Trong quá trình tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng do không nắm rõ các quy định pháp luật liên quan nên các bên thường sẽ gặp một số sai sót nhất định. Vậy các lỗi thường gặp trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng phổ biến bao gồm những gì ?
Mục lục bài viết
1. Lỗi thường gặp trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng:
1.1. Pháp luật áp dụng:
Điều quan trọng nhất khi tham gia ký kết hợp đồng giữa hai bên đó chính là các quy định về pháp luật áp dụng. Hiện nay các quy định của pháp luật Việt Nam về hợp đồng được quy định tại các văn bản khác nhau như bộ luật dân sự, thương mại, doanh nghiệp,…Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự được xem là bộ luật gốc được áp dụng để điều chỉnh tất cả các quan hệ liên quan đến hợp đồng mà không phân biệt đó là loại hợp đồng vì dân sự,
Vì vậy, khi tham gia đàm phán và ký kết hợp đồng các bên cần phải lưu ý đến pháp luật áp dụng trong hợp đồng để có thể biết được các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp một trong các bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
1.2. Không nắm rõ nội dung hợp đồng do không trực tiếp soạn thảo hợp đồng:
Nội dung hợp đồng là vấn đề mà các bên hay xảy ra sai sót khi nhắc đến những lỗi thường gặp khi soạn thảo ký kết hợp đồng. Một số lỗi nội dung thường gặp có thể kể đến là: Không quy định về thời gian thực hiện hợp đồng; không quy định về phạt vi phạm hợp đồng hoặc một số nghĩa vụ khác,…
Một lỗi phổ biến thường gặp khi các bên tham gia ký kết hợp đồng với nhau đó là việc các bên không tự mình soạn thảo hợp đồng mà thuê dịch vụ của một bên thứ ba. Thông thường các bên sẽ tin tưởng bên thứ ba và không kiểm tra lại các điều khoản được quy định trong hợp đồng vì cho rằng bên thứ ba là bên nắm rõ các quy định của pháp luật, vì vậy họ có thể đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều trường hợp bên thứ ba vẫn có thể sai sót hoặc không nắm rõ được mong muốn của khách hàng dẫn đến nội dung hợp đồng có những điều khoản chưa phù hợp.
Ngoài ra việc tự mình soạn thảo đồng sẽ giúp cho các bên có thể tự mình nắm rõ được các quyền, nghĩa vụ của mình khi tham gia ký kết hợp đồng và sẽ có nhiều lợi thế trong quá trình đàm phán và đưa ra những điều khoản có lợi nhất cho mình.
Bên cạnh đó việc tự mình soạn tao đăng sẽ giúp thuận tiện hơn trong trường hợp muốn nghiên cứu và chỉnh sửa nội dung hợp đồng so với việc thuê dịch vụ soạn thảo.
1.3. Không kiểm tra kĩ nội dung của điều khoản thanh toán:
Điều khoản thanh toán là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng, vì vậy điều khoản này cần được ưu tiên trong quá trình hai bên trao đổi, thống nhất nội dung được quy định trong hợp đồng. Theo đó, các điều khoản về thời hạn thanh toán, mức lãi suất, phương thức thanh toán, các khoản thuế phát sinh trong quá trình giao kết hợp đồng (nếu có), trách nhiệm đối với trường hợp một bên không thanh toán hoặc thanh toán chậm so với thời hạn hai bên đã thỏa thuận với nhau thì phải chịu mức phạt như thế nào cần được các bên khi tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng lưu ý.
1.4. Điều khoản chung của hợp đồng:
Ngoài các điều khoản cơ bản thì một hộp đồng để đáp ứng được tiêu chí đầy đủ về mặt nội dung thì cần phải có các điều khoản chung. Bởi đây không chỉ là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng hay mục đích chung của hợp đồng mà còn chính là những vấn đề cơ bản để quyết định về việc có tham gia vào hợp đồng hay không.
