Chuyên gia nhận định, bói toán là hình thức tuyên truyền mê tín dị đoan đang ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển hiện đại. Vậy câu hỏi đặt ra: Hành nghề bói toán mê tín dị đoan có bị xử lý hình sự không?
Mục lục bài viết
1. Hành nghề bói toán mê tín dị đoan, bị xử lý hình sự không?
1.1. Quy định về hành nghề mê tín dị đoan:
Hành nghề mê tín dị đoan là lợi dụng sự mê tín dị đoan của người khác để kiếm tiền lấy kế sinh nhai. Tuy nhiên như vậy chưa phản ánh đầy đủ được người có hành vi hành nghề mê tín dị đoan đã lợi dụng sự mê tín dị đoan của người khác để kiếm tiền lấy kế sinh nhai như thế nào. Trên thực tế thì mê tín dị đoan dù bất kỳ phản ánh dưới hình thức nào, đều được cho là hình thức tín ngưỡng dân gian, mọi người làm thế thì mình cũng có thể làm thế với nhiều cách hiểu đơn giản là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Thế nhưng một số người mê tín dị đoan hoặc không mê tín dị đoan nhưng lại lợi dụng lòng tin có tính chất mê tín dị đoan của người khác để đưa ra những lời phán xét nhằm kiếm tiền của họ thì có thể coi đó là hành nghề mê tín dị đoan. Tuy nhiên cần phải phân biệt sự khác nhau cơ bản giữa tín ngưỡng dân gian với hoạt động mê tín dị đoan như sau:
– Nếu sinh hoạt tín ngưỡng có mục đích là thể hiện nhu cầu của đời sống tinh thần và đời sống tâm linh thì người hoạt động mê tín dị đoan lại lấy mục đích đó để kiếm tiền là chính. Người hoạt động trong lĩnh vực này chỉ làm việc với khách hàng khi có tiền;
– Nếu trong lĩnh vực hoạt động tín ngưỡng, không có ai làm việc chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, thì những người hoạt động mê tín dị đoan hầu hết là hoạt động bán chuyên nghiệp hoặc chuyên nghiệp. Bởi nhiều người sống ta xây dựng cơ nghiệp chủ yếu bằng nghề này;
– Nếu sinh hoạt tín ngưỡng có cơ sở thờ tự riêng thì những người hoạt động mê tín dị đoan thường phải lợi dụng một không gian nào đó của những cơ sở thờ tự của tín ngưỡng dân gian để tiến hành hoặc hành nghề tại gia;
– Nếu những người có sinh hoạt tín ngưỡng thường sinh hoạt định kỳ tại cơ sở như mùng một, các ngày rằm âm lịch hàng tháng … thì những người hoạt động mê tín dị đoan hoạt động không định kỳ vì người đi xem bói thì gặp thầy bói khi trong nhà có việc bất thường xảy ra;
– Nếu sinh hoạt tín ngưỡng được bảo vệ bởi pháp luật và được xã hội thừa nhận thì hoạt động mê tín dị đoan lại bị xã hội lên án và không đồng tình, bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Như vậy có thể hiểu: Hành nghề mê tín dị đoan là hành vi dùng các biện pháp có tính chất huyễn hoặc, mê muội và không có căn cứ khoa học xác thực, nhầm làm cho người khác tin vào những gì mình nói để mưu cầu một lợi ích bất chính nào đó. Hay nói cách khác thì hành nghề mê tín dị đoan là lợi dụng lòng tin có tính chất mê tín dị đoan của những người khác, để trục lợi một cách chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp.
1.2. Hành nghề bói toán mê tín dị đoan, bị xử lý hình sự không?
Người hành nghề bói toán mê tín dị đoan hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thỏa mãn các cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 320 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể là về tội hành nghề mê tín dị đoan. Hành vi khách quan của tội phạm này được quy định là hành vi bói toán, đồng bóng, hoặc các hành vi hành nghề mê tín dị đoan tương tự khác. Trong đó:
– Bói toán là việc đưa ra các khẳng định về quá khứ cũng như dự đoán về tương lai của một người hoặc cả gia đình hay dòng họ;
– Đồng bóng làm việc để thần thánh hoặc người đã chết phát ngôn qua người sống.
Nhìn chung thì bói toán và đồng bóng là hai hình thức mê tín dị đoan có tính phổ biến hơn cả nên được xác định cụ thể trong điều luật nêu trên. Ngoài ra thì điều luật còn xác định những hành vi mê tín dị đoan khác cũng có thể trở thành hành vi khách quan của loại tội phạm này. Dấu hiệu mặt chủ quan của tội phạm này đó là, lỗi của người phạm tội được quy định là lỗi cố ý. Hành vi trên đây chỉ cấu thành tội phạm trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng nay chưa được xóa án tích.
Điều 320 của Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về 2 khung hình phạt chính và 1 khung hình phạt bổ sung. khung hình phạt cơ bản được quy định là hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. khung hình phạt tăng nặng được quy định là hình phạt tù từ 3 năm đến 10 năm, dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng được quy định chủ yếu là các dấu hiệu hậu quả của tội phạm. Ngoài ra còn có khung hình phạt bổ sung (có thể áp dụng) là hình phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2. Hành nghề bói toán mê tín dị đoan bị xử lý với mức phạt hành chính như thế nào:
Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự nêu trên, thì hành vi hành nghề bói toán mê tín dị đoan còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo điểm đ điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi bởi Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo), quy định xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau:
– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với các chủ thể thực hiện hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan;
– Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với các chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, lợi dụng hoạt động xem bói, lợi dụng hoạt động gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi trái với quy định của pháp luật;
– Ngoài ra, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên.
3. Phân biệt tội hành nghề mê tín dị đoan và xử phạt vi phạm hành chính về hành nghề mê tín dị đoan:
Tội phạm nói chung và tội hành nghề mê tín dị đoan nói riêng và vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động hành nghề mê tín dị đoan đều là những hành vi vi phạm pháp luật của nhà nước, vì chúng đều xâm phạm vào nếp sống văn minh và trật tự an toàn xã hội. Hành vi hành nghề mê tín dị đoan trong tội hành nghề mê tín dị đoan, và hành vi trong các hoạt động mê tín dị đoan, đều được thực hiện bởi người có năng lực hành vi và độ tuổi nhất định, đều được thực hiện dưới hình thức là lỗi cố ý. Tuy nhiên, rửa tội hành nghề mê tín dị đoan và vi phạm hành chính liên quan đến hoạt động mê tín dị đoan có những điểm khác nhau, cơ bản nhất là hậu quả gây nên cho xã hội. Đối với việc xử lý hành chính thì chỉ cần một người có hành vi vi phạm các hoạt động mê tín dị đoan thì đều sẽ bị xử phạt theo mức phạt nêu trên mà không cần phải gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Còn đối