Không ký tên vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Quy định về lập biên bản vi phạm hành chính.
Không ký tên vào biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Quy định về lập biên bản vi phạm hành chính.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào các luật sư của Công ty Luật TNHH Dương Gia. Tôi có một câu hỏi mong muốn được các luật sư giải đáp. Tôi có bị Cảnh sát giao thông Quận bắt lỗi vi phạm lấn vạch khi chuyển hướng tham gia giao thông. Cảnh sát giao thông lập biên bản và yêu cầu tôi kí tên. Tôi có nói rằng tôi chưa kí được, xin CSGT chờ một lát. Sau khoảng 3,4 lần giục thì tôi vẫn nói vậy. Rồi đồng chí cảnh sát giao thông nói là tôi không chịu kí vào biên bản thì đồng chí ấy không cho tôi kí nữa dù tôi có muốn kí đi nữa. Đồng chí đó yêu cầu tôi về nơi cư trú lập tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền vì sao không kí vào biên bản, Sau 5 ngày lên gặp thì sẽ cho kí lại vào biên bản, đồng thời giữ giấy phép lái xe của tôi. Vậy tôi xin hỏi rằng hành động không cho tôi kí vào biên bản nữa và yêu cầu tôi về làm tường trình có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi cư trú có đúng luật hay không? Xin nhắc lại là trong quá trình bị bắt giữ đó, tôi chỉ nói rằng tôi chưa kí được, xin chờ một lúc chứ không hề nói rằng tôi không kí. Tôi xin cảm ơn. Mong các luật sư hồi âm sớm cho tôi.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Giải quyết vấn đề:
Khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định lập biên bản vi phạm hành chính như sau:
“2. Biên bản vi phạm hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về vi phạm hành chính của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về biên bản xử phạt hành chính: 1900.6568
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.”
Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính (trừ trường hợp xử phạt không cần lập biên bản), biên bản phải có chữ ký của người có hành vi vi phạm, trừờng hợp người có hành vi vi phạm cố trình trốn tránh không ký vào biên bản thì phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của người chứng kiến.
Mặt khác, theo quy định tại Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, trong trường hợp để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Theo quy định trên, bạn có hành vi vi phạm giao thông, chiến sĩ cảnh sát giao thông đã lập biên bản về hành vi vi phạm và yêu cầu bạn ký vào, tuy nhiên, bạn chưa nói rõ lý do vì sao bạn không ký vào biên bản? Nếu bạn có dấu hiệu cố tình không ký vào biên bản thì cảnh sát giao thông phải có chữ ký của chính quyền địa phương nơi xảy ra hành vi vi phạm hoặc của người làm chứng. Việc cảnh sát giao thông yêu cầu bạn quay về xin giấy tường trình có xác nhận của địa phương nơi cư trú là không có căn cứ.