Di chúc là việc một người để lại tài sản của mình cho một người khác sau khi họ qua đời. Vậy câu hỏi đặt ra: Lập di chúc có lồng ghép thêm điều kiện thì di chúc đó có giá trị pháp lý hay không?
Mục lục bài viết
1. Lập di chúc có kèm thêm điều kiện có giá trị pháp lý không?
1.1. Di chúc có điều kiện là gì?
Hiện nay pháp luật chỉ quy định khái niệm về di chúc nói chung, không có bất kỳ điều luật nào đưa ra khái niệm về di chúc có điều kiện. Căn cứ theo quy định tại Điều 624 của Bộ luật dân sự năm 2015 có ghi nhận, di chúc chính là việc thể hiện ý chí của một cá nhân nhằm mục đích chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho một người khác sau khi người lập di chúc qua đời. Như vậy thì mục đích của việc lập di chúc đó là chuyển tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật cho người khác sau khi người lập di chúc qua đời theo như ý muốn và nguyện vọng của người lập di chúc. Như vậy có thể hiểu theo lẽ thông thường thì một di chúc hợp pháp sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở thừa kế, tức là sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm người lập di chúc qua đời. Tuy nhiên trên thực tế khi tiến hành hoạt động lập di chúc thì người để lại di chúc xuất phát từ nhiều lý do khác nhau, có thể là lý do khách quan hoặc lý do chủ quan, người lập di chúc chưa muốn người được hưởng di chúc gồm toàn bộ di sản ngay khi mở thừa kế mà người lập di chúc muốn người hưởng thừa kế chỉ có quyền hưởng di sản khi thỏa mãn và khi đạt được một số điều kiện mà người lập di chúc đặt ra. Khi đó thì di chúc sẽ trở thành di chúc có điều kiện.
Có thể hiểu khái quát về di chúc có điều kiện như sau: Di chúc có điều kiện là ý chí của một chủ thể nhất định nhằm mục đích chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi người lập di chúc qua đời kèm theo một số điều kiện, người được hưởng di chúc chỉ có quyền hưởng khi đáp ứng một số nghĩa vụ nhất định, hay đạt được những điều kiện nhất định do người lập di chúc đặt ra, và được ghi nhận trong di chúc.
1.2. Di chúc kèm điều kiện có giá trị không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 626 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì có thể khẳng định, người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế theo nguyện vọng của bản thân, người lập di chúc có quyền truất quyền hưởng di sản của những người thừa kế cũng như phân định phần di sản cho từng người thừa kế nhất định. Do đó cho nên việc để lại di sản của mình cho ai trong di chúc là quyền của người lập di chúc và phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của người lập di chúc. Theo quy định của pháp luật hiện nay thì di chúc sẽ bao gồm những nội dung cơ bản sau:
– Ngày tháng năm lập di chúc;
– Họ tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
– Họ tên của người và cơ quan hoặc tổ chức được hưởng di sản;
– Di sản để lại và nơi có di sản trên thực tế;
– Ngoài những nội dung cơ bản trên thì di chúc có thể bao gồm một số nội dung khác miễn rằng nội dung đó không trái quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội, vì vậy di chúc có thể bao gồm một số điều kiện do người lập di chúc đặt ra.
Ngoài ra thì đã được coi là một di chúc hợp pháp, căn cứ theo quy định tại Điều 630 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì di chúc đó cần phải đáp ứng được những điều kiện sau:
– Người lập di chúc phải minh mẫn và sáng suốt trong quá trình lập di chúc, người lập di chúc không bị lừa dối hoặc đe dọa dưới bất kỳ hình thức nào;
– Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm và không trái đạo đức xã hội (hay nói cách khác, những điều kiện được ghi nhận trong di chúc phải phù hợp với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội thì sẽ được công nhận);
– Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật.
