Không đảm bảo chất lượng hàng hóa trong hợp đồng thương mại. Phạt hợp đồng, trách nhiệm thanh toán chi phí vận chuyển trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Không đảm bảo chất lượng hàng hóa trong
Tóm tắt câu hỏi:
Công ty TNHH A của chúng tôi ký hợp đồng (HĐ) bán cho Công ty B một số sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Sau đó công ty B ký HĐ bán lại cho công ty C (là DN Nhật Bản). Theo thỏa thuận, sau khi công ty B nhận Thanh toán từ công ty C thì mới thanh toán tiền mua hàng hóa cho chúng tôi. Đến nay hàng chúng tôi giao đã được công ty B kiểm tra, ký nhận. Tuy nhiên khi công ty B xuất hàng sang Nhật thì công ty C nói hàng không đạt yêu cầu nên công ty C không nhận. Chúng tôi đã yêu cầu công ty B mang sản phẩm về Việt Nam giao lại cho chúng tôi và không phải thanh toán tiền mua hàng thì công ty B yêu cầu chúng tôi phải chịu chi phí vận chuyển đồng thời phải trả khoản tiền phạt HĐ mà công ty B đã trả cho công ty C. Yêu cầu của B đúng hay sai? Chi phí đã phát sinh phía bên nào trả?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tại Điều 385 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về khái niệm hợp đồng như sau:
“Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán được quy định tại mục 2 Luật thương mại năm 2005. Các bên trong hợp đồng mua phải thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng.
Tại Điều 39 Luật thương mại năm 2005 quy định về hàng hóa không phù hợp với hợp đồng như sau:
“Điều 39. Hàng hoá không phù hợp với hợp đồng
1. Trường hợp hợp đồng không có quy định cụ thể thì hàng hoá được coi là không phù hợp với hợp đồng khi hàng hoá đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không phù hợp với mục đích sử dụng thông thường của các hàng hoá cùng chủng loại;
b) Không phù hợp với bất kỳ mục đích cụ thể nào mà bên mua đã cho bên bán biết hoặc bên bán phải biết vào thời điểm giao kết hợp đồng;
c) Không bảo đảm chất lượng như chất lượng của mẫu hàng hoá mà bên bán đã giao cho bên mua;
d) Không được bảo quản, đóng gói theo cách thức thông thường đối với loại hàng hoá đó hoặc không theo cách thức thích hợp để bảo quản hàng hoá trong trường hợp không có cách thức bảo quản thông thường.
2. Bên mua có quyền từ chối nhận hàng nếu hàng hoá không phù hợp với hợp đồng theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Theo đó, bên mua có quyền từ chối nhận hàng hóa không phù hợp với hợp đồng giao kết giữa các bên.
Nếu nội dung giao kết hợp đồng giữa công ty A ký với Công ty B có điều khoản về việc nếu như: Công ty B xuất hàng sang Nhật thì công ty C nói hàng không đạt yêu cầu nên công ty C không nhận thì công ty A phải chịu chi phí vận chuyển đồng thời phải trả khoản tiền phạt hợp đồng mà công ty B đã trả cho công ty C thì lúc này công ty A mới phải chịu chi phí vận chuyển đồng thời phải trả khoản tiền phạt hợp đồng mà công ty B đã trả cho công ty C.
Về phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại hợp đồng được quy định tại Điều 300, 301, 302, 303 Luật thương mại năm 2005 như sau:
“Điều 300. Phạt vi phạm
Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này.
Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.
Điều 302. Bồi thường thiệt hại
1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Điều 303. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại”.