Khi công dân của một quốc gia đang cư trú trên một quốc gia khác có nhu cầu cần giải quyết một vấn đề pháp lý nào đó hoặc khi muốn xin thị thực đến một quốc gia chúng ta sẽ không biết phải làm gì. Lãnh sự quán sẽ đưa ra các phương hướng giải quyết và thủ tục thực hiện các vấn đề pháp lý đó.
Mục lục bài viết
1. Lãnh sự là gì?
1.1. Khái niệm:
Lãnh sự là viên chức ngoại giao đứng đầu đại diện lãnh sự của một quốc gia được giao nhiệm vụ tại một vùng nhất định ở quốc gia khác với sự đồng ý rõ ràng, cụ thể của quốc gia ấy, nhằm bảo vệ ở vùng đó lợi ích của quốc gia, pháp nhân và công dân của mình, thúc đẩy sự phát triển quan hệ chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa giữa quốc gia cử đại diện và quốc gia tiếp nhận, tìm hiểu và thông tin về tình hình kinh tế – xã hội trong vùng của quốc gia sở tại.
1.2. Đặc điểm:
– Lãnh sự chỉ được thực hiện quyền trong một phạm vi nhất định, không được vi phạm trật tự pháp lí, tập quán và phong tục địa phương đặt lãnh sự quán. Hoạt động của lãnh sự nằm dưới sự chỉ đạo và giám sát của đại sứ quán của quốc gia cử đại diện. Lãnh sự chỉ là một trong bốn cấp mà người đứng đầu đại diện lãnh sự được bổ nhiệm. Theo Điều 9 Công ước Viên về các quan hệ lãnh sự năm 1963, những người đứng đầu các cơ quan lãnh sự được chia làm bốn cấp là: tổng lãnh sự, lãnh sự, phó lãnh sự và đại lí.
– Quan hệ lãnh sự gắn bó mật thiết với quan hệ ngoại giao nhưng lại có những đặc điểm khác biệt và có sự độc lập nhất định với quan hệ ngoại giao.
– Quan hệ lãnh sự chủ yếu mang tính chất hành chính-pháp lý quốc tế, được thiết lập trong hoạt động đối ngoại để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân một quốc gia trong một phạm vi địa lý nhất định trên lãnh thổ quốc gia khác.
– Quan hệ lãnh sự được thiết lập theo sự thỏa thuận của các nước. Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, thông thường nếu không có thỏa thuận nào khác thì việc thiết lập quan hệ ngoại giao bao gồm luôn cả việc thiết lập quan hệ lãnh sự.
Lãnh sự tiếng Anh là “consul”.
2. Cơ quan lãnh sự là gì?
2.1. Khái niệm:
Cơ quan lãnh sự là cơ quan đối ngoại của quốc gia ở nước ngoài, nhằm thực hiện chức năng lãnh sự trong một khu vực lãnh thổ nhất định của nước tiếp nhận, trên cơ sở thỏa thuận giữa hai nước hữu quan. Khu vực lãnh thổ mà cơ quan lãnh sự thực hiện chức năng của mình gọi là khu vực lãnh sự. Khu vực lãnh sự do hai nước hữu quan thỏa thuận, được xác định trong hiệp định lãnh sự hoặc trong
Người đứng đầu cơ quan lãnh sự có thể chia ra làm bốn hạng là:
– Tổng lãnh sự quán (Consulate General);
– Lãnh sự quan (Consulate);
– Phó lãnh sự quán (Deputy consulate);
– Đại lý lãnh sự quán (Consular agent).
Người đứng đầu cơ quan lãnh sự do Nước cử bổ nhiệm và được Nước tiếp nhận chấp thuận cho thi hành chức năng của mình. Thể thức bổ nhiệm và chấp thuận người đứng đầu cơ quan lãnh sự được xác định bởi luật, các quy định và tập quán tương ứng của Nước cử và Nước tiếp nhận.
Mỗi khi bổ nhiệm, Nước cử cấp cho người đứng đầu cơ quan lãnh sự một văn kiện, dưới hình thức Giấy uỷ nhiệm lãnh sự hoặc một loại tương tự, chứng nhận chức vụ và theo lệ thường ghi rõ họ tên, hàm hoặc xếp hạng của người đứng đầu cơ quan lãnh sự, khu vực lãnh sự và nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự.
Qua đường ngoại giao hoặc đường thích hợp khác, Nước cử chuyển Giấy uỷ nhiệm lãnh sự hoặc văn kiện tương tự đến Chính phủ nước mà trên lãnh thổ nước đó người đứng đầu cơ quan lãnh sự sẽ thực hiện chức năng của mình.
Nếu Nước tiếp nhận đồng ý, thì thay cho Giấy uỷ nhiệm lãnh sự hoặc một văn kiện tương tự, Nước cử có thể gửi cho Nước tiếp nhận một bản
2.2. Việc thành lập một cơ quan lãnh sự:
Căn cứ vào Điều 4 công ước viên 2963 quy định về việc thành lập một cơ quan lãnh sự như sau:
– Chỉ khi được Nước tiếp nhận đồng ý mới có thể thành lập một cơ quan lãnh sự trên lãnh thổ Nước đó. Cơ quan lãnh sự có thể được đặt tại một thành phố lớn hoặc một tỉnh tùy theo sự thỏa thuận giữa hai nước hữu quan.
– Nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự, xếp hạng của cơ quan và khu vực lãnh sự do Nước cử quyết định và phải được Nước tiếp nhận chấp thuận.
– Sau này, chỉ khi nào có sự đồng ý của Nước tiếp nhận, Nước cử mới được thay đổi nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự, xếp hạng của cơ quan hay khu vực lãnh sự.
– Việc một Tổng lãnh sự quán hoặc một Lãnh sự quán muốn mở một Phó lãnh sự quán hoặc một Đại lý lãnh sự quán tại một địa điểm nằm ngoài nơi mà cơ quan này được thành lập thì cũng phải được Nước tiếp nhận đồng ý.
– Việc mở một văn phòng thuộc cơ quan lãnh sự hiện có ở ngoài nơi đặt trụ sở cơ quan lãnh sự đó thì cũng phải được Nước tiếp nhận đồng ý trước một cách rõ ràng.
3. Chức năng của cơ quan lãnh sự:
Các chức năng lãnh sự do các cơ quan lãnh sự thực hiện. Các chức năng lãnh sự còn do các cơ quan đại diện ngoại giao thực hiện phù hợp với những quy định của Công ước Viên năm 1963.
Theo như quy định tại Điều 5 Công ước Viên năm 1963 thì cơ quan lãnh sự thực hiện những chức năng sau:
– Bảo vệ tại Nước tiếp nhận các quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, pháp nhân và công dân Nước cử, trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép;
– Phát triển quan hệ thương mại, kinh tế, văn hoá và khoa học giữa Nước cử và Nước tiếp nhận cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa hai nước phù hợp với các quy định của Công ước này;
– Bằng mọi biện pháp hợp pháp, tìm hiểu tình hình và diễn biến trong đời sống thương mại, kinh tế, văn hoá và khoa học của Nước tiếp nhận, báo cáo tình hình đó về Chính phủ Nước cử và cung cấp thông tin cho những người quan tâm;
– Cấp hộ chiếu và giấy tờ đi lại cho công dân Nước cử và cấp thị thực hoặc các giấy tờ thích hợp cho những người muốn đến Nước cử;
– Giúp đỡ công dân bao gồm cả thể nhân và pháp nhân của Nước cử;
– Hoạt động với tư cách là công chứng viên và hộ tịch viên và thực hiện những chức năng tương tự, cũng như thực hiện một số chức năng có tính chất hành chính, với điều kiện không trái với luật và quy định của Nước tiếp nhận;
– Bảo vệ quyền lợi của công dân bao gồm cả thể nhân và pháp nhân của Nước cử trong trường hợp thừa kế di sản trên lãnh thổ Nước tiếp nhận, phù hợp với luật và quy định của Nước tiếp nhận;
– Trong phạm vi luật và quy định của Nước tiếp nhận, bảo vệ quyền lợi của những vị thành niên và những người bị hạn chế năng lực hành vi là công dân Nước cử, đặc biệt trong trường hợp cần bố trí sự giám hộ hoặc đỡ đầu cho những người này;
– Phù hợp với thực tiễn và thủ tục hiện hành ở Nước tiếp nhận, đại diện hoặc thu xếp việc đại diện thích hợp cho công dân Nước cử trước toàn án và các nhà chức trách khác của Nước tiếp nhận, nhằm đưa ra những biện pháp tạm thời phù hợp với luật và quy định của nước tiếp nhận để bảo vệ các quyền và lợi ích của các công dân đó, nếu vì vắng mặt hoặc vì một lý do nào khác, họ không thể kịp thời bảo vệ các quyền và lợi ích của họ;
– Chuyển giao các tài liệu tư pháp và không tư pháp, hoặc thực hiện các uỷ thác tư pháp hoặc uỷ thác lấy lời khai cho các toà án ở Nước cử phù hợp với các điều ước quốc tế hiện hành, hoặc nếu không có những điều ước quốc tế như vậy thì theo bất cứ cách nào khác phù hợp với luật và quy định của Nước tiếp nhận;
– Thực hiện quyền giám sát và thanh tra mà luật và quy định của Nước cử cho phép, đối với tàu thuỷ có quốc tịch Nước cử, tàu bay đăng ký ở Nước này, thuyền bộ và tổ bay;
– Giúp đỡ tàu thuỷ có quốc tịch Nước cử và tàu bay đăng ký ở nước này, và giúp các thành viên của thuyền bộ và tổ bay trên các tàu thuỷ và tàu bay đó, nhận các lời khai về hành trình của tàu, kiểm tra và đóng dấu giấy tờ của tàu và không ảnh hưởng đến quyền hạn của nhà chức trách Nước tiếp nhận, tiến hành điều tra các sự kiện xảy ra trong hành trình của tàu và giải quyết các tranh chấp dưới bất cứ dạng nào giữa thuyền trưởng, các sĩ quan và thuỷ thủ trong phạm vi cho phép của luật và các quy định của Nước cử;
– Thực hiện các chức năng khác do Nước cử giao cho cơ quan lãnh sự, nếu điều đó không bị luật và quy định của Nước tiếp nhận ngăn cấm hoặc không bị Nước tiếp nhận phản đối hoặc điều đó được quy định trong điều ước quốc tế hiện hành giữa Nước cử và Nước tiếp nhận.
* Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Công ước Viên năm 1961;
– Công ước Viên năm 1963.