Làm mất hồ sơ Đảng viên có bị kỷ luật không? Xử lý kỷ luật Đảng viên.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư, tôi là văn phòng Đảng ủy xã, trong quá trình làm văn phòng Đảng ủy năm 2013 tôi nghi một tháng để sinh em bé sau đó đi làm, sau thời gian đi làm tôi không kiểm tra hồ sơ Đảng viên mình quản lý, sau một thời gian dài tôi mới phát hiện ra thiếu một hồ sơ của một Đảng viên của Đảng bộ. Do lúc đó tôi cũng sợ không giám báo cáo cấp ủy, đến bây giờ hồ sơ đó vẫn chưa tìm thấy. Tôi cũng không biết phải xử lý như thế nào, nếu không tìm thấy tôi có bị kỷ luật không? Hồ sơ đó Đảng viên vào Đảng từ năm 1982.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
Hướng dẫn 01 – HD/TW ngày 20 tháng 09 năm 2016.
Quy định 29 – QĐ/TW ngày 25 tháng 07 năm 2016.
Quy định 102 – QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017.
Hướng dẫn 09 – HD/UBKTTW ngày 06 tháng 06 năm 2013.
2. Nội dung tư vấn
Dựa theo thông tin bạn cung cấp thì bạn làm việc trong văn phòng Đảng ủy của cấp xã. Hiện tại sau một thời gian làm việc, bạn mới phát hiện việc hồ sơ đảng viên của một đảng viên của Đảng bộ bị mất. Bạn chưa báo cáo lên cấp ủy, cũng chưa tìm thấy. Để xác định bạn có bị xử lý kỷ luật hay không thì cần xem xét các phương diện sau:
Hồ sơ đảng viên theo quy định tại tiểu mục 8.1, mục 8 Hướng dẫn 01 – HD/TW ngày 20 tháng 09 năm 2016 được xác định gồm những giấy tờ liên quan đến quá trình kết nạp, hoạt động, lý lịch của đảng viên kể từ khi được kết nạp vào tổ chức đảng, như Giấy chứng nhận học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, đơn xin vào Đảng, lý lịch của người vào Đảng, quyết định kết nạp Đảng, … Đây là những tài liệu phản ánh điều kiện xuất thân, về thái độ chính trị, quá trình hoạt động, quan hệ gia đình, xã hội và đặc biệt là đảng tịch, phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực. Hồ sơ đảng viên được xác định là tài liệu liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên, là tài liệu mật cần có quy chế quản lý chặt chẽ trong việc sử dụng, khai thác, bảo quản. Tại tại tiểu mục 6.2, mục 6 Quyết định số 29 – QĐ/TW ngày 25 tháng 07 năm 2016 hướng dẫn Điều 6 Điều lệ Đảng cũng đã có sự khẳng định hồ sơ đảng viên được xác định là tài liệu mật của Đảng, không được tẩy xóa, tự ý sửa chữa, và được tổ chức đảng quản lý chặt chẽ theo chế độ bảo mật.
Căn cứ theo quy định tại tiểu mục 8.3 mục 8 Hướng dẫn 01 – HD/TW; tiểu mục 6.2 mục 6 Quy định 29 – QĐ/TW thì có quy định như sau: Trong trường hợp hồ sơ đảng viên bị mất, bị hỏng hồ sơ đảng viên thì phải báo cáo cấp ủy rõ lý do để mất, làm hỏng, kèm theo bản xác nhận của cấp ủy hoặc công an xã, phường,.. nơi bị mất, làm hỏng hồ sơ đảng viên để được xem xét, làm lại hồ sơ đảng viên. Cấp ủy cơ sở quản lý hồ sơ đảng viên và sổ danh sách đảng viên phải xét, lập hồ sơ của đảng viên bị mất, bị hỏng và báo cáo cấp ủy cấp trên.
Do vậy, trong trường hợp tổ chức đảng và đảng viên nếu phát hiện việc bị mất hồ sơ đảng viên thì cần phải báo cáo với cấp ủy có thẩm quyền quản lý đảng viên để được xem xét, làm rõ và kịp thời giải quyết.
Xem xét trong trường hợp cụ thể của bạn, theo thông tin trong quá trình làm việc tại văn phòng Đảng ủy vào năm 2013, bạn có nghỉ việc 01 tháng để sinh con sau đó đi làm. Sau đó, sau một thời gian đi làm bạn mới phát hiện hồ sơ đảng viên của một đảng viên do mình quản lý bị mất. Căn cứ theo quy định tại Hướng dẫn 01 – HD/TW; Quy định 29 – QĐ/TW được trích dẫn ở trên thì về mặt nguyên tắc bạn cần phải báo cáo ngay cho cấp ủy về sự việc này, để áp dụng các biện pháp tìm kiếm, kịp thời xem xét và giải quyết.
