Sự hình thành và phát triển các quy định về tội đánh bạc trong Bộ luật Hình sự Việt Nam từ giai đoạn năm 1945 đến nay.
Pháp luật hình sự Việt Nam đã trải qua một chặn đường lịch sử dài trong suốt 70 năm (1945-2015) – bắt đầu từ sắc lệnh đầu tiên của chính quyền nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà và kết thúc bằng việc thông qua Bộ luật hình sự thứ ba của đất nước (năm 2015). Theo quan điểm của GS.TSKH. Lê Cảm thì các giai đoạn của pháp luật Việt Nam được phân chia cụ thể như sau: Giai đoạn thứ nhất: gồm 10 năm (1945-1955) – từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến khi đình chỉ hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ.
– Giai đoạn thứ hai: gồm 30 năm (1955-1985) – từ sau khi đình chỉ hoàn toàn việc áp dụng các đạo luật hình sự cũ đến trước khi pháp điển hoá lần thứ nhất với việc thông qua Bộ luật Hình sự đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất.
– Giai đoạn thứ ba: gồm 30 năm (1985-2015) – từ sau khi pháp điển hoá lần thứ nhất đến khi pháp điển hoá lần thứ ba với việc thông qua
– Và cuối cùng, giai đoạn thứ tư (đương đại) – từ sau khi thông qua
Các quy định về tội đánh bạc cũng tuân theo quá trình phát triển của lịch sử pháp luật Việt Nam như đã nêu ở trên. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhân dân ta đã lật đổ chế độ thực dân, nửa phong kiến đã kéo dài hơn 80 năm và lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 2/9/1945) – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á. Lúc đó chính quyền Cách mạng mới được thành lập đã phải thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng có ý nghĩa sống còn đối với sự tồn vong của chế độ mới là: một mặt phải bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng những cơ sở nền tảng quan trọng của chế độ mới và củng cố chính quyền còn non trẻ, mặt khác, chúng ta cũng buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ (1946-1954) nhằm chống lại thực dân Pháp xâm lược hòng phục hồi lại ách đô hộ thực dân của chúng ở nước ta.
Đây là giai đoạn 10 năm đầu của pháp luật Hình sự nước ta, lúc này việc xây dựng những cơ sở của hệ thống pháp luật hình sự mới ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gặp nhiều khó khăn, thách thức, chính quyền Cách mạng mới quyết định việc xây dựng những nền tảng đầu tiên của hệ thống pháp luật hình sự thực định mới sẽ triển khai theo ba hướng chính là:
Một là bãi bỏ một bộ phận lớn các đạo luật hình sự cũ (tức là các văn bản pháp luật hình sự của chế độ thực dân, nửa phong kiến) đã hiện hành trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Hai là tạm thời giữ nguyên hiệu lực của một số đạo luật hình sự cũ để áp dụng trong những trường hợp hết sức hãn hữu với việc đưa vào đó nội dung giai cấp mới.
Ba là ban hành mới các văn bản pháp luật hình sự và các văn bản pháp luật có tính chất hình sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh lịch sử nêu trên sắc lệnh số 168/SL ngày 14/4/1948 về việc ấn định cách trừng trị tội đánh bạc ra đời, đây là văn bản pháp luật hình sur đầu tiên được Nhà nước ta quy định về tội cờ bạc. Sắc lệnh này thể hiện đường lối xử lý cứng rắn, thái độ nghiêm khắc của Nhà nước ta đối với loại tội phạm này, đặc biệt đối với những đối tượng phạm tội đánh bạc.
Tại Điều 1 của sắc lệnh 168/SL quy định:
Tất cả các trò chơi cờ bạc, dù là có tính cách may rủi hay là có thể dùng trí khôn để tỉnh nước, mà được thua bằng tiền, đều coi là tội đánh bạc và bị phạt như sau. Những cuộc đánh đố nhau bằng tiền, những cuộc xổ số bằng tiền hay bằng đồ mà không có nhà chức trách có thẩm quyền cho phép trước, cũng đều bị phạt như tội đánh bạc.
Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (7/5/1954) dưới sự lãnh đạo tài tình và sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã giành được thắng lợi hoàn toàn mà kết quả của nó dẫn đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ “Về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương” (21/7/1954) và kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Nhưng ngay sau đó đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai đã không chịu thực hiện Hiệp định Giơnevơ, vì vậy nhân dân ta lại một lần nữa buộc phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ trong suốt 21 năm (1954-1975) đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược thống nhất đất nước.
