Gần đây, tình trạng làm ra thẻ sinh viên đang diễn ra tràn lan trên mạng xã hội và xung quanh nhiều trường đại học, cao đẳng, gây lo ngại cho nhiều nhà trường và sinh viên. Vậy hành vi làm giả thẻ sinh viên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Làm giả thẻ sinh viên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hiện nay, thẻ sinh viên là một trong những loại giấy tờ không thể thiếu của sinh viên. Thẻ sinh viên là loại giấy tờ nhằm mục đích định danh sinh viên đại học. Thẻ sinh viên bao gồm nhiều thông tin cơ bản, ví dụ như họ tên và ảnh đại diện, các thông tin cá nhân của sinh viên, và điều quan trọng nhất là mã số sinh viên, trường và lớp sinh viên đang theo học. Thông qua thẻ sinh viên thì các cán bộ nhà trường có thể xác định được em đó là ai và học lớp nào, em đó đang theo học tại trường nào. Nếu như ngoài xã hội, chúng ta thường sử dụng căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân để định danh các cá nhân bất kỳ, thì trong các môi trường đại học và cao đẳng, tất cả các sinh viên sẽ được định danh bằng thẻ sinh viên. Thẻ sinh viên dùng để phân biệt giữa sinh viên này và sinh viên khác. Thẻ sinh viên cũng là loại giấy tờ để nhà trường quản lý sinh viên trường, nhằm mục đích đảm bảo an ninh và tránh người lạ trà trộn vào khuôn viên của trường.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2 của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư số
Làm giả thẻ sinh viên hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm căn cứ theo Điều 341 của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan và tổ chức. Hành vi khách quan của tội phạm được quy định là:
– Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác … cho việc thực hiện hành vi trái pháp luật;
– Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ (khác) giả … cho việc thực hiện hành vi trái pháp luật.
Hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức được hiểu là hành vi làm ra một cách trái phép con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức như: khắc con dấu giả, chế bản, in, kí tên, đóng dấu để tạo ra các giấy tờ, tài liệu giả mang danh của các cơ quan, tổ chức như văn bằng giả, chứng chỉ giả, chứng minh thư giả … Hành vi sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật được hiểu là hành vi sử dụng các đối tượng này như là phương tiện khi thực hiện hành vi trái pháp. Trong đó, người sử dụng có thể là người đã làm ra con tài liệu, giấy tờ giả nhưng cũng có thể là người khác. Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Người phạm tội biết con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức mà mình làm ra là giả và sẽ được sử dụng cho việc thực hiện hành vi trái pháp luật hoặc biết con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ mà mình sử dụng thực hiện hành vi trái pháp luật là giả.
Hành vi làm giả thẻ sinh viên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với khung hình phạt như sau:
– Khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm;
– Khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm và từ 03 năm đến 07 năm.
2. Hành vi làm giả thẻ sinh viên để thi hộ xử lí như thế nào?
Hiện nay, hành vi làm giả thẻ sinh viên đề thi hộ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục. Căn cứ theo quy định tại Điều 22 của Luật giáo dục năm 2019 có ghi nhận về các hành vi bị nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục bao gồm:
– Xúc phạm danh dự và nhân phẩm, xúc phạm thân thể của nhà giáo và các cán bộ lao động trong cơ sở giáo dục, người học trong cơ sở giáo dục đó dưới bất kỳ hình thức nào;
– Xuyên tạc nội dung giáo dục trái quy định của pháp luật;
– Có hành vi gian lận trong quá trình học tập và kiểm tra, thi cử và tuyển sinh;
– Hút thuốc và uống rượu bia, gây rối trật tự công cộng và an ninh giáo dục;
– Có hành vi ép buộc học sinh học thêm để thu tiền trái quy định của pháp luật trục lợi cá nhân;
– Lợi dụng việc tài trợ và ủng hộ trong lĩnh vực giáo dục để ép buộc đóng góp tiền và hiện vật.
Theo đó có thể nói, hành vi làm giả thẻ sinh viên đề thi hộ là một trong những hình thức của hoạt động gian lận trong quá trình thi cử. Đây là hành vi bị nghiêm cấm trong các cơ sở giáo dục. Người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, có ghi nhận mức xử phạt như sau:
Thứ nhất, phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoặc đe dọa dùng vũ lực ngăn cản người dự thi và người tổ chức thi, có những hành vi vi phạm đối với thanh tra thi, coi thi, chấm thi, phục vụ thi.
