt được in trên nền màu xanh da trời.
– Họ và tên của cán bộ, công chức, viên chức (ghi ở hàng thứ ba): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 16 (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001), chữ đậm, màu đen được in trên nền màu trắng.
– Chức vụ của cán bộ, công chức, viên chức (ghi ở hàng thứ tư): chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 12 (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001), đậm, màu đen được in trên nền màu trắng. Đối với những người không giữ chức vụ lãnh đạo thì ghi chức danh công việc hiện tại của cán bộ, công chức, viên chức đó.
– Mã số thẻ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ (ghi ở hàng thứ năm) chữ in hoa kiểu Times New Roman, size 14 (theo bộ mã tiêu chuẩn tiếng Việt TCVN-6909/2001), đậm, màu đỏ được in trên nền màu trắng. Trong khi chờ quy định mới về mã số thẻ cán bộ, công chức, viên chức, trước mắt vẫn áp dụng số hiệu của thẻ công chức theo hướng dẫn tại
– Ảnh màu cỡ 3 x 4cm của người được cấp thẻ ở vị trí phía dưới bên trái thẻ.
– Hình Quốc huy in màu theo quy định ở vị trí phía trên bên trái thẻ.
4. Trách nhiệm của công chức, viên chức trong việc quản lý và sử dụng thẻ:
– Cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm quản lý, sử dụng thẻ theo đúng quy định của pháp luật.
+ Tuyệt đối không được cho mượn thẻ dưới bất kỳ hình thức nào. Hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức cho mượn thẻ làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của cá nhân, gây nhầm lẫn cho các cơ quan đơn vị dẫn đến nhiều hệ quả xấu.
+ Cán bộ, công chức, viên chức làm mất hoặc làm hư hỏng thẻ phải báo cáo và giải trình với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quản lý thẻ; đồng thời đề nghị được cấp lại hoặc đổi thẻ mới.
+ Cán bộ, công chức, viên chức được điều động, luân chuyển, biệt phái đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phải trả lại thẻ cho cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ; đồng thời đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị mới cấp thẻ để sử dụng.
+ Cán bộ, công chức, viên chức thay đổi về chức danh công việc hoặc chức vụ công tác thì đề nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp đổi thẻ mới.
+ Cán bộ, công chức, viên chức khi nghỉ hưu được giữ thẻ của mình sau khi cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý thẻ đã cắt góc hoặc đột lỗ trên thẻ. Khi đó thẻ không còn giá trị sử dụng, chỉ mang giá trị kỷ niệm.
– Ngoài ra người đứng đầu cơ quan cấp Bộ, cấp tỉnh và tương đương hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cũng có trách nhiệm trong việc quản lý thẻ như sau:
+ Trực tiếp quản lý thẻ của cán bộ, công chức, viên chức theo phân cấp thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
+ Thẩm tra, làm thủ tục cấp, đổi thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức để sử dụng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
+ Thu hồi thẻ của cán bộ, công chức, viên chức trong các trường hợp: Cho mượn thẻ, thẻ được cấp không đúng quy định của pháp luật;Thôi việc hoặc vi phạm kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; Thay đổi cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác, vị trí chức danh công việc hoặc chức vụ công tác.
+ Cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp thẻ có trách nhiệm thu hồi thẻ, cắt góc hoặc đột lỗ trên thẻ để không đưa thẻ vào sử dụng.
5. Cơ quan nào chịu trách nhiệm tổ chức cấp thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức:
Căn cứ vào điều 10 Quyết định 06/2008/QĐ-BNV về việc quy định mẫu thẻ và việc quản lý, sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
* Trách nhiệm của Bộ Nội vụ:
+ Hướng dẫn việc làm thẻ và cấp thẻ cán bộ, công chức, viên chức;
+ Quy định và cấp mã số thẻ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn quốc;
+ Kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
* Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
+ Tổ chức làm thẻ và cấp thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo mẫu quy định tại Quyết định này. Đối với cán bộ, công chức, viên chức mới được tuyển dụng hoặc tiếp nhận, thì thời gian cấp thẻ không quá 30 ngày kể từ ngày cán bộ, công chức, viên chức đó có quyết định tuyển dụng hoặc tiếp nhận;
+ Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chế độ đeo thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.
* Trách nhiệm của Vụ (hoặc Ban) Tổ chức cán bộ các Bộ, ngành Trung ương và Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai thực hiện các quy định về chế độ đeo thẻ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi Bộ, ngành và địa phương quản lý cụ thể như sau:
+ Tổ chức việc làm thẻ và cấp thẻ cho cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước và cán bộ, công chức cấp xã;
+ Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc quản lý và sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
+ Tổng hợp báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện quy định quản lý và sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đồng thời, gửi về Bộ Nội vụ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Quyết định 06/2008/QĐ-BNV về việc quy định mẫu thẻ và việc quản lý, sử dụng thẻ đối với cán bộ, công chức, viên chức