Đây là giai đoạn thứ hai gồm 30 năm (1955-1985), trong giai đoạn này sự phát triển của hệ thống hình sự nước ta có ba đặc điểm cơ bản như sau:
– Một là bãi bỏ hoàn toàn các đạo luật hình sự cũ trước cách mạng đã được tạm thời áp dụng trong giai đoạn trước đây (1945-1954). – Hai là tiếp tục ban hành các văn bản pháp luật hình sự của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gồm hai nhóm – các đạo luật hình sự và các đạo luật có tính chất hình sự mới.
– Ba là ban hành các văn bản giải thích có tính chất chỉ đạo của Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự,
Tệ nạn cờ bạc trong giai đoạn lịch sử ngày diễn ra nghiêm trọng, từ nông thôn đến thành thị, có hầu như tất cả các thành phần trong xã hội thời bấy giờ tham gia như: những phần tử xấu, lưu manh côn đồ, những con bạc cũ, có cả một số công thương gia, công nhân viên, cán bộ, bộ đội phục viên… Hình thức cờ bạc đa dạng, số tiền cược rất lớn như: đánh được thua nhau tới hàng chục vạn đồng, có trường hợp công nhân xích lô thua bạc bán cả xe, có trường hợp một bộ đội phục viên thua bạc bán bảy nhà của đồng bào đi Nam, có trường hợp một nhân viên bưu điện Hải Dương thua bạc bán cả Huân chương lấy tiền…
Sở dĩ nạn cờ bạc lại phát triển như thế là vì ở nông thôn sau khi phát hiện sai lầm về cải cách ruộng đất, những phần tử xấu lợi dụng chính quyền, công an, du kích xã chưa được củng cố để tổ chức những đám bạc sát phạt nhau. Ở thành thị, thì sau khi ta mở rộng dân chủ, một số người xưa nay vẫn có máu mê cờ bạc lợi dụng cơ hội để tổ chức đánh bạc.
Trước tình hình đó, chính quyền chưa có một kế hoạch toàn diện và nhiều khi Toà án còn lúng túng về đường lối giải quyết. Để góp phần vào việc bài trừ nạn cờ bạc Bộ Tư pháp đã ban hành thông tư 301/VHH-HS ngày 14/2/1957 và thông tư 2098/VHH-HS ngày 31/5/1957 của Bộ Tư pháp về về việc bài trừ tệ nạn cờ bạc ra đời, hai thông tư trên đã hướng dẫn thêm và giải quyết phần nào những vướng mắc của sắc lệnh 168/SL như:
– Những trò chơi cờ bạc để giải trí, không được thua bằng tiền như tú lơ khơ, bài lá, mà chược thì không bị cấm.
– Những cỗ bài tú lơ khơ, bài lá, mà chược có thể bày bán, không bị cấm, nhưng người mua về chỉ để chơi giải trí không được thua bằng tiền. (Đây là một điểm trái với lời văn của điều 3 Sắc lệnh 168, nhưng có thể linh động được vì không trái với tinh thần bài trừ nạn cờ bạc được thua bằng tiền và cũng thích hợp hơn với tình hình hiện tại nữa. Việc này chỉ có lợi cho bị can).
– Không nhất thiết phải bắt được quả tang đánh bạc mới có thể truy tố được.Có thể viện chứng bằng bất cứ hình thức nào để chứng minh là bị can đã tổ chức hoặc đã đánh bạc nhưng cần phải rất thận trọng trong trường hợp này. Có bằng chứng cụ thể rõ ràng thì mới truy tố, không nên suy luận hoặc chỉ dựa vào lời khai của một vài nhân chứng.
– Nếu thấy cần thiết phải truy tố để làm hậu thuẫn cho việc giáo dục thì cứ đưa ra truy tố và đề nghị với Toà xử phạt mức tối thiểu. Nếu xét không cần thiết phải truy tố thì cảnh cáo ở Phòng Công tố rồi tha cho bị can.
– Bỏ việc quản thúc đối với các bị can về tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc.
– Không thể tịch thu số tiền mang theo trong người, không thể tịch thu được số tiền hồ và số tiền được bạc để ở trong người, không thể tịch thu đồ vật do tiền được bạc.
– Trường hợp bắt được quả tang đánh bạc nhưng xét chưa cần thiết phải đưa ra truy tố trước Tòa án thì Công tố viên có thể tự mình ra mệnh lệnh tịch thu số tiền bắt được ở trên bàn hay chiếu bạc.
