Khái quát về khu sinh thái và đất rừng? Có được tự ý làm khu sinh thái trên đất rừng không?
Đất đai là nguồn tài nguyên có ý vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển của quốc gia, là nơi sinh sống của con người, động vật, là nơi lưu giữ những giá trị vật chất khác của thiên nhiên. Có nhiều biện pháp để bảo vệ và cải tạo đất đai trong đó có việc quy định về mục đích sử dụng đất và buộc các chủ thể được nhà nước giao đất, cho thuê đất phải sử dụng đất đúng với mục đích đó.
Tuy nhiên, trong thực tế đã phát sinh những trường hợp sử dụng đất không đúng với mục đích hoặc chuyển mục đích sử dụng mà không xin phép cơ quan có thẩm quyền, điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Một trong những câu hỏi mà Luật Dương Gia nhận được là: Có được tự ý làm khu sinh thái trên đất rừng không? Căn cứ vào các quy định của pháp luật đất đai và pháp luật liên quan, Luật Dương Gia sẽ được ra câu trả lời ngay trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
Luật Lâm nghiệp 2017
Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
1. Khái quát về khu sinh thái và đất rừng?
Thuật ngữ “khu sinh thái” thường được xuất hiện trong các khái niệm về “khu du lịch sinh thái”, “khu công nghiệp sinh thái”, bản thân từ khu sinh thái cũng chưa được đưa ra khái niệm một cách đầy đủ, tuy nhiên hiểu một các cơ bản, khu sinh thái là các khu vực, môi trường mà ở đó tồn tại hệ sinh vật tự nhiên hoặc nhân tạo được nhà nước quy hoạch và quản lý.
Ở một chừng mực nhất định, khu sinh thái cũng có thể được trống rất nhiều các cây xanh, tuy nhiên về bản chất thì đó không phải là “rừng” như những gì mà mục đích sử dụng đất hướng tới. Trong đó, Rừng là một hệ sinh thái bao gồm các loài thực vật rừng, động vật rừng, nấm, vi sinh vật, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó thành phần chính là một hoặc một số loài cây thân gỗ, tre, nứa, cây họ cau có chiều cao được xác định theo hệ thực vật trên núi đất, núi đá, đất ngập nước, đất cát hoặc hệ thực vật đặc trưng khác; diện tích liên vùng từ 0,3 ha trở lên; độ tàn che từ 0,1 trở lên.
Vậy đất rừng là gì?
Đất rừng là đất thuộc vào nhóm đất nông nghiệp bao gồm đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất. Người sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất: Đất rừng phòng hộ; Đất rừng sản xuất. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất thì hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
Quy định đối với mỗi loại rừng có những đặc trưng riêng:
Đối với rừng sản xuất:
Đất rừng sản xuất được chia thành đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và đất rừng sản xuất là rừng trồng.
Trong trường hợp đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, Nhà nước giao đất cho tổ chức quản lý rừng để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng sản xuất là rừng tự nhiên nơi chưa có tổ chức quản lý rừng mà có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Trong trường hợp đất rừng sản xuất là rừng trồng: Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức (đã được nêu ở trên) để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức thì phải chuyển sang thuê đất;
Nhà nước tiến hành cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng nhằm phát triển rừng, khái thác và bảo vệ đất rừng;
Đối với đất rừng phòng hộ: Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Trong trường hợp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ thì được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Đối với đất rừng đặc dụng: Nhà nước giao đất rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng đặc dụng để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng. Tổ chức quản lý rừng đặc dụng có trách nhiệm giao khoán ngắn hạn đất rừng đặc dụng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt cho hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đó để bảo vệ rừng.
Như vậy, căn cứ vào vào mục đích sử dụng đất, nhà nước có những cách thức giao đất, cho thuê đất sao cho phù hợp nhất, vừa sử dụng đất hiệu quả vừa bảo vệ hệ sinh thái rừng, góp phần cải tạo đất, điều hòa thời tiết, hạn chế thiên tai bão lũ, gió lốc,…
2. Có được tự ý làm khu sinh thái trên đất rừng không?
Thông thường, mọi hoạt động chuyển mục đích sử dụng đất đều phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền, cụ thể, tại Khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai quy định rằng: Chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất sang sử dụng vào mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Việc xin phép cho cơ quan có có thẩm quyền nhằm tránh tình trạng tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng không phù hợp với loại đất, dẫn đến phá hoại đất đai và dẫn đến sự xáo trộn trong quy chế pháp lý áp dụng đối với từng loại đất.
Theo quy định của pháp luật đất đai thì tổ chức, cá nhân không được tự ý làm khu sinh thái trên đất rừng.
Giải thích cho câu trả lời này: tác giả tập trung vào 2 lí do cơ bản:
Thứ nhất, trước hết, hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất mà không xin phép là đã không đúng với quy định (mặc dù vẫn có trường hợp chuyển đổi mục đích sử dụng đất không cần phải xin phép). Về bản chất thì khu sinh thái nó không đáp ứng các mục tiêu, vai trò của rừng sản xuất, rừng phòng hộ, hay rừng sản xuất.
Thứ hai, theo quy định tại Khoản 3 Điều 135 quy định: “Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất rừng sản xuất được kết hợp kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.”
Hay tại Khoản 4 Điều 136 nêu rõ: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.”
Hoặc tại Khoản 5 điều 137 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức kinh tế thuê đất rừng đặc dụng thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.”
Như vậy, theo các quy định này, việc làm khu sinh thái dưới tán rừng chỉ được kết hợp với các loại đất rừng chứ không được tự ý chuyển đổi để xây dựng khu sinh thái, hai là chỉ áp dụng đối với tổ chức kinh tế thuê đất và phải được ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép (tức là có sinh phép chứ không phải tự ý).
Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm: tự ý làm khu sinh thái trên đất rừng có thể bị xử phạt hành chính với hành vi cụ thể được mô tả là : Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, cụ thể:
Trường hợp 1: Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.
Trường hợp 2: Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
– Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;
– Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.
Trường hợp 3: Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác thì hình thức và mức xử phạt được thực hiện bằng 02 lần mức phạt tương ứng với từng trường hợp trong 2 trường hợp trên.
Về biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với 2 trường hợp 1 và 2 , trừ trường hợp Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của
– Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm và số lợi bất hợp pháp.
Các mức phạt được quy định như trên là khá phù hợp, tương ứng giữa hành vi và số tiền xử phạt, tuy nhiên việc thực hiện còn mang nhiều hạn chế trong phát hiện và xử lý.