Thanh tra thuế chính là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của những người nộp thuế. Vậy không ký biên bản thanh tra thuế xử phạt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Không ký biên bản thanh tra thuế xử phạt như thế nào?
Thanh tra thuế chính là hoạt động của cơ quan quản lý thuế nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật của những người nộp thuế, xác minh và thu thập chứng cứ để xác định các hành vi vi phạm pháp luật về thuế dựa trên cơ sở phân tích những thông tin, dữ liệu liên quan đến người nộp thuế. Theo đó, biên bản thanh tra thuế chính là văn bản được Đoàn thanh tra lập nên sau khi kết thúc thanh tra căn cứ vào kết quả tại những Biên bản xác nhận số liệu của thành viên đoàn thanh tra và các Biên bản thanh tra tại đơn vị thành viên (nếu có). Điều 118 Luật Quản lý thuế 2019 quy định về Quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế như sau:
– Đối tượng thanh tra thuế có các quyền sau đây:
+ Giải trình về các vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế;
+ Khiếu nại về quyết định, hành vi của người mà ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra trong quá trình thanh tra;
+ Khiếu nại về kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra theo đúng quy định của pháp luật về khiếu nại;
+ Nhận biên bản thanh tra thuế và yêu cầu giải thích các nội dung biên bản thanh tra thuế;
+ Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến những nội dung thanh tra thuế, đến thông tin, tài liệu thuộc bí mật Nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Yêu cầu bồi thường thiệt hại theo đúng quy định của pháp luật;
+ Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, của trưởng đoàn thanh tra thuế và thành viên của đoàn thanh tra thuế theo đúng quy định của pháp luật.
– Đối tượng thanh tra thuế có các nghĩa vụ sau đây:
+ Chấp hành về quyết định thanh tra thuế;
+ Cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu theo như yêu cầu của người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên của đoàn thanh tra và đối tượng thanh tra thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, tài liệu đã cung cấp;
+ Thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kết luận thanh tra thuế, quyết định xử lý của người đã ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, các thành viên của đoàn thanh tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Ký vào biên bản thanh tra.
Theo quy định trên thì ký biên bản thanh tra thuế là một trong những nghĩa vụ của đối tượng thanh tra thuế. Nếu đã là nghĩa vụ mà pháp luật quy định thì đối tượng thanh tra thuế phải thực hiện nó, nếu không thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, Điều này quy định phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
– Không nhận quyết định thanh tra, kiểm tra thuế, quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế khi đã được cơ quan thuế giao, gửi theo quy định của pháp luật;
– Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra thuế quá thời hạn 03 ngày làm việc trở lên, kể từ ngày phải thực hiện chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
– Cung cấp về hồ sơ, tài liệu, hoá đơn, chứng từ, sổ kế toán liên quan đến nghĩa vụ thuế quá thời hạn 06 giờ làm việc, kể từ khi đã nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra tại trụ sở người nộp thuế;
– Cung cấp không đầy đủ, chính xác về các thông tin, tài liệu, sổ kế toán liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế theo như yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian kiểm tra, thanh tra thuế tại trụ sở người nộp thuế;
– Không ký biên bản kiểm tra, thanh tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đã lập hoặc ngày công bố công khai biên bản.
Như vậy, đối tượng tượng thanh tra thuế không ký biên bản thanh tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đã lập hoặc ngày công bố công khai biên bản thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
2. Quy trình, thủ tục xử phạt khi không ký biên bản thanh tra thuế:
Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP thì quy trình, thủ tục xử phạt khi không ký biên bản thanh tra thuế thực hiện như sau:
2.1. Lập biên bản vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế:
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế thực hiện lập biên bản kể từ khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính (không ký biên bản thanh tra thuế sau thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày đã lập hoặc ngày công bố công khai biên bản thanh tra thuế). Những người sau đây có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế:
– Công chức thuế đang thi hành công vụ;
– Đội trưởng Đội Thuế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ;
– Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
– Cục trưởng Cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
– Chánh thanh tra Sở Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Chánh thanh tra Bộ Tài chính;
– Người đang thi hành công vụ thuộc cơ quan hành chính nhà nước.
2.2. Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế:
– Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế là:
+ 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không ký biên bản thanh tra thuế (thời hạn ra quyết định trong 07 ngày không áp dụng đối với trường hợp yêu cầu giải trình hoặc xác minh).
+ 10 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không ký biên bản thanh tra thuế nếu vụ việc thuộc trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt.
+ 01 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không ký biên bản thanh tra thuế nếu vụ việc mà tổ chức (đối tượng bị thanh tra thuế) có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan.
+ 02 tháng, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi không ký biên bản thanh tra thuế nếu vụ việc thuộc trường hợp có yêu cầu giải trình hoặc có yêu cầu phải xác minh (thông thường từ đối tượng bị thanh tra thuế) các tình tiết có liên quan mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thêm về khoảng thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ.
Mà theo quy định của pháp luật, đối tượng thanh tra thuế có quyền giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra thuế, thế nên thời hạn để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế tối đa là 02 tháng.
Những người sau đây có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế:
– Công chức thuế đang thi hành công vụ;
– Đội trưởng Đội Thuế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ;
– Chi cục trưởng Chi cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
– Cục trưởng Cục Thuế trong phạm vi địa bàn quản lý của mình;
– Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
– Chánh thanh tra Sở Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Tổng cục Thuế thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Trưởng đoàn thanh tra Bộ Tài chính thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành;
– Chánh thanh tra Bộ Tài chính.
2.3. Thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi không ký biên bản thanh tra thuế:
Người bị xử phạt hành chính hành vi không ký biên bản thanh tra thuế thực hiện đúng các quy định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế 2019;
– Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP.