Lấn chiếm làn đường gây tai nạn giao thông? Bồi thường tai nạn giao thông khi vi phạm luật an toàn giao thông.
Lấn chiếm làn đường gây tai nạn giao thông? Bồi thường tai nạn giao thông khi vi phạm giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, trong vụ tai nạn về phía công an kết luận chồng tôi sai hoàn toàn do đi lấn chiếm làn đường và đâm vào xe máy của hai em học sinh học lớp 11. Hậu quả chồng tôi đã chết. Chồng tôi đã chết hơn một tháng mà về phía gia đình 2 em học sinh không một lời thăm hỏi. Vậy cho tôi hỏi luật sư 2 em học sinh đang học lớp 11 điều khiển xe máy có được xem là lỗi trong vụ tai nạn này không? Công an kết luận chồng tôi có hành vi gây nguy hiểm cho xã hội có đúng không? Về phía gia đình 2 em học sinh họ có phải chịu trách nhiệm gì đối với gia đình tôi hay không? Rất mong được luật sư tư vấn.
Chân thành cảm ơn luật sư.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, bạn hỏi hai em học sinh có lỗi trong vụ tai nạn này không thì theo quy định tại Khoản 1 Điều 60 Luật giao thông đường bộ 2008 thì độ tuổi của người lái xe được quy định như sau:
“a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.”
Như vậy, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 60, có thể xác định:
– Trường hợp hai em học sinh này đã học lớp 11 nên đã đủ 16 tuổi, như vậy nếu hai em lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3 thì không vi phạm các quy định của pháp luật.
– Trường hợp hai em học sinh này lái xe gắn máy có dung tích trên 50 cm3 thì hành vi này được xác định là vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Thứ hai, về việc xác định tính nguy hiểm của hành vi lấn chiếm làn đường thì theo quy định tại Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 171/2013/NĐ-CP có thể xác định hành vi lấn chiếm làn đường của chồng bạn là hành vi vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông đường bộ.
Thứ ba, bạn hỏi gia đình hai em học sinh có phải bồi thường cho gia đình bạn hay không thì căn cứ vào việc xác định lỗi của hai em học sinh như phân tích trên, có thể xác định như sau:
– Trường hợp hai em học sinh này điều khiển xe gắn máy có dung tích trên 50 cm3, tức là hai em có hành vi vi phạm thì trường hợp này được xác định hai em cũng có lỗi khiến cho vụ tai nạn xảy ra. Căn cứ quy định tại Điều 617 Bộ luật dân sự 2005 thì: “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.” có thể xác định gia đình hai em học sinh cũng có một phần trách nhiệm bồi thường đối với gia đình bạn. Mức bồi thường do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Trường hợp hai em học sinh đó điều khiển xe gắn máy có dung tích dưới 50 cm3 và không có hành vi vi phạm pháp luật. Trường hợp này chồng bạn hoàn toàn có lỗi trong vụ tai nạn, tức là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hoàn toàn do chồng bạn lấn chiếm làn đường mà đâm vào hai em học sinh kia thì gia đình hai em sẽ không có trách nhiệm bồi thường cho gia đình bạn. Và nếu hai em học sinh kia bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng,… thì gia đình bạn cần có trách nhiệm bồi thường cho gia đình hai em học sinh đó theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA: