Theo quy định pháp luật hiện hành thì mọi giao dịch liên quan đến bất động sản bắt buộc phải thực hiện công chứng/ chứng thực. Vậy khi thực hiện giao dịch liên quan đến Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì các bên sẽ phải công chứng ở đâu? Lệ phí công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Một số quy định về vấn đề công chứng:
Công chứng là công việc được thực hiện bởi công chứng viên của Tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền (Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng) trong việc:
– Chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự bằng bản;
– Chứng nhận văn bản chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức, xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản tiếng Việt được dịch sang tiếng nước ngoài hoặc ngược lại.
Việc thực hiện công chứng phải được thực hiện theo yêu cầu tự nguyện của cá nhân, tổ chức yêu cầu.
Công chứng được thể hiện trên văn bản và văn bản công chứng được xác định là hợp đồng, giao dịch, bản dịch đã được công chứng viên chứng nhận theo quy định của Luật Công chứng năm 2014.
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2014 thì giá trị pháp lý của văn bản công chứng được công nhận khi:
– Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng;
– Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ; những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng, giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
– Bản dịch được công chứng có giá trị sử dụng như giấy tờ, văn bản được dịch;
– Hợp đồng, giao dịch được công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng, giao dịch có thỏa thuận khác.
2. Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có bắt buộc phải công chứng không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 459 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì việc tặng cho quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản và có công chứng/ chứng thực. Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định bắt buộc về việc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng dất phải có công chứng/ chứng thực trừ trường hợp kinh doanh bất động sản được quy định tại khoản 4 Điều này.
Do đó, việc công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là một yêu cầu bắt buộc khi diễn ra giao dịch tặng cho bất động sản. Tại khoản 2 Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về việc hình thức của giao dịch dân sự cũng chính là một điều kiện để phát sinh hiệu lực của giao dịch dân sự. Theo đó, việc công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là một trong những việc bảo đảm về hình thức của hợp đồng theo quy định.
Như vậy, một trong những điều kiện để giao dịch tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực là phải được lập thành Hợp đồng tặng cho có công chứng hoặc chứng thực.
3. Lệ phí công chứng hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất:
Khi thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất thì bên tặng cho và bên nhận tặng cho bắt buộc phải xác lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có công chứng/ chứng thực. Vậy khi công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì các bên sẽ phải trả bao nhiêu tiền lệ phí công chứng?
Luật Dương Gia xin liệt kê một số khoản chi phí mà khách hàng phải chi trả khi sử dụng dịch vụ công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất:
Thứ nhất, thù lao công chứng:
Thù lao công chứng được hiểu là khoản tiền bồi dưỡng, bù đắp cho công sức thực hiện dịch vụ của công chứng viên. Căn cứ theo quy định tại Điều 67 Luật Công chứng năm 2014 thì người sử dụng dịch vụ công chứng phải chi trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch thuật giấy tờ văn bản và những văn bản khác có liên quan đến việc công chứng.
Theo đó, trong hoạt động công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất thì thù lao công chứng được xác định là thù lao của người yêu cầu chi trả cho tổ chức hành nghề công chứng soạn thảo Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và những hoạt động khác có liên quan.
Thứ hai, nộp lệ phí công chứng theo giá trị hợp đồng đối với hoạt động công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất:
Người yêu cầu công chứng không chỉ phải chi trả thù lao công chứng cho công chứng viên thì người yêu cầu còn phải thực hiện nộp lệ phí công chứng theo bảng giá niêm yết.
Căn cứ theo quy định tại điểm a1 khoản 2 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC thì mức thi lệ phí công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản thừa kế được tính theo giá trị di sản. Cụ thể, mức thu đối với từng mức giá trị tài sản được ban hành tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC như sau:
TT | Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch | Mức thu (đồng/trường hợp) |
1 | Dưới 50 triệu đồng | 50 nghìn |
2 | Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng | 100 nghìn |
3 | Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
4 | Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
5 | Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
6 | Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
7 | Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
8 | Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì mức thu lệ phí công chứng sẽ được áp dụng theo quy định tại bảng tính lệ phí trên. Mức thu này được áp dụng thông nhất đối với tất cả các Văn phòng công chứng và Phòng công chứng. Đối với Văn phòng công chứng thực hiện mức thu lệ phí theo quy định tại Thông tư số 257/2016/TT-BTC đã nêu trên thì đã tính bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật hiện hành.
4. Trình tự, thủ tục công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất:
Căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013 và những quy định của Luật Công chứng năm 2014 thì thực hiện tặng cho quyền sử dụng đất thì các bên sẽ phải lập thành Hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực. Việc công chứng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng dất được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng Hợp đồng tặng cho:
Hồ sơ yêu cầu công chứng Hợp đồng tặng cho bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Phiếu yêu cầu công chứng theo mẫu của tổ chức hành nghề công chứng;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho bên tặng cho;
– Dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bên đã lập (nếu có). Nếu không có Dự thảo này thì các bên có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng hỗ trợ soạn thảo giúp mình;
– Bản sao giấy tờ tuỷ thân của bên tặng cho và bên nhận tặng cho như: Căn cước công dân, Chứng minh thư nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng;
– Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân như: Giấy đăng ký kết hôn nếu đã kết hôn hoặc Giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân xác nhận việc độc thân do Uỷ ban nhân dân cấp xã/ phường/ thị trấn cấp;
– Giấy tờ uỷ quyền (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ tới tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền:
Sau khi chuẩn bị hồ sơ gồm đầy đủ các giấy tờ, tài liệu trên thì các bên sẽ nộp hồ sơ tại Tổ chức hành nghề công chứng có thẩm quyền.
Các bên có thể lựa chọn Văn phòng công chứng tư hoặc Phòng công chứng- đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Tư pháp nơi có đất để thực hiện công chứng Hợp đồng tặng cho.
Bước 3: Tổ chức hành nghề công chứng tiếp nhận và giải quyết yêu cầu công chứng:
Tổ chức hành nghề công chứng sẽ tiếp nhận hồ sơ và giải quyết yêu cầu công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các bên. Việc thực hiện công chứng có thể được chia thành 02 trường hợp sau:
Trường hợp 1: Các bên có hợp đồng soạn trước
Trong trường hợp này, công chứng viên phải kiểm tra dự thảo hợp đồng của các bên cung cấp. Nếu đáp ứng được yêu cầu thì chuyển sang đoạn tiếp theo là công chứng vào dự thảo Hợp đồng và được công nhận là Hợp đồng chính thức. Nếu Hợp đồng chuyển nhượng không đúng hoặc có vi phạm thì yêu cầu sửa, nếu không sửa thì từ chối công chứng.
Trường hợp 2: Các bên không soạn hợp đồng trước
Trường hợp này các bên không có dự thảo Hợp đồng chuyển nhượng thì các bên có quyền yêu cầu tổ chức công chứng soạn thảo hợp đồng theo sự thỏa thuận của các bên.
Sau khi soạn thảo Hợp đồng chuyển nhượng thì các bên có quyền yêu cầu công chứng viên đọc lại toàn bộ hợp đồng để kiểm tra và xác nhận vào hợp đồng. Nếu đồng ý với bản Hợp đồng mà công chứng viên soạn thảo thì người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của hợp đồng, phải ký trước mặt công chứng viên. Công chứng viên yêu cầu các bên xuất trình bản chính các giấy tờ có trong hồ sơ để đối chiếu. Cuối cùng, công chứng viên ghi lời chứng, ký và đóng dấu.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Luật Công chứng năm 2014;
– Thông tư số 257/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 11/11/2016 Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên.