Kinh doanh vận tải hành khách nói chung là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dưới đây là quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định.
Mục lục bài viết
1. Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến:
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau được sửa đổi tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), có quy định về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến (hay còn được gọi là không theo tuyến cố định). Theo đó: Kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định được xem là hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển hành khách, được lập thành văn bản giấy hoặc văn bản điện tử giữa đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng ký kết với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, trong đó bao gồm cả thuê người lái xe.
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Điều 7 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau được sửa đổi tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Cụ thể như sau:
– Xe ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng được quy định cụ thể như sau:
+ Phải có phù hiệu xe “xe hợp đồng” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của phương tiện, phải được thực hiện thủ tục niêm yết đầy đủ các thông tin khác trên phương tiện đó;
+ Phải được niêm yết cụm từ “xe hợp đồng” làm bằng vật liệu phản quang trên kính phía trước và kính phía sau của phương tiện, với kích thước tối thiểu của cụm từ “xe hợp đồng” này theo quy định của pháp luật hiện nay là 06 cm x 20 cm;
+ Thực hiện đầy đủ các quy định khác theo quy định của pháp luật.
– Hợp đồng vận chuyển phải được đàm phán và ký kết trước khi thực hiện vận chuyển giữa các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách theo hợp đồng với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, trong đó bao gồm cả thuê người lái xe;
– Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe cần phải thực hiện theo quy định như sau:
+ Chỉ được tiến hành hoạt động ký kết hợp đồng vận chuyển với người thuê vận tải khi có nhu cầu thuê cả chuyến xe, trong đó bao gồm thuê người lái xe, chỉ được phép đón trả khách theo đúng địa điểm được quy định cụ thể trong hợp đồng vận chuyển đã được ký kết giữa các bên;
+ Không được thực hiện hoạt động gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm với hợp đồng đã ký do các đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp trước đó, không được thực hiện hoạt động xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách đi phương tiện dưới mọi hình thức khác nhau, không được thực hiện các thủ tục ấn định hành trình vào lịch trình của địch để phục vụ cho nhiều hành khách hoặc nhiều người thuê vận tải khác nhau trên thực tế;
+ Không được đón trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hằng ngày tại các trụ sở chính hoặc trụ sở của chi nhánh, đón trả khách lặp đi lặp lại hằng ngày tại các văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định nào khác do các đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh;
+ Trong khoảng thời gian một tháng, mỗi phương tiện ô tô không được phép thực hiện quá 30% tổng số chuyến của phương tiện đó có điểm đầu trùng lặp và điểm cuối trùng lặp, phạm vi trùng lặp được tính tại một địa điểm hoặc tại nhiều địa điểm nằm trên cùng một tuyến đường, cùng một tuyến phố/ngõ/hẻm trong khu vực đô thị, việc xác định điểm đầu và điểm cuối trùng lặp trong trường hợp này sẽ được thực hiện thông qua dữ liệu điện tử từ các thiết bị giám sát camera hành trình của phương tiện và hợp đồng vận chuyển đã được các bên ký kết ban đầu.
– Khi vận chuyển hành khách, ngoài các loại giấy tờ mang theo phù hợp với quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, lái xe còn phải thực hiện các quy định như sau:
+ Mang theo hợp đồng vận chuyển bằng văn bản được ký kết giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và khách hàng;
+ Mang theo danh sách hành khách có dấu xác nhận của đơn vị kinh doanh vận tải;
+ Trong trường hợp sử dụng hợp đồng điện tử thì lái xe cần phải có các loại thiết bị để thực hiện hoạt động truy cập nội dung của hợp đồng điện tử vào danh sách hành khách kèm theo do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp.
– Ngoài hoạt động cấp cứu, phục vụ cho các nhiệm vụ khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn … phù hợp với yêu cầu của lực lượng chức năng, phương tiện ô tô vận chuyển hành khách theo hợp đồng sẽ không được phép đón trả khách ngoài các địa điểm được quy định trong hợp đồng;
– Cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Sở giao thông vận tải sẽ thực hiện hoạt động thông báo đầy đủ danh sách các phương tiện được cấp phù hiệu xe hợp đồng, sau đó gửi đến cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường đội đơn vị kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc đặt trụ sở chi nhánh để phối hợp trong quá trình quản lý.
2. Thành phần hồ sơ xin giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau được sửa đổi tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), có quy định về thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định. Theo đó, thành phần hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sẽ bao gồm các loại giấy tờ và tài liệu sau:
– Đơn đề nghị xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo mẫu do pháp luật quy định;
– Bản sao có chứng thực đối với văn bằng và chứng chỉ của người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải;
– Bản sao hoặc bản chính của quyết định thành lập, quy định chức năng và nhiệm vụ của các bộ phận quản lý, theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông vận tải hành khách theo tuyến cố định, không theo tuyến cố định, vận tải hành khách theo hợp đồng;
– Bản sao của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Và một số giấy tờ khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
3. Thủ tục xin giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến:
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 của Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (sau được sửa đổi tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô), có quy định về trình tự và thủ tục xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Cụ thể như sau:
Bước 1: Các doanh nghiệp có nhu cầu xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ để nộp đến cơ quan có thẩm quyền. Thành phần hồ sơ sẽ được chuẩn bị theo như phân tích nêu trên. Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì sẽ nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp này được xác định là Sở giao thông vận tải nơi công ty đặt trụ sở chính. Có thể nộp trực tiếp tại cơ quan có thẩm quyền hoặc đột thông qua dịch vụ bưu chính.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời hạn 03 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ, nếu như nhận thấy hồ sơ cần phải sửa đổi/bổ sung thì cơ quan sẽ thông báo trực tiếp bằng văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung theo quy định của pháp luật.
Bước 3: Tiến hành thủ tục thẩm định và trả kết quả. Trong khoảng thời hạn 05 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định của pháp luật, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh sẽ thẩm định hồ sơ, sau đó cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đồng thời phê duyệt phương án kinh doanh kèm theo. Trong trường hợp không cấp giấy phép kinh doanh thì cơ quan có thẩm quyền cần phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do chính đáng. Giấy phép kinh doanh trong trường hợp này sẽ có giá trị 07 năm và được cấp lại trong trường hợp giấy phép kinh doanh bị mất, bị hỏng, có sự thay đổi liên quan đến nội dung của giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh hết hạn. Trong trường hợp cấp lại do có sự thay đổi liên quan đến nội dung của giấy phép kinh doanh, thời hạn của giấy phép kinh doanh mới sẽ không được vượt quá thời hạn của giấy phép kinh doanh đã được cấp trước đó.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;
– Nghị định 47/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17/01/2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.