Kinh doanh sai địa điểm trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều kiện làm giám đốc hợp tác xã.
Kinh doanh sai địa điểm trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Điều kiện làm giám đốc hợp tác xã.
Tóm tắt câu hỏi:
Bác mình đăng ký kinh doanh từ năm 2010 (kinh doanh ngành nghề mua bán và giết mổ gia súc, gia cầm) mình có một số thắc mắc không hiểu mong được Luatduonggia giải đáp giúp:
1. Thời hạn của giấy phép đăng ký kinh doanh của hợp tác xã và hộ kinh doanh là bao nhiêu năm?
2. Cá nhân đã đăng ký kinh doanh hộ gia đình rồi có được đăng ký là người đại diện (giám đốc) của hợp tác xã không?
3. Bác mình buôn bán thịt lợn trên địa bàn huyện mình lấy ví dụ như này cho dễ hiểu. Nhà bác mình ở tiểu khu 1 (giết mổ gia súc, gia cầm tại đây và được phòng Nông nghiệp huyện thẩm định, bảo đảm yêu cầu về môi trường và được cấp phép đăng ký kinh doanh). Tuy nhiên do nhà xa chợ nên bác thuê một căn hộ gần chợ và làm điểm bán thịt gia súc gia cầm tại đây (tiểu khu 2). Hôm nay đội quản lý thị trường qua kiểm tra giấy phép đăng ký kinh doanh thấy địa điểm kinh doanh hiện tại (TK2) và trên giấy phép (TK1) khác nhau nên bị phạt. Khi đi xin cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cán bộ huyện có yêu cầu phải ghi địa điểm giết mổ mới cấp giấy phép, nhưng khi có giấy phép cơ quan quản lý thị trường lại phạt vì kinh doanh không đúng địa điểm. Vậy trường hợp này nên giải quyết thế nào? Mong nhận sự tư vấn của công ty luatduonggia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Thời hạn của giấy phép đăng ký kinh doanh của hợp tác xã và hộ kinh doanh là bao nhiêu năm?
Theo quy định Luật doanh nghiệp 2014, hiện nay không có quy định về thời hạn của giấy phép đăng ký kinh doanh của hợp tác xã và hộ kinh doanh là bao nhiêu năm? Do đó, nếu bạn có giấy phép đăng ký kinh doanh, bạn tiến hành hoạt động kinh doanh trên những ngành nghề kinh doanh bạn đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Sau này, nếu không muốn hoạt động nữa, bạn có thể thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.
2. Cá nhân đã đăng ký kinh doanh hộ gia đình rồi có được đăng ký là người đại diện (giám đốc) của hợp tác xã không?
Căn cứ Điều 40 Luật hợp tác xã 2012 quy định điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như sau:
“Điều 40. Điều kiện trở thành thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã
…
5. Giám đốc (tổng giám đốc) phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và điều lệ.
6. Những người sau đây không được là thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, kiểm soát viên hoặc giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã:
a) Đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị
b) Đã bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm sở hữu, các tội phạm về quản lý kinh tế mà chưa được xóa án tích;
c) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật và điều lệ.”
Như vậy, nếu cá nhân đã đăng ký kinh doanh hộ gia đình mà không thuộc các trường hợp bị cấm làm giám đốc (tổng giám đốc) hợp tác xã hoặc trong trường hợp điều lệ không có quy định cấm thì khi đó cá nhân đăng ký kinh doanh hộ gia đình vẫn có thể đồng thời đăng ký là giám đốc (tổng giám đốc) của hợp tác xã.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Kinh doanh sai địa điểm trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Căn cứ Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP quy định Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 6. Hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh
5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”
Như vậy, bác bạn đã tiến hành kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do đó bác bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định trên, mức xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.