Nhằm khắc phục một số vấn đề còn hạn chế, bất cập về hợp đồng thương mại vô hiệu để từ đó hoàn thiện hơn các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu, góp phần nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu cho các cán bộ Tòa án.
Mục lục bài viết
1. Thực tiễn áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu hiện nay ở Việt Nam và một số bất cập:
Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng mở rộng hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong việc giao kết các hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại nói riêng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hơn hết, sau khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát và khống chế thì tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại phát triển mạnh mẽ nhằm thúc đẩy khôi phục lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Điều này dẫn đến số lượng các hợp đồng thương mại hiện nay chiếm số lượng khá lớn và là đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế các hợp đồng thương mại được ký kết giữa doanh nghiệp với đối tác còn nhiều thiếu sót, dẫn đến tình trạng hợp đồng bị tuyên vô hiệu, phát sinh các tranh chấp, kiện tụng và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các bên trong quan hệ. Theo tổng kết công tác năm 2020 của Tòa án nhân dân tối cao, trong lĩnh vực kinh doanh thương mại mà Tòa án thụ lý 19.256 vụ việc, giải quyết về
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu còn nhiều bất cập, chưa đầy đủ, các quy định chồng chéo nhau ở nhiều văn bản pháp luật. Điều đó gây khó khăn cho các bên trong quan hệ có thể tìm hiểu và tiếp cận các quy định của pháp luật nhằm hạn chế tình trạng hợp đồng vô hiệu do sự thiếu hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các hạn chế trong quy định của pháp luật còn gây lúng túng, khó khăn cho Tòa án trong việc thực hiện công tác xét xử của mình khi áp dụng pháp luật để giải quyết các hợp đồng thương mại. Từ thực trạng trên đã phần nào phản ánh được những hạn chế còn tồn tại trong việc áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu. Sau đây là một số bất cập trong việc áp dụng pháp luật để giải quyết hợp đồng thương mại vô hiệu:
Một là, Luật Thương mại chưa đưa ra một khái niệm, định nghĩa hoàn chỉnh về hợp đồng thương mại vô hiệu. Hiện nay, Luật thương mại không có quy định nào định nghĩa về khái niệm này. Còn Bộ luật dân sự chỉ định nghĩa “hợp đồng vô hiệu” tuy nhiên khái niệm này lại dẫn chiếu đến các trường hợp giao dịch bị xem là vô hiệu. Trong khi đó, hợp đồng trong lĩnh vực thương mại mang tính chất chuyên biệt, đặc thù so với hợp đồng dân sự theo nghĩa rộng. Các quy định về trong quan hệ hợp đồng dân sự không phù hợp để định nghĩa cho một lĩnh vực phức tạp và đặc thù như lĩnh vực thương mại. Do đó, dẫn đến việc các bên trong quan hệ hoặc cơ quan nhà nước khi xác định một hợp đồng thương mại còn chưa rõ ràng và chính xác.
Hai là, Luật Thương mại chưa có quy định riêng biệt về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại. Hiện nay, đối với việc xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại thì sẽ căn cứ vào các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc quy định như vậy phần nào gây khó khăn cho các bên trong việc xác định các điều kiện để hợp đồng thương mại có hiệu lực. Bởi đối với điều kiện về năng lực chủ thể thì Bộ luật dân sự quy định “Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập”. Theo đó, Bộ luật dân sự quy định chủ thể giao kết hợp đồng có thể là cá nhân, tổ chức có hoặc không có tư cách pháp nhân. Còn đối với hợp đồng thương mại, bắt buộc ít nhất một bên trong hợp đồng phải là thương nhân. Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu áp dụng các quy định Bộ luật dân sự để xác định năng lực chủ thể giao kết hợp đồng cho lĩnh vực thương mại – lĩnh vực đặc thù trong quan hệ dân sự thì không phù hợp.
Ba là, khái niệm “Thương nhân” trong luật Thương mại chưa thực sự hợp lý. Bởi một trong những điều kiện để trở thành thương nhân là đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, đối với những tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại nhưng không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh ngành, nghề không giống với ngành, nghề trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì hiện nay
Bốn là, hiện nay các doanh nghiệp – một bên trong quan hệ hợp đồng thương mại chưa có sự hiểu biết và nắm rõ pháp luật. Với sự hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, các hợp đồng thương mại được giao kết ngày càng tăng nhanh. Các hợp đồng thương mại luôn mang lại lợi nhuận khổng lồ có các doanh nghiệp, nhưng song song đó nó cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cao. Nếu không nắm vững các điều kiện giao kết hợp đồng thì rất dễ dẫn đến các tranh chấp, kiện tụng, thiệt hại cho các doanh nghiệp nghiêm trọng hơn là dẫn đến doanh nghiệp phá sản. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải có sự am hiểu các quy định của pháp luật để có thể vững vàng trong khi xác lập các hợp đồng thương mại. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp khi làm ăn đối với các đối tác nước ngoài còn khá chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong quá trình ký kết hợp đồng, cũng như không nắm vững điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại dẫn đến nhiều rủi ro có thể xảy ra.
Năm là, Tòa án còn khá lúng túng, khó khăn trong việc áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu. Thực tế hiện nay, các tranh chấp hợp đồng thương mại vô hiệu khá là phức tạp và phát sinh ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, các Tòa án hiện nay vẫn còn khá lúng túng và gặp khó khăn khi lựa chọn áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu. Điều đó gây mất thời gian cho các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại và cho chính Tòa án. Ngoài ra, kéo dài việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại vô hiệu sẽ làm cho doanh nghiệp thiệt hại rất lớn về tài sản, uy tín, thương hiệu của mình. Do đó, đòi hỏi các Thẩm phán phải có trình độ chuyên môn cao, nắm vững các kỹ năng cần thiết để bắt kịp với sự phát triển của các quan hệ trong lĩnh vực thương mại, đồng thời cũng phải vận dụng, khéo léo trong việc áp dụng phù hợp các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu.
2. Một số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu:
Nhằm khắc phục một số vấn đề còn hạn chế, bất cập như đã chỉ ra tại mục 2 để từ đó hoàn thiện hơn các quy định về hợp đồng thương mại vô hiệu, góp phần nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu cho các cán bộ Tòa án thì cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện một số giải pháp sau đây:
Một là, cần có một Điều khoản định nghĩa hoàn chỉnh về khái niệm “Hợp đồng thương mại vô hiệu”. Việc quy định cụ thể về khái niệm hợp đồng thương mại vô hiệu sẽ góp phần giúp các chủ thể trong quan hệ hợp đồng, cũng như cơ quan nhà nước phân biệt hợp đồng thương mại với các loại hợp đồng khác một cách rõ ràng và chính xác. Từ đó dễ dàng hơn trong việc áp dụng pháp luật để xác định hợp đồng thương mại vô hiệu, giúp đảm bảo được tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hợp đồng. Cũng như giúp việc xét xử của các cán bộ Tòa án được công bằng và hiệu quả hơn.
Hai là, cần có một quy định riêng biệt về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại. Hiện nay, đối với các hợp đồng thương mại thì sẽ căn cứ vào quy định chung của Bộ luật Dân sự về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật dân sự dường như không phù hợp để áp dụng cho các hợp đồng thương mại. Chẳng hạn như về điều kiện năng lực chủ thể của hợp đồng thương mại yêu cầu ít nhất một trong các bên phải là thương nhân. Tuy nhiên ở Bộ luật dân sự chỉ quy định chủ thể phải có năng lực hành vi dân sự và năng lực pháp luật dân sự của cá nhân, pháp nhân. Do đó, khi xem xét và áp dụng pháp luật để xác định điều kiện có hiệu lực của hợp đồng thương mại, xem hợp đồng đó có bị vô hiệu hay không thì phải căn cứ của luật Thương mại và Bộ luật Dân sự. Việc này làm cho các bên trong quan hệ hợp đồng khá lúng túng trong việc tìm hiểu và tuân theo pháp luật. Cũng như gây khó khăn cho Tòa án trong việc xem xét và áp dụng pháp luật để giải quyết các hợp đồng thương mại vô hiệu. Chính vì vậy, cần có một quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong Luật Thương mại để giải quyết hiệu quả vấn đề này.
