Để kiểm tra, giám sát các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu cũng như con người, phương tiện vận tải di chuyển qua khu vực biên giới,... thì Luật Hải quan đã ra đời để thực hiện chức năng đó. Luật hải quan là gì? Đối tượng điều chỉnh và nội dung chính của Luật Hải quan
Mục lục bài viết
1. Luật hải quan là gì?
Hải quan là gì?
Hải quan là một ngành có nhiệm vụ thực hiện các công việc bao gồm kiểm tra, giám sát hàng hóa, phương tiện vận tải vận chuyển qua khu vực biên giới. Hải quan thực hiện nhiệm vụ tổ chức thực hiện pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng bên cạnh đó, hải quan tham gia hoạt động xây dựng pháp luật, xây dựng các chủ trường, các biện pháp quản lý trong hoạt động hải quan.
Luật hải quan là gì?
Luật hải quan là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tổng hợp các quy định điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong lĩnh vực hải quan.
Luật hải quan tiếng Anh là “Law on customs“
2. Đối tượng điều chỉnh của Luật Hải quan:
Luật hải quan điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh giữa các đối tượng dưới đây trong lĩnh vực hải quan:
– Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu,… với cơ quan hải quan
– Tổ chức, cá nhân với nhau
3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Hải quan:
Phạm vi điều chỉnh của Luật Hải quan gồm: quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trong lãnh thổ hải quan; về tổ chức và hoạt động của Hải quan.( Điều 1
Đối tượng áp dụng của Luật Hải quan theo Điều 2 Luật Hải quan năm 2014 bao gồm:
– Tổ chức, cá nhân thực hiện xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.
– Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải.
– Cơ quan hải quan, công chức hải quan.
– Cơ quan khác của Nhà nước trong việc phối hợp quản lý nhà nước về hải quan.
4. Nội dung chính của Luật Hải quan:
Về chính sách về hải quan của Việt Nam chính là Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam. Xây dựng Hải quan Việt Nam trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động minh bạch, hiệu lực, hiệu quả.
Tại chương II của luật quy định về Nhiệm vụ, tổ chức của hải quan, gồm các điều khoản nhiệm vụ của hải quan; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Hải quan, Hệ thống tổ chức Hải quan và Công chức hải quan.
Tại chương III quy định về Thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan. Bao gồm các quy định về nguyên tắc tiến hành thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; Quản lý rủi ro; quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; Nhiệm vụ và quyền hại của công chức hải quan; đại lý làm thủ tục hải quan;
– Các quy định về thủ tục hải quan; địa điểm làm thủ tục hải quan
– Các quy định về hàng hóa như phân loại, xuất xứ hàng hóa, mã vạch,…
– Quy định về khai hải quan: phải khai đầy đủ, chính xác, rõ ràng các tiêu chí thông tin tờ khai hải quan. Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử hoặc tại cơ quan hải quan.
– Quy định về kiểm tra hải quan: kiểm tra hải quan trên cơ sở của kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin có liên quan đến hàng hóa. Gồm kiểm tra hồ sơ hải quan; kiểm tra thực tế hàng hóa;
– Giải phóng hàng hóa việc cơ quan hải quan cho phép xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khi đáp ứng đủ điều kiện: hàng hóa đủ điều kiện để được xuất khẩu, nhập khẩu nhưng chưa xác định được số thuế chính thức phải nộp và người khai hải quan đã nộp thuế hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh số thuế trên cơ sở tự kê khai, tính thuế của người khai hải quan.
– Thông quan hàng hóa: Hàng hóa được thông quan sau khi đã hoàn thành thủ tục hải quan; hoặc khi hoàn thành xong các nghĩa vụ về thuế thì hàng hóa được thông quan khi có tổ chức bảo lãng về số tiền thuế phải nộp hoặc được áo dụng thời hạn nộp thuế theo quy định khác của luật.
– Giám sát hải quan: đối tượng giám sát hải quan gồm hàng hóa, phương tiện vận tải, phương tiện vận tải nội địa vận chuyển hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan. Các phương thức giám sát hải quan gồm: Niêm phong hải quan; Giám sát trực tiếp do công chức hải quan thực hiện; Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật. Cơ sở của việc giám sát hải quan cũng dựng trên kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin khác có liên quan đến đối tượng giám sát hải quan
Về chế độ ưu tiên với doanh nghiệp gồm các quy định về các điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên. Chế độ ưu tiên với doanh nghiệp gồm:
– Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.
– Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan trong thời hạn cho phép.
– Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế
Về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, tài sản di chuyển, hành lý gồm các quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa bán tại cửa hàng miễn thuế; kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tạm xuất khẩu; với hàng hóa là quà biếu, tặng; hàng hóa phục vụ yêu cầu khẩn cấp, hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; tài sản di chuyển của cá nhân, gia đình, tổ chức ;….
Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sán xuất thành hàng hóa xuất khẩu. Theo đó, hàng hóa là nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu phải chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu hoặc thay đổi mục đích sử dụng.
Kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa tại kho ngoại quan, kho bảo thuế và địa điểm thu gom hàng lẻ gồm các quy định về hàng hóa gửi tại kho ngoại quan, kho bảo thuế và địa điểm; điều kiện thành lập các đơn vị trên; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; …
Đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan, thì hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan bao gồm hàng hóa quá cảnh và hàng hóa chuyển cửa khẩu; người khai hải quan phải khai tờ khai vận chuyển hàng hóa; nộp hoặc xuất trình chứng từ theo quy định; hàng hóa đang chịu sự giám sát hải quan phải được vận chuyển đúng tuyến đường, đúng cửa khẩu, đúng thời hạn.
Về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan với phương tiện vận tải gồm các quy định về
Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì luật quy định về nguyên tắc kiểm tra, giám sát, tạm dùng làm thủ tục hải quan; thủ tục kiểm tra, giám sát, tạm dùng làm thủ tục hải quan; tiếp nhận đơn đề nghị; thủ tục tạm dừng làm thủ tục hải quan;
Kiểm tra sau thông quan là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến hàng hóa; kiểm tra thực tế hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan. Các trường hợp kiểm tra sau thông quan khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan và quy định khác của pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu, nhập khẩu. Kiểm tra sau thông quan có thể được thực hiện tại trụ sở cơ quan hải quan, trụ sở của người khai hải quan;
Về thu thuế và các khoản thu khác thì việc kê khai, tính thuế chính xác, trung thực, đầy đủ, đúng thời hạn và chịu trách nhiệm về việc kê khai, tính thuế của mình; việc nộp thuế và các khoản thu khác đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật về thuế, phí, lệ phí và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xác định mức thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu căn cứ vào mã số hàng hóa và chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực tại thời điểm tính thuế. Trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu là giá bán của hàng hóa tính đến cửa khẩu xuất, không bao gồm phí bảo hiểm và phí vận tải quốc tế; được sử dụng làm cơ sở cho việc tính thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Về phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hải quan và được quy định tại chương V của luật.
Về thông tin hải quan và thống kê hàng xuất xuất, nhập khẩu thì thông tin hải quan được thu thập, lưu trữ, quản lý, sử dụng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan; thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;… còn hoạt động thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là quá trình thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, dự báo, báo cáo, phổ biến, lưu trữ thông tin thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu do Tổng cục Hải quan tổ chức thực hiện
Cuối cùng là quy định về quản lý nhà nước về hải quan. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hải quan; Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hải quan.
*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật hải quan năm 2014.