Các điều khoản chung nó có thể bao gồm:
+ Các lý do để thực hiện việc giao kết hợp đồng với bên còn lại là gì?
+ Đối tác đã từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động, kinh doanh này hay chưa?
+ Các cam kết mà các bên phải thực hiện cho nhau là gì?
+ Thời điểm mà các bên sẽ tiến hành để thực hiện hợp đồng?
+ Có thời hạn nhất định về việc giao nhận hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ hay không?
+ Trong trường hợp nào thì phải sửa đổi, bổ sung nội dung của hợp đồng?
+ Những trường hợp sẽ được loại trừ trách nhiệm của một bên trong quá trình thực hiện hợp đồng?
1.5. Tự suy diễn nội dung hợp đồng:
Một lỗi khá phổ biến trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng đó chính là việc các bên đã tự suy diễn các nghĩa vụ của đối tác phải thực hiện mà không ghi rõ nội dung đó một cách cụ thể ở trong hợp đồng. Ví dụ trong trường hợp bên bán cung cấp hàng hóa cho bên mua nhưng không ghi rõ là có kèm theo các phụ tùng hoặc các thiết bị liên quan hay không. Các điều khoản liên quan đến vấn đề bồi thường thiệt hại nếu như giao hàng hóa. Trong khoảng thời gian nhất định thì sẽ được xác định như thế nào.
Như vậy, việc quy định một cách rõ ràng về tất cả các nghĩa vụ, dịch vụ, hàng hóa mà các bên phải thực hiện cung cấp phải được nêu rõ trong hợp đồng để tránh các trường hợp xảy ra xung đột hoặc vì không nêu rõ nên chia đối tác có thể lợi dụng vào các điều khoản đó gây ra các thiệt hại không đáng có trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng. ngoài ra nếu có các điều khoản chưa được giải thích rõ ràng hoặc gây nhầm lẫn thì hai bên nên trao đổi với nhau một cách trực tiếp trong quá trình đàm phán trước khi ký kết hợp đồng.
2. Một số lưu ý khác trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng:
Thứ nhất, về hình thức hợp đồng:
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan thì tùy thuộc vào loại hợp đồng mà các bên khi tham gia ký kết hợp đồng có thể tự do lựa chọn các hình thức hợp đồng khác nhau bao gồm: hợp đồng được thể hiện bằng lời nói; hợp đồng được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực; hợp đồng được lập thành văn bản không có công chứng, chứng thực; hợp đồng được lập bằng văn bản và có người làm chứng;…
Như vậy, có thể thấy tùy thuộc vào loại hợp đồng, nhu cầu của các bên khi tham gia ký kết hợp đồng về việc đảm bảo tính giá trị pháp lý của hợp đồng thì việc lựa chọn một hình thức hợp đồng phù hợp cũng là điều quan trọng. Bên cạnh đó cần phải lưu ý trong một số trường hợp nhất định pháp luật có quy định về hình thức của hợp đồng thì các bên phải tuân theo quy định đó. Ví dụ như trong trường hợp các bên tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì theo quy định của điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể trong trường hợp này các bên phải tiến hành lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
Ngoài ra, cần lưu ý để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện điện tử hiện đại thì các dạng hợp đồng được lập thông qua các phương tiện điện tử dưới dạng thông điệp điện tử cũng được xem là một dạng hợp đồng bằng văn bản.
Thứ hai, sử dụng ngôn từ gây nhầm lẫn:
Việc sử dụng ngôn từ không rõ ràng, gây nhầm lẫn trong quá trình thực hiện hợp đồng là một trong những lỗi thường gặp. Điều này dẫn đến việc các bên không hiểu rõ nội dung của hợp đồng và dễ dàng xảy ra tranh chấp. Vì vậy để tránh trường hợp này xảy ra các bên cần phải giải thích các thuật ngữ gây nhầm lẫn trong hợp đồng một cách hợp lý, thống nhất và khoa học.
Các văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Đất đai năm 2013.