Ba là, cần thay đổi khái niệm “Thương nhân” trong luật Thương mại cho phù hợp với hiện nay. Hiện nay, khái niệm về thương nhân được quy định trong luật Thương mại bắt buộc phải thỏa điều kiện về đăng ký kinh doanh thì mới là thương nhân. Tuy nhiên, hiện nay Luật Doanh nghiệp đã có những quy định theo hướng mở rộng hơn là các tổ chức, cá nhân kinh doanh những ngành nghề chưa đăng ký kinh doanh thì chỉ cần thông báo về ngành, nghề kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh. Do đó, nếu một doanh nghiệp giao kết nằm ngoài phạm vi ngành nghề đã đăng ký kinh doanh thì chỉ cần thông báo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh và vẫn được xác định là Thương nhân. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp đó không thông báo thì cũng không căn cứ dẫn đến hợp đồng thương mại vô hiệu mà chỉ bị xử phạt hành chính về hành vi không thông báo của mình. Vì vậy, việc luật Thương mại định nghĩa về khái niệm thương nhân với điều kiện bắt buộc là đăng ký kinh doanh là không chính xác và không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, việc quy định như vậy gây khó khăn cho các bên trong khi giao kết các hợp đồng thương mại và ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật của Tòa án khi xem xét các hợp đồng thương mại vô hiệu. Chính vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung, thay đổi khái niệm “Thương nhân” cho phù hợp với tình hình phát triển của xã hội và quy định của pháp luật hiện hành.
Bốn là, cần tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định khi ký kết các hợp đồng thương mại. Hiện nay, tình trạng các doanh nghiệp giao kết các hợp đồng thương mại không thỏa các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, dẫn đến hợp đồng vô hiệu chiếm số lượng không nhỏ. Việc này dẫn đến thiệt hại không nhỏ về tài sản, cũng như uy tín, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế, nhất là vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid – 19. Do đó, cần tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, diễn đàn, các khóa học tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu cho các doanh nghiệp. Để các doanh nghiệp có thể nắm rõ pháp luật và tư tin khi giao kết các hợp đồng thương mại với đối tác của mình, góp phần hạn chế bớt rủi ro pháp lý tiềm tàng, nâng cao khả năng giao kết hợp đồng thương mại thành công.
Năm là, đào tạo, nâng cao chuyên môn, năng lực của đội ngũ cán bộ Tòa án. Các cán bộ Tòa án, đặc biệt là thẩm phán đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết hiệu quả các tranh chấp về hợp đồng thương mại. Đối với lĩnh vực thương mại, đây là một lĩnh vực hết sức đa dạng và luôn phát sinh rất nhiều vấn đề phức tạp, đòi hỏi Thẩm phán giải quyết các hợp đồng đó phải có trình độ, chuyên môn cao, kinh nghiệm xét xử phong phú để kịp thời nắm bắt và áp dụng hiệu quả pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại vô hiệu. Có như vậy thì mới đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ hợp đồng thương mại, tạo lòng tin cho người dân với hệ thống xét xử của nhà nước. Do đó, cần tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ Tòa án, đặc biệt là thẩm phán. Bên cạnh đó, nên mở các buổi giao lưu, tọa đàm, hội thảo chia sẽ kinh nghiệp giữa các thẩm phán, luật sự, chuyên gia với nhau để nâng cao kinh nghiệm xét xử và hiệu quả áp dụng pháp luật cho đội ngũ Tòa án. Từ đó đào tạo ra được những đội ngũ Thẩm phán có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng nghiệp vụ xét hỏi vững vàng sẽ đảm bảo chất lượng cũng như tính hợp pháp của các bản án, quyết định.
Kết luận
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì số lượng các hợp đồng thương mại được giao kết cũng gia tăng. Trước tình hình trên, đòi hỏi nước ta cần có một hệ thống pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu minh bạch nhưng chặt chẽ. Tuy nhiên, pháp luật về hợp đồng Việt Nam hiện nay còn một số hạn chế, bất cập, các nhà làm luật cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn xã hội, có sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật với nhau. Giải quyết tốt về việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về hợp đồng thương mại vô hiệu vừa có thể đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển, đồng thời nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng thương mại.