Trong trường hợp này, việc xác định trách nhiệm của bạn trong vụ việc này cần xem xét quá trình quản lý hồ sơ đảng viên của bạn. Bởi bạn có một tháng sinh con – không trực tiếp quản lý công việc, thì phải xác định hồ sơ đảng viên này bị mất vào thời điểm nào và thời điểm bạn nghỉ sinh, chuyển giao công việc cho cán bộ quản lý hồ sơ đảng viên khác đã có biên bản giao nhận chặt chẽ, đúng quy định theo quy định tại tiểu mục 8.2, mục 8 Hướng dẫn 01 – HD/TW hay chưa. Từ đó, qua việc báo cáo cấp ủy, điều tra xác minh sự việc thì mới có thể xác định đúng trách nhiệm pháp lý mà bạn phải thực hiện về hành vi của mình.
Việc bạn có bị xử lý kỷ luật khi làm mất hồ sơ của một đảng viên hay không còn phụ thuộc vào việc xem xét bản chất cũng như mức độ lỗi của bạn trong trường hợp này. Bởi như đã phân tích, hồ sơ đảng viên là một trong những tài liệu bí mật, thuộc về bí mật của tổ chức Đảng, và được khẳng định tại tiểu mục 6.2, mục 6 Quyết định 29 – QĐ/TW ngày 25 tháng 07 năm 2016 của Ban chấp hành trung ương Đảng về thi hành điều lệ đảng. Liên quan đến việc xử lý kỷ luật đối với hành vi làm mất hồ sơ Đảng viên, thì hiện nay tại Hướng dẫn 09 – HD/UBKTTW của Ủy ban kiểm tra Trung ương không có quy định về việc xử lý kỷ luật về hành vi này. Tuy nhiên, căn cứ theo tính chất bảo mật của hồ sơ đảng viên, thì bạn vẫn có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 12 Quy định 102 – QĐ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng, theo đó:
“Điều 12. Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước
1- Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách:
a) Vô ý làm lộ những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công khai.
b) Không chấp hành nguyên tắc bảo mật, niêm phong trong việc truyền tin, vận chuyển, giao nhận hiện vật, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước.
c) Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước trong hoạt động xuất bản, báo chí và thông tin đại chúng khác.
d) Mang hiện vật, tài liệu thuộc phạm vi bí mật của Đảng, Nhà nước ra nước ngoài trái quy định.
2- Trường hợp đã bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 1 Điều này mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ):
a) Cung cấp, tiết lộ trái quy định những thông tin, tài liệu, hiện vật thuộc phạm vi bí mật của Đảng, Nhà nước cho cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
b) Phổ biến, tuyên truyền, viết bài, đăng tin những thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật của Đảng, Nhà nước không đúng đối tượng, phạm vi, thời điểm cần được phổ biến hoặc công bố.
3- Trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:
a) Tự nghiên cứu, sản xuất, sử dụng mật mã để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia.
b) Trao đổi, tán phát thông tin, tài liệu, hiện vật có nội dung thuộc bí mật của Đảng, Nhà nước trên mạng viễn thông, Internet và các phương tiện thông tin đại chúng khác.”
Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Quy định 102 – QĐ/TW được trích dẫn ở trên, qua xem xét, điều tra, xác định bạn có trách nhiệm trong việc làm mất hồ sơ đảng viên như việc không chấp hành nguyên tắc bảo mật, niêm phong trong quá trình quản lý hồ sơ; hoặc vô ý làm lộ thông tin, tài liệu bí mật của Đảng thì trong trường hợp này bạn có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức khiển trách. Trong trường hợp bạn vẫn thực hiện đầy đủ nguyên tắc bảo mật, niêm phong trong quản lý hồ sơ, tuy nhiên việc bị mất hồ sơ Đảng viên bạn không biết và cũng không có lỗi, và bạn không thuộc các trường hợp được quy định tại Điều 12 Quy định 102 – QĐ/TW thì bạn sẽ không bị xử lý kỷ luật. Tuy nhiên, là người chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ Đảng viên, bạn vẫn cần phải phối hợp để xác minh vấn đề và phải có trách nhiệm giúp đỡ, hướng dẫn người đảng viên có hồ sơ bị mất để tiến hành thủ tục tạo lập lại hồ sơ đảng của người đảng viên này.
Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm và tính chất của vụ việc thì bạn có thể bị xử lý kỷ luật hoặc không bị xử lý kỷ luật khi có trách nhiệm trong vấn đề quản lý hồ sơ đảng viên. Tuy nhiên, bạn vẫn có phải trách nhiệm hướng dẫn người đảng viên bị mất hồ sơ đảng viên và phối hợp với đảng ủy trong việc tạo lập lại hồ sơ đảng viên cho người này.