Căn cứ theo phân tích ở trên thì có thể thấy, pháp luật hiện nay không có quy định nào nghiêm cấm vì chúc không được kèm theo điều kiện cũng như không có bất kỳ quy định cụ thể nào về việc di chúc kèm theo điều kiện nhất định. Vì thế theo nguyên lý thông thường thì người dân có quyền được làm những điều mà pháp luật không cấm. Điều kiện của di chúc chính là một trong những nội dung bỏ ngoại mà các chủ thể có thể thêm vào trong quá trình soạn di chúc miễn sao điều kiện đó không trái với quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Do đó nếu di chúc đáp ứng được các điều kiện để có hiệu lực theo như phân tích ở trên thì hoàn toàn có thể kèm theo một số điều kiện nhất định.
Ví dụ: Ông Đạt soạn di chúc và trong di chúc có kèm theo điều kiện đó là, ông Đạt sẽ để lại tài sản cho con trai của mình, nhưng chỉ khi sau 25 tuổi con trai của ông mới có quyền quản lý, sử dụng và định đoạt căn nhà đó, còn trước thời điểm 25 tuổi thì không. Như vậy di chúc của ông Đạt sẽ được coi là di chúc có điều kiện. Điều kiện trong di chúc của ông Đạt không vi phạm đạo đức xã hội, tuy nhiên di chúc của ông Đạt lại vi phạm về thời điểm có hiệu lực, pháp luật hiện nay quy định di chúc sẽ có hiệu lực kể từ thời điểm mở di sản thừa kế tức là từ thời điểm ông Đạt qua đời, cho nên di chúc này của ông Đạt không có giá trị pháp lý. Di sản thừa kế của ông Đạt sẽ được chia theo pháp luật.
Như vậy hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về việc di chúc có điều kiện cho nên, nếu điều kiện của di chúc không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội cũng như đáp ứng được đầy đủ các điều kiện có hiệu lực thì di chúc đó cũng sẽ có giá trị pháp lý.
2. Quy định về hiệu lực của di chúc có điều kiện:
Theo như phân tích ở trên thì mặc dù pháp luật hiện nay chưa có bất cứ điều khoản nào quy định cụ thể và rõ ràng về di chúc có điều kiện, tuy nhiên căn cứ theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật dân sự năm 2015 thì có thể hiểu đây được coi là quy định nằm và là sự thừa nhận ngầm di chúc có hiệu lực trong hệ thống pháp luật thừa kế ở Việt Nam. Do đó cho nên di chúc có điều kiện vẫn sẽ được chấp nhận.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là hiệu lực của di chúc có điều kiện có giống với hiệu lực của di chúc thông thường hay không? Dù không có bất cứ quy định nào của pháp luật hiện nay nhân có thể hiểu rằng, bước đầu tiên để xác định hiệu lực của di chúc vẫn sẽ là thời điểm người để lại di chúc qua đời hoặc bị tòa án tuyên bố chết theo quy định của pháp luật, nhưng do đây là di chúc có điều kiện cho nên hiệu lực của di chúc còn phải phụ thuộc vào điều kiện đặt ra trong di chúc đó. Cụ thể rằng nếu như di chúc quy định điều kiện hưởng di sản là cái người thụ hưởng đó đạt 1 độ tuổi nhất định thì khi nào người đó đạt độ tuổi nhất định theo như điều kiện được ghi nhận trong di chúc thì mới được hưởng phần di sản đó theo di chúc mà người chết để lại, còn nếu di chúc quy định người hưởng di sản phải thực hiện một nghĩa vụ nào đó trên thực tế thì chỉ người đó thực hiện được nghĩa vụ đó thì mới được hưởng phần di sản theo di chúc.
Nhìn chung thì trong một di chúc có điều kiện, thì người hưởng di sản sẽ chỉ được hưởng phần di sản khi thực hiện được đầy đủ các điều kiện được ghi nhận trong di chúc do người lập di chúc để lại. Do không có quy định cụ thể về việc di chúc có điều kiện nên hiện nay về phương diện pháp lý và về phương diện thực tiễn, điều kiện di chúc chỉ được chấp nhận và bắt buộc người hưởng di sản thực hiện khi và chỉ khi điều kiện được ghi nhận trong di chúc đó không vi phạm quy định của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Vì vậy cho nên nếu di chúc quy định người hưởng di sản phải đạt những điều kiện nhất định ví dụ như độ tuổi, bằng cấp … thì khi họ đạt được những điều kiện này thì phần di chúc đó mới có hiệu lực trên thực tế. Còn nếu di chúc quy định người hưởng di sản phải thực hiện được đầy đủ các nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau thời điểm mở thừa kế thì khi người hưởng di sản thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự đó thì mới xem chứ di chúc có hiệu lực, dù trên thực tế có thể đã chuyển quyền sở hữu di sản từ người chết cho người thừa kế.