Thứ hai, phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi thông tin sai sự thật về kỳ thi.
Thứ ba, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về thi theo các mức phạt sau:
– Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi vào khu vực tổ chức thi, có hành vi vào các khu vực chấm thi khi không được phép; mang tài liệu, thông tin, vật dụng không được phép vào phòng thi, khu vực chấm thi;
– Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với hành vi làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài;
– Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi viết thêm hoặc các đối tượng có hành vi sửa chữa nội dung bài thi dưới bất kì hình thức nào, hoặc sửa điểm bài thi trái quy định nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với hành vi đánh tráo bài thi, tuy nhiên hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền từ 12 triệu đồng đến 14 triệu đồng đối với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định của pháp luật, tuy nhiên chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;
– Phạt tiền từ 14 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với hành vi thi thay, thi hộ, hoặc có hành vi thi kèm người khác, hoặc có hành vi nhờ người khác làm bài hộ hoặc nhờ người khác thi thay, thi kèm.
Như vậy, hành vi làm giả thẻ sinh viên thi hộ người khác theo điều luật trên đây có thể bị xử phạt lên đến 16 triệu đồng.
3. Làm giả thẻ sinh viên có bị xử lý kỉ luật không?
Căn cứ theo Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, hành vi làm giả thẻ sinh viên hoặc tẩy xóa và sửa chữa nội dung trong thẻ sinh viên với mục đích thực hiện hành vi thi hộ hoặc học hộ trái quy định của pháp luật nêu trên thì có thể bị xử lý kỷ luật trên thực tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Quy chế ban hành kèm Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy, có ghi nhận về các hình thức xử lý kỷ luật và nội dung vi phạm xử lý kỷ luật. Theo đó thì các sinh viên có hành vi vi phạm liên quan đến thẻ sinh viên sẽ tùy vào tính chất và hậu quả của hành vi trên thực tế, sẽ được nhắc nhở hoặc phê bình hoặc phải chịu hình thức xử lý kỷ luật sau:
– Hình thức xử lý kỷ luật khiển trách sẽ được áp dụng đối với những sinh viên có hành vi vi phạm lần đầu, tuy nhiên hành vi này ở mức độ nhẹ và không có hậu quả đáng nghiêm trọng;
– Hình thức xử lý kỷ luật cảnh cáo sẽ được áp dụng đối với những sinh viên có hành vi đã bị khiển trách nhưng đến nay vẫn tiếp tục tái phạm, hoặc hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ nhưng hành vi này đã tiếp diễn một cách thường xuyên, hoặc mới chỉ vi phạm lần đầu nhưng có mức độ tương đối nghiêm trọng;
– Hình thức xử lý kỷ luật đình chỉ học tập có thời hạn đối với những sinh viên đang trong thời gian bị cảnh cáo do các hành vi vi phạm trước đó mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật, gây ra hậu quả nghiêm trọng;
– Hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi học sẽ được áp dụng đối với những sinh viên đang trong thời gian bị đình chỉ học tập mà vẫn tiếp tục vi phạm kỷ luật, hoặc trong trường hợp sinh viên vi phạm kỷ luật lần đầu, nhưng xét thấy tính chất và mức độ của hành vi là đặc biệt nghiêm trọng, có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến cơ sở giáo dục và xã hội;
– Hình thức xử lý kỷ luật sinh viên từ mức độ cảnh cáo trở lên sẽ phải được lưu vào hồ sơ quản lý sinh viên theo quy định của pháp luật và cần phải thông báo cho gia đình người nhà sinh viên biết. Trong trường hợp sinh viên bị kỷ luật dưới hình thức đình chỉ học tập có thời hạn hoặc kỷ luật dưới hình thức buộc thôi học, thì các cơ sở giáo dục đại học cần phải tiến hành hoạt động gửi thông báo đến cho địa phương và gia đình sinh viên biết để phối hợp quản lý và giáo dục các đối tượng sinh viên này.
Như vậy có thể nói, trong trường hợp sinh viên có hành vi làm giả thẻ sinh viên, thì tùy vào tính chất và mức độ hậu quả của hành vi trên thực tế, các cơ sở giáo dục hoàn toàn có thể áp dụng các hình thức xử lý kỷ luật đối với những sinh viên này theo một trong những hình thức xử lý kỷ luật nêu trên.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy;
– Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.