Lập di chúc phân chia di sản của người có tài sản. Thừa kế theo di chúc. Quyền của người để lại thừa kể.
Lập di chúc phân chia di sản của người có tài sản. Thừa kế theo di chúc. Quyền của người để lại thừa kể.
Tóm tắt câu hỏi:
Mẹ tôi có 1 căn nhà. Khi già yếu bà ủy quyền cho tôi đứng tên để mua hóa giá nhà với nhà nước. Hiện tôi đang đứng chủ quyền của căn nhà nói trên. Gia đình tôi có 4 chị em ruột, vẫn đang sinh sống tại chổ, bản thân của tôi thì không chồng không con. Nay tôi muốn làm di chúc cho 3 người cháu ruột của tôi. Cũng xin nói rõ là tôi cũng có thêm 1 người em trai cùng cha khác mẹ, nhưng vì trốn quân dịch nên nó đã làm giấy tờ chuyển sang thành con trai của mẹ tôi (có nghĩa là nó đứng cùng 1 họ với bà). Vậy trên pháp lý thì người con trai này có được quyền thừa hưởng di sản căn nhà này do mẹ ruột và 4 chị em tôi tạo dựng hay không? (bởi vì nó chỉ là con trai của bà vợ nhỏ với ba tôi, nhưng trên giấy tờ pháp lý thì nó lại chính là con trai ruột của mẹ tôi với ba tôi ). Vậy việc thực hiện di chúc của tôi có hợp lệ hay không? Còn nếu không hợp lệ thì tôi có thể làm lại tờ di chúc khác do 4 chị em đồng ký để trao phần tài sản được hưởng của riêng 4 chị em tôi trong ngôi nhà nay cho những người con cháu ruột của chúng tôi được hay không? Bởi vì chúng tôi đã hơn 70 tuổi nhưng đầu óc vẫn còn rất minh mẫn. Kính mong luật sư tư vấn giúp đỡ cho chúng tôi. Chúng tôi hy vọng sớm nhận được thư hồi âm của quý luật sư. Xin cám ơn !?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Giải quyết vấn đề:
Thứ nhất, về quyền sở hữu của bạn đối với căn nhà trên.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đang đứng chủ quyền căn nhà nói trên, nghĩa là bạn đang là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà. Điều 146 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền sở hữu của chủ sở hữu như sau:
"Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác có đủ ba quyền là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản."
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2005:
Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản ( Điều 182 Bộ luật dân sự 2005). Theo đó:
" Trong trường hợp chủ sở hữu chiếm hữu tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý tài sản nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội. Việc chiếm hữu của chủ sở hữu không bị hạn chế, gián đoạn về thời gian, trừ trường hợp chủ sở hữu chuyển giao việc chiếm hữu cho người khác hoặc pháp luật có quy định khác" (Điều 184 Bộ luật dân sự 2005).
Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản (Điều 192 Bộ luật dân sự 2005). Theo đó, quyền sử dụng của chủ sở hữu được quy định tại Điều 193 Bộ luật dân sự 2005:
"Trong trường hợp chủ sở hữu thực hiện quyền sử dụng tài sản thuộc sở hữu của mình thì chủ sở hữu được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản theo ý chí của mình nhưng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác."
Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Như vậy, chủ sở hữu hợp pháp tài sản được thực hiện các quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo những căn cứ như trên. Trong trường hợp của bạn, bạn là chủ sở hữu hợp pháp căn nhà. Chính vì vậy bạn có quyền định đoạt, nghĩa là có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Thứ hai, về quyền để lại thừa kế của cá nhân.
Điều 631, Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền thừa kế của cá nhân. Theo đó: "Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật". " Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết" (Điều 646 Bộ luật dân sự 2005). Về điều kiện để lập di chúc, Bộ luật dân sự 2005 tại Điều 647 quy định như sau:
"1. Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
2. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý".
Điều 648 Bộ luật dân sự 2005 quy định về quyền của người lập di chúc như sau:
"Điều 648. Quyền của người lập di chúc
Người lập di chúc có các quyền sau đây:
1. Chỉ định người thừa kế; truất quyền hưởng di sản của người thừa kế;
2. Phân định phần di sản cho từng người thừa kế;
3. Dành một phần tài sản trong khối di sản để di tặng, thờ cúng;
4. Giao nghĩa vụ cho người thừa kế;
5. Chỉ định người giữ di chúc, người quản lý di sản, người phân chia di sản".
Như vậy, trong trường hợp này, bạn hoàn toàn có quyền lập di chúc để lại tài sản thừa kế theo ý chí của mình, có quyền chỉ định người thừa kế, phân định phần di sản cho từng người thừa kế phù hợp với quy định của pháp luật. Nghĩa là việc bạn chỉ định người thừa kế lập di chúc để lại toàn bộ số tài sản cho ba đứa cháu ruột là hoàn toàn hợp pháp.
Thứ ba, quy định của pháp luật về người thừa kế
Điều 635, Bộ luật dân sự 2005 quy định về người thừa kế như sau:
"Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế".
Bộ luật dân sự 2005 cũng quy định về người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo điều 669. Theo đó:
"Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thủ tục lập di chúc: 1900.6568
Trong trường hợp của bạn, người em trai của bạn không được hưởng thừa kế trong di chúc của bạn, đồng thời cũng không thuộc trường hợp quy định tại điều 669 Bộ luật dân sự 2005. Chính vì vậy, việc di chúc của bạn không chia thừa kế cho người em trai kia là hoàn toàn hợp lý.