Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ là gì? Quy định về lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ? Có được bắt người vào ban đêm không? Có được lấy lời khai ban đêm vào không?
Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Đồng thời sau khi bắt người, giữ người phạm tội thì Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành lấy lời khai của người phạm tội. Vậy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ là gì? Và có được lấy lời khai ban đêm không?
Dịch vụ Luật sư
Mục lục bài viết
1. Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ là gì?
Lời khai là lời trình bày của bị can, bị cáo, người bị hại, người bị tạm giữ, người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới vụ án, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự trong vụ án hình sự mà người này đã thực hiện hoặc biết được theo yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án theo trình tự luật định nhằm giải quyết vụ án một cách đúng đắn, khách quan.
Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a)Vật chứng;
b)Lời khai, lời trình bày;
c)Dữ liệu điện tử;
d)Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ)Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e)Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g)Các tài liệu, đồ vật khác.
Như vậy, thì lời khai là một nguồn để thu thập chứng cứ, và nội dung của lời khai chính là chứng cứ. Và theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự thì lời khai không phải chứng cứ mà nội dung của lời khai mới là chứng cứ.
Lời khai của người bị bắt, người bị giữ là lời trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.
2. Quy định về lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ:
Điều 95. Lời khai của người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ
“Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt, bị tạm giữ trình bày những tình tiết liên quan đến việc họ bị nghi thực hiện tội phạm.”
Lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất được quy định cụ thể tại Điều 421,
1. Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
2. Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.
Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.
3. Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.
4. Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
5. Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;
c) Ngăn chặn người khác phạm tội;
d) Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;
đ) Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.
6. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án.
3. Có được bắt người vào ban đêm không?
Bắt người là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với bị can, bị cáo, người đang bị truy nã và trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang thì áp dụng đối với cả người chưa bị khởi tố về hình sự nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, ngăn ngừa họ trốn tránh pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Các trường hợp bắt người gồm bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bắt người phạm tội quả tang, bắt người đang bị truy nã, bắt bị can, bị cáo để tạm giam, bắt người bị yêu cầu dẫn độ.
Việc bắt người phải tiến hành đúng thẩm quyền theo luật định, trừ trường hợp bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã. Phải có biên bản về việc bắt người và phải thông báo ngay cho gia đình người đã bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết.
Bắt giữ là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện, người thực hiện tội phạm đang bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã để ngăn chặn tội phạm. Biện pháp bắt giữ sẽ đảm bảo cho hoạt động phát hiện, xử lý tội phạm hoặc đảm bảo thi hành án. Bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ các đối tượng nêu trên và dẫn giải đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất. Trong khi bắt giữ có quyền tước vũ khí của người bị bắt.
Tính thời hạn được quy định được quy định tại Điều 134, Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
1. Thời hạn mà Bộ luật này quy định được tính theo giờ, ngày, tháng, năm. Đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.
Khi tính thời hạn theo ngày thì thời hạn sẽ hết vào lúc 24 giờ ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn theo tháng thì thời hạn hết vào ngày trùng của tháng sau; nếu tháng đó không có ngày trùng thì thời hạn hết vào ngày cuối cùng của tháng đó; nếu thời hạn hết vào ngày nghỉ thì ngày làm việc đầu tiên tiếp theo được tính là ngày cuối cùng của thời hạn.
Khi tính thời hạn tạm giữ, tạm giam thì thời hạn hết vào ngày kết thúc thời hạn được ghi trong lệnh, quyết định. Nếu thời hạn được tính bằng tháng thì 01 tháng được tính là 30 ngày.
2. Trường hợp có đơn hoặc giấy tờ gửi qua dịch vụ bưu chính thì thời hạn được tính theo dấu bưu chính nơi gửi. Nếu có đơn hoặc giấy tờ gửi qua cơ sở giam giữ thì thời hạn được tính từ ngày Trưởng Nhà tạm giữ, Trưởng Buồng tạm giữ thuộc Đồn biên phòng, Giám thị Trại tạm giam, Giám thị Trại giam nhận đơn hoặc giấy tờ đó.
Như vậy, nếu không phải là trường hợp phạm tội quả tang hoặc bắt người đang truy nã, công an tuyệt đối không được bắt người vào ban đêm. Mọi hành vi bắt người vào ban đêm, nếu không thuộc hai trường hợp nêu trên, đều được coi là trái luật và người bị bắt có quyền yêu cầu khiếu nại, bồi thường thiệt hại.
Bộ luật tố tụng hình sự 2015 hiện hành chưa đưa ra hướng dẫn, giải thích chính thức nào về việc không được bắt người vào ban đêm. Tuy nhiên, có thể hiểu, việc pháp luật cấm bắt người vào ban đêm nhằm đảm bảo trật tự, tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng đến những người xung quanh, bởi ban đêm là thời điểm hầu hết mọi người đều đang ngủ.
Hơn nữa, việc bắt người vào ban đêm còn không đảm bảo tính công khai, minh bạch của hoạt động bắt giữ. Cũng chính vì vậy mà ngoài quy định không được bắt người vào ban đêm, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 cũng quy định:
– Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm
– Không hỏi cung bị can vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn được nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản
– Không được bắt đầu việc khám xét chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp khẩn cấp nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản
-Không được lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân vào ban đêm
4. Có được lấy lời khai ban đêm vào không?
Theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 thì không quy định cụ thể về việc lấy lời khai vào ban đêm trừ trường hợp trì hoãn. Nếu như trong trường hợp bắt người phạm tội quả tang thì phải thực hiện tại thời điểm bắt được tội phạm để tránh trường hợp người phạm tội lấp liếm, thay đổi tình tiết của vụ việc đã xảy ra. Để đảm bảo thủ tục trình tự tiến hành tố tụng vụ án hình sự thì vẫn có thể lấy lời khai vào ban đêm.