– Không bắt người được bạc trả lại cho người thua bạc số tiền được bạc.
– Không cho người đứng ra tổ chức đánh bạc cò mồi để các con bạc đến chơi rồi bắt.
Qua những điểm đã liệt kê ở trên đã cho thấy sự tiến bộ của hoạt động lập pháp trong giai đoạn này, từng bước đã đi vào thực tiễn đời sống của nhân dân chứ không còn cứng nhắc như sắc lệnh 168/SL ban đầu nữa.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 15/3/1976, Hội đồng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban hành sắc luật số 03- SL/76 quy định tội phạm và hình phạt đối với hành vi xâm phạm trật tự công cộng, an toàn công cộng và sức khỏe của nhân dân. Văn bản này ra đời trong hoàn cảnh miền Nam đã hoàn toàn giải phóng, trật tự cách mạng đã được thiết lập, tình hình trị an xã hội bước đầu đã có chuyển biến tốt nhưng vẫn còn phức tạp, nhiều loại tội phạm, trong đó có tội cờ bạc vẫn xảy ra, gây khó khăn cho việc quản lý xã hội. Vì vậy, những quy định về tội cờ bạc và chính sách xử lý loại tội phạm này trong sắc luật 03-SL/76 cũng thể hiện thái độ nghiêm khắc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đối với các hành vi phạm tội này ở một nửa đất nước vừa giải phóng.
Tại Điều 9 của sắc luật, tội cờ bạc được quy định với mức hình phạt là tù từ 3 tháng đến 5 tháng, trường hợp nghiêm trọng thì phạt tù đến 15 năm. Trong mọi trường hợp, người phạm tội có thể bị phạt tiền đến 1000 đồng Ngân hàng. Ngoài ra, quy định tại Điều 11 về hình phạt phụ, người phạm tội có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, trường hợp phạm tội có tính chất chuyên nghiệp còn có thể bị phạt quản chế hoặc cấm lưu trú ở một số địa phương từ 1 năm đến 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.
Ngay sau khi sắc luật số 03- SL/76 được ban hành, theo tinh thần của Chỉ thị số 54/TATC ngày 6/7/1977 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc thi hành pháp luật thống nhất trong cả nước thì hình phạt đã được quy định đối với các tội phạm về cờ bạc trong sắc luật 03-SL/76 là quá cao, không phù hợp với tình hình tội phạm này ở miền Bắc. Chính vì vậy, giai đoạn này miền Bắc vẫn áp dụng đường lối xét xử đã được hướng dẫn tại bản tổng kết số 9-NCPL ngày 8/1/1968 và sắc luật 03- SL/76 chỉ áp dụng tại miền Nam.
Các nguyên tắc xử lý về hình sự trong pháp luật Hình sự Việt Nam trong giai đoạn này gồm:
– Nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, bọn tái phạm nguy hiểm, bọn ngoan cố chống đối, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng hoặc thực hiện tội phạm bằng thủ đoạn đặc biệt dã man.
– Khoan hồng đối với những người thật thà, hối cải, tự thú hoặc tố giác đồng bọn, lập công chuộc tội.
Có thể nhận thấy rằng, sắc lệnh 168/SL, sắc luật 03-SL/76 và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành kịp thời để phục vụ cho hoạt động đấu tranh với các loại tội phạm về cờ bạc. Tại các văn bản này đã nêu ra những khái niệm, đã có sự phân hóa một cách tương đối rõ về các hành vi thuộc tội phạm cờ bạc. Phương châm xử lý về hình sự đó là “mức độ nặng nhẹ căn cứ vào tính chất của hành vi và nhân thân bị cáo, hành vi tổ chức, chứa gả cờ bạc nguy hiểm hơn hành vi đánh bạc, những đám bạc to nguy hiểm hơn đảm bạc nhỏ” (01- Bộ tư pháp (1957). Do vậy, xác định được chính xác các hành vi phạm tội đánh bạc và các tội phạm khác liên quan và phân hóa trách nhiệm hình sự giữa các tội phạm này, đề ra hướng xử lý phù hợp có tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa các tội phạm cờ bạc.
Ngày 27 tháng 06 năm 1985, BLHS năm 1985 được ban hành đánh dấu một bước tiến quan trọng trong kỹ thuật lập pháp hình sự ở nước ta.
