Liên đới chịu trách nhiệm trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là cùng liên đới chịu trách nhiệm khi có thiệt hại ngoài hợp đồng xảy ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định của Bộ luật Dân sự nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh giữa bên gây thiệt hại và bên bị gây thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh do hành vi trái pháp luật, có lỗi cố ý hoặc vô ý của bên gây thiệt hại hoặc trong một số trường hợp khác mà pháp luật quy định bên gây thiệt hại phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi. Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ này được quy định tại khoản 5, 6 Điều 281 Bộ luật Dân sự gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật và những căn cứ khác do luật định, còn nội dung cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì được quy định tại Chương XXI, “Bộ luật dân sự năm 2015”, trong đó quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp do nhiều người gây ra được quy định tại Điều 616 “Bộ luật dân sự năm 2015”, với nội dung cụ thể như sau:
“Điều 616. Bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra
Trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
>>> Luật sư
Theo quy định trên, chủ thể chịu trách nhiệm liên đới sẽ là những người cùng gây ra thiệt hại. Tuy nhiên, quy định trên chỉ nêu ra nhưng lại không giải thích “cùng gây ra thiệt hại” cụ thể là như thế nào? Việc quy định như vậy nhưng lại không giải thích cụ thể dẫn đến các trường hợp người áp dụng luật hiểu sai, áp dụng nhầm hoặc không biết phải áp dụng như thế nào?
Cùng gây ra thiệt hại có thể có các trường hợp sau:
– Thứ nhất, cùng cố ý gây ra thiệt hại, tức là có cùng ý chí, cùng nhau thực hiện một hành vi hoặc là những người này không cùng ý chí nhưng đều có thể nhận thức được hành vi đó là trái pháp luật, có thể gây ra thiệt hại nhưng vẫn thực hiện hành vi đó. Trường hợp này, nếu người bị gây ra thiệt hại không có lỗi thì đương nhiên những người gây ra thiệt hại phải bồi thường, còn trong trường hợp người bị thiệt hại cũng có lỗi thì sẽ bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 617 “Bộ luật dân sự 2015”.
– Thứ hai, cùng vô ý gây ra thiệt hại, trường hợp này nếu như người bị thiệt hại cũng có lỗi thì những người gây ra thiệt hại bồi thường theo quy định tại Điều 617 Bộ Luật Dân sự, nhưng nếu người gây ra thiệt hại hoàn toàn không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của những người cùng gây thiệt hại được xác định trong hai trường hợp liên đới bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ khi chủ sở hữu để người khác chiếm hữu sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ (khoản 4 Điều 623) và trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu súc vật và người thứ ba khi họ cùng có lỗi để súc vật gây thiệt hại cho người khác (khoản 2 Điều 625).
– Thứ ba, vừa cố ý vừa vô ý gây ra thiệt hại, trường hợp nay là gộp lại giữa hai trường hợp trên, hướng giải quyết sẽ tách ra thành từng bên có lỗi vô ý và có lỗi cố ý để giải quyết.
Qua những phân tích trên, chúng ta có thể thấy rằng việc quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nhiều người cùng gây ra còn khá mông lung, khó áp dụng trong thực tiễn, mong rằng những phân tích trên sẽ có ích trong việc áp dụng quy định này hơn.