Một trong những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh đó là sản xuất phim có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc. Vậy làm phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Làm phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam bị xử lý thế nào?
1.1. Trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam:
Hành vi làm phim có nội dung xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 331 của Bộ luật hình sự năm 2015 khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến khách thể do bộ luật hình sự bảo vệ, về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm tới lợi ích của nhà nước, quyền lợi hợp pháp của các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là hành vi lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Hành vi này có thể là:
– Hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí thu thập, phát tán thông tin, tài liệu có nội dung sai sự thật xâm phạm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Thông tin, tài liệu có thể được người phạm tội đưa ra dưới nhiều hình thức khác nhau như: Thông tin truyền miệng, tờ rơi, truyền đơn, thông báo, bản tin, bài báo … có nội dung xuyên tạc, sai sự thật qua đó xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Hành vi lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vận động người dân bỏ tôn giáo này theo tôn giáo khác; bài xích gây hiềm khích, mâu thuẫn giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa các tôn giáo với nhau, giữa các tôn giáo với các tổ chức hoặc Nhà nước; vận động thành lập các tổ chức tôn giáo trái phép gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội qua đó xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Hành vi lợi dụng quyền tự do hội họp, lập hội vận động thành lập các tổ chức, đoàn, hội trái phép, tiến hành các hoạt động trái pháp luật, trái thuần phong mĩ tục gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
– Hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ khác như: Kêu gọi, kích động, mua chuộc người dân khiếu kiện tập thể, biểu tình trái phép gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội qua đó xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Vì vậy, người nào có hành vi xuyên tạc lịch sử Việt Nam trong quá trình làm phim khi gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thỏa mãn cấu thành tội phạm căn cứ theo quy định tại Điều 331 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt nhẹ nhất là phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Hoặc có thể bị áp dụng khung hình phạt tăng nặng đó là hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, được áp dụng đối với trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như đã gây tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự nghiêm trọng tại địa phương đó đã lôi kéo được hàng trăm người tham gia biểu tình trái phép.
1.2. Trách nhiệm hành chính đối với hành vi làm phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (sửa đổi tại Nghị định 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo), có quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về nội dung bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Theo đó, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với các đối tượng có hành vi vi phạm hoạt động điện ảnh, trong đó có hành vi:
Xuyên tạc lịch sử dân tộc, phủ nhận thành tựu cách mạng của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có hành vi xúc phạm dân tộc, xúc phạm đến danh nhân và anh hùng dân tộc, thể hiện không đúng, có hành vi vu khống hoặc xúc phạm đến uy tín của các cơ quan tổ chức, xúc phạm đến danh dự và nhân phẩm của các cá nhân trong xã hội.
Theo đó thì có thể nói, cá nhân có hành vi làm phim xuyên tạc lịch sử Việt Nam có thể sẽ bị phạt tiền lên đến tối đa là 50.000.000 đồng theo như phân tích nêu trên. Tuy nhiên cần phải lưu ý, đó là mức xử phạt được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trong trường hợp tổ chức vi phạm thì sẽ bị áp dụng mức xử phạt gấp đôi mức xử phạt đối với cá nhân trong cùng một hành vi vi phạm, tức là tối đa sẽ bị xử phạt 100.000.000 đồng.
2. Phim có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam mà đã được công chiếu thì giải quyết như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 30 của Luật điện ảnh năm 2022 có quy định về vấn đề dừng phổ biến phim. Cụ thể như sau:
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định dừng phổ biến phim được xác định là cơ quan cấp giấy phép phân loại phim, các cơ quan tiếp nhận thông báo về nội dung chiếu phim, các chương trình chiếu phim tại các địa điểm chiếu phim công cộng hoặc các cơ quan thanh tra theo quy định của Chính phủ;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định dừng phổ biến phim, quá trình ra quyết định cần phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ lý do dừng phổ biến, thời điểm dừng phổ biến, thời hạn dừng phổ biến phim khi thuộc một trong những trường hợp sau đây:
+ Có hành vi vi phạm quy định tại Điều 9 Luật điện ảnh năm 2022, vi phạm nội dung và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh;
+ Xuất phát từ lý do quốc phòng an ninh, thiên tai dịch bệnh hoặc các tình trạng khẩn cấp khác.
Theo đó thì có thể nói, nếu phát hiện phim điện ảnh có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam tuy nhiên phim đó đã được công chiếu thì cơ quan có thẩm quyền sẽ ra quyết định dừng phổ biến phim đối với các phim điện ảnh đó.
3. Sản xuất phim có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam có phải là hành vi bị nghiêm cấm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Luật điện ảnh năm 2022 có quy định về các nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. Cụ thể bao gồm:
– Vi phạm hiến pháp, vi phạm pháp luật, có hành vi kích động chống đối phá hoại quá trình thi hành hiến pháp và pháp luật;
– Tuyên truyền chống phá nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây tổn hại đến dân tộc và giá trị văn hóa Việt Nam, xúc phạm quốc kỳ, quốc huy, quốc ca và đảng ký của Việt Nam;
– Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, kỳ thị giữa các dân tộc và nhân dân giữa các nước, truyền bá tư tưởng tệ nạn xã hội, phá hoại đạo đức và phá hoại văn hóa dân tộc;
– Xuyên tạc lịch sử dân tộc Việt Nam, phủ nhận toàn bộ thành tựu cách mạng, xúc phạm đến danh danh và anh hùng dân tộc, xâm phạm đến chủ quyền quốc gia của dân tộc, xúc phạm đến uy tín của các cơ quan tổ chức hoặc xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của các cá nhân trong xã hội;
– Truyền bá và ủng hộ cho chủ nghĩa khủng bố bật chủ nghĩa cực đoan, xúc phạm đến tín ngưỡng và tôn giáo, cổ suý cho hoạt động tôn giáo bất hợp pháp, tín ngưỡng bất hợp pháp;
– Tiết lộ bí mật của nhà nước, tiết lộ bí mật đời tư cá nhân hoặc các bí mật khác theo quy định của pháp luật;
– Thực hiện các hành vi tội ác khác, kích động bạo lực, tuyên truyền hình ảnh, lời thoại và âm thanh, tuyên truyền các cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man tàn bạo, các hành vi khác xúc phạm đến nhân phẩm và danh dự của con người;
– Thể hiện các hình ảnh và lời thoại dâm ô, loạn luân, âm thanh truỵ lạc;
– Vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên hoặc trẻ em, xâm phạm đến nguyên tắc bình đẳng giới, phân biệt đối xử và định kiến về giới.
Như vậy, hành vi sản xuất phim điện ảnh có nội dung xuyên tạc lịch sử Việt Nam là một trong những hành vi bị nghiêm cấm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sư năm 2015 (sửa đổi năm 2017);
– Luật Điện ảnh 2022;
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.