Điều 200 BLHS năm 1985 là điều luật duy nhất quy định về các tội cờ bạc cùng với các quy định trong phần chung và Điều 218 (quy định về hình phạt bổ sung) của Bộ luật là cơ sở pháp lý cho việc xử lý các tội phạm về cờ bạc trong giai đoạn này. Theo đó, điều luật quy định về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc như sau:
1- Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm
2- Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Với cách thức quy định tại Điều 200 BLHS năm 1985 cho thấy, mặc dù được quy định tại cùng một điều luật nhưng tội đánh bạc được phân định rõ rệt với tội tổ chức đánh bạc và tội gá bạc bằng cách quy định cụ thể ở hai khung hình phạt khác nhau với chế tài cụ thể khác nhau. Đây chính là một điểm tiến bộ trong kỹ thuật lập pháp của BLHS năm 1985 so với các văn bản pháp luật thời kì trước.
Theo nhận xét của GS.TSKH. Lê Cảm: “
Điều 200 BLHS năm 1985 cho thấy rõ sự kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật hình sự giai đoạn trước về tội đánh bạc, đó là vẫn quy định hình thức xử lý nghiêm khắc hơn đối với những đối tượng tham gia đánh bạc.
Để đáp ứng kịp thời việc điều chỉnh các quan hệ xã hội mới hình thành và phát triển (nói chung), cũng như thực tiễn phòng chống tội phạm (nói riêng) trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước nên pháp luật Hình sự thực định của Việt Nam đã được pháp điển hoá lần thứ hai. Sau một thời gian dài soạn thảo,ngày họp cuối cùng (ngày 21 tháng 12 năm 1999) tại kỳ họp Quốc hội thứ 6 (từ ngày 18/11 đến ngày 21/12/1999) Quốc hội khoá X đã thông qua Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, đồng thời Bộ luật này đã chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2000 kéo dài 17 năm và chỉ hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018 (sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 hiện hành chính thức có hiệu lực thi hành).
BLHS năm 1999 ra đời là đánh dấu sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật XHCN và trình độ nhận thức của cơ quan lập pháp nước ta đối với tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc. Trên cơ sở kế thừa những quy định vẫn còn phù hợp trong BLHS năm 1985, bằng sự tiếp thu có chọn lọc, đồng thời phân tích đánh giá những quy định thiếu tính khả thi và chưa phù hợp trong thực tiễn áp dụng vào xét xử, BLHS năm 1999 đã có những quy định mới về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc một cách hoàn thiện hơn, đầy đủ hơn, đáp ứng được nhu cầu của cuộc đấu tranh phòng chống loại tội phạm đang ngày càng phát triển này.
Giai đoạn này pháp luật hình sự Việt nam có bước tiến rõ rệt, khác với quy định của BLHS năm 1985, BLHS năm 1999 đã quy định cụ thể hơn về tội đánh bạc trong một điều luật độc lập. Nếu như BLHS năm 1985 quy định tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong cùng một điều luật, thì BLHS năm 1999 quy định tội đánh bạc tại Điều 248, còn tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 249. Việc tách tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thành hai điều luật riêng là nhằm cá thể hóa trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội do yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.
Thêm nữa, BLHS năm 1999 đã quy định cụ thể mức hình phạt bổ sung của tội đánh bạc là: “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”, thay vì quy định hình phạt bổ mơ với sung tư cách là chế tài chung đối với các cấu thành tội phạm cụ thể trong cùng một nhóm tội phạm tương ứng tại điều cuối cùng của từng chương như trong BLHS năm 1985.
Tiếp đó, BLHS năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định cụ thể hơn về giá trị tài sản (tiền, hiện vật) là dấu hiệu cấu thành tội phạm này. Nghị quyết 01/HĐTP ngày 22 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng điều 248 và 249 BLHS cụ thể rõ hơn nữa quy định tại Điều 248, Điều 249 Bộ luật hình sự.
Giai đoạn này thể hiện bước tiến quan trọng trong việc củng cố hệ thống pháp luật nói chung và những quy định của pháp luật hình sự về tội đánh bạc nói riêng, góp phần có hiệu quả trong việc quản lý nhà nước, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội. Giai đoạn này cũng đánh dấu bước tiến vượt bậc trong kỹ thuật lập pháp của nhà nước ta, thể hiện sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta, thể hiện ý chí đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn cờ bạc là một tệ nạn tiêu cực ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân, làm suy thoái đạo đức con người.