Ví dụ: Ông Đạt viết di chúc để lại tài sản của mình là căn nhà cho con của ông Đạt, nhưng nội dung di chúc đã ghi rõ sau khi ông đã qua đời thì tài sản là ngôi nhà đó sẽ để lại cho con của ông Đạt, Con của ông ta sẽ phải có nghĩa vụ nuôi giữ bé Hồng (là con riêng của ông Đạt) cho đến khi bé Hồng đủ 18 tuổi trên thực tế. Khi đó điều kiện để con của ông Đạt hưởng di sản từ ông Đạt đó là phải nuôi dưỡng bé Hồng cho đến khi đủ 18 tuổi, và sau khi ông Đạt qua đời thì con của ông Đạt phải đi khai nhận di sản thừa kế. Khi đó thì có thể hiểu rằng con của ông Đạt sẽ phải có nghĩa vụ nuôi dưỡng con riêng, đây được xác định là điều kiện để hưởng di chúc. Bé Hồng chưa đủ 18 tuổi nghĩa là con của ông Đạt vẫn chưa thực hiện xong nghĩa vụ những di sản đã thuộc quyền sở hữu của ông.
3. Xử lý khi điều kiện trong di chúc bị vi phạm:
Hiện nay pháp luật không có bất kỳ quy định cụ thể nào về vấn đề điều kiện trong di chúc không thể thực hiện được. Cho nên thực tế khi xảy ra tranh chấp thì sẽ không có căn cứ để giải quyết, việc giải quyết sẽ tùy thuộc vào kinh nghiệm chủ quan của Thẩm phán khi không thuyết phục được các đường sự.
Pháp luật hiện nay chỉ quy định cụ thể về chế định tặng cho có điều kiện. Cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 462 của Bộ luật dân sự năm 2015, trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho nhưng nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không ra tài sản theo sự thỏa thuận ban đầu thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện trên thực tế, còn trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho nhưng bên tặng được cho không thực hiện được đầy đủ nghĩa vụ thì bên tặng cho có quyền Đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại dựa trên thiệt hại đã xảy ra. Tuy nhiên đó là chế định tặng cho có điều kiện, di chúc có điều kiện thì pháp luật lại không quy định, vì thế người thừa kế vi phạm điều kiện thì có thể xử lý theo những hướng cơ bản sau đây:
– Nếu điều kiện để hưởng di chúc nhằm mục đích bảo vệ cho một chủ thể bất kỳ nào đó thì khi điều kiện đó bị vi phạm và không được thực hiện trên thực tế thì tài sản tất nhiên sẽ không thuộc về người hưởng thừa kế mà phần di sản đó sẽ được chuyển giao quyền sở hữu lại cho người được bảo vệ di sản thừa kế. Ví dụ như, cũng trong vụ việc ông Đạt nêu trên, nếu như con trai của ông Đạt không thực hiện được nghĩa vụ nuôi cháu Hồng cho đến khi cháu Hồng đủ 18 tuổi thì khi có tranh chấp xảy ra tài sản đó sẽ cần phải được chuyển cho cháu Hồng;
– Nếu điều kiện trong di chúc không nhầm bảo vệ cho bất kỳ một chủ thể nào đó thì khi điều kiện trong di chúc đó bị vi phạm và không được thực hiện theo đúng nguyện vọng của người lập di chúc thì phần di sản đó, người thừa kế theo di chúc sẽ không được hưởng mà sẽ cần phải chia di sản theo quy định của pháp luật.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015.