Pháp luật về giao thông đường bộ có quy định, các phương tiện tham gia giao thông phải đảm bảo yêu cầu về an toàn kĩ thuật của phương tiện. Vậy lái xe hết hạn đăng kiểm gây tai nạn sẽ bị xử lý như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về thời hạn đăng kiểm xe ô tô:
Đăng kiểm là thủ tục quan trọng để đánh giá phương tiện đó có đủ điều kiện để lưu thông hay không. Quy định về chu kỳ thời hạn đăng kiểm phương tiện hiện nay được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, ngày 21/3/2023 sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Cụ thể như sau:
Thứ tự | Loại phương tiện | Chu kì (tháng) | |
Chu kì đầu | Chu kì định kì | ||
1. Ô tô chở người các loại đến 09 chỗ không kinh doanh vận tải | |||
1.1 | Thời gian sản xuất đến 07 năm | 36 | 24 |
1.2 | Thời gian sản xuất trên 07 năm đến 20 năm | x | 12 |
1.3 | Thời gian sản xuất trên 20 năm | x | 06 |
2. Ô tô chở người các loại đến 09 chỗ có kinh doanh vận tải | |||
2.1 | Thời gian sản xuất đến 05 năm | 24 | 12 |
2.2 | Thời gian sản xuất trên 05 năm | x | 06 |
2.3 | Có cải tạo | 12 | 06 |
3. Ô tô chở người các loại trên 09 chỗ | |||
3.1 | Thời gian sản xuất đến 05 năm | 24 | 12 |
3.2 | Thời gian sản xuất trên 05 năm | x | 06 |
3.3 | Có cải tạo | 12 | 06 |
4. Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo, rơ moóc, sơmi rơ moóc | |||
4.1 | Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất đến 07 năm, rơ moóc, sơmi rơ moóc có thời gian sản xuất đến 12 năm | 24 | 12 |
4.2 | Ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất trên 07 năm, rơ moóc, sơmi rơ moóc có thời gian sản xuất trên 12 năm | x | 06 |
4.3 | Có cải tạo | 12 | 06 |
5 | Ô tô chở người các loại trên 09 chỗ đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 09 chỗ đã cải tạo thành ô tô chở người đến 09 chỗ) | x | 03 |
Như vậy, tương ứng với mỗi loại phương tiện khác nhau, pháp luật sẽ có thời hạn đăng kiểm khác nhau.
2. Lái xe hết hạn đăng kiểm gây tai nạn bị xử lý như thế nào?
Phương tiện cần phải tuân thủ về thời hạn đăng kiểm theo như phân tích ở trên. Nếu như hết thời hạn đăng kiểm mà vẫn đưa phương tiện vào lưu thông gây ra tai nạn nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại
Thứ nhất, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển phương tiện hết thời hạn đăng kiểm. Căn cứ theo điểm a khoản 5 Điều 16 và điểm c khoản 6 Điều 16
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Thứ hai, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện vi phạm quy định hết thời hạn đăng kiểm. Căn cứ tại điểm b khoản 8 Điều 30 và điểm c khoản 9 Điều 30 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sau được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng), như sau:
– Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với các chủ thể được xác định là cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với các chủ thể được xác định là tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 01 tháng (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông;
– Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với các chủ thể được xác định là cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với các chủ thể được xác định là tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi đưa xe cơ giới, xe máy chuyên dùng không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) tham gia giao thông.
Như vậy, mức xử phạt hành chính đối với hành vi lái xe hết thời hạn đăng kiểm gây tai nạn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể khái quát như sau:
Thứ tự | Thời gian quá hạn đăng kiểm | Mức phạt đối với lái xe | Mức phạt với chủ xe |
1 | Dưới 01 tháng | – Phạt tiền khoảng từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng; – Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian 1 tháng đến 3 tháng | – Phạt tiền khoảng từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với cá nhân; – Phạt tiền khoảng từ 8 triệu đồng đến 12 triệu đồng đối với tổ chức |
2 | Trên 01 tháng | – Phạt tiền khoảng từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng; – Tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời gian 1 tháng đến 3 tháng | – Phạt tiền khoảng từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân; – Phạt tiền khoảng từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức |
3. Lái xe hết hạn đăng kiểm gây tai nạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi lái xe hết hạn đăng kiểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật tham gia giao thông căn cứ theo quy định tại Điều 262 của Bộ luật hình sự năm 2015. Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn về kĩ thuật. Đó là phương tiện không đáp ứng một cách rõ ràng tiêu chuẩn an toàn kĩ thuật khi tham gia giao thông trên đường bộ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. Điều luật quy định các khung hình phạt sau đây:
Khung hình phạt 1: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.
Khung hình phạt 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Làm chết 02 người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500 triệu đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Khung hình phạt 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
– Làm chết 03 người trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
– Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Thông tư 2/2023/TT-BGTVT, ngày 21/3/2023 sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành;
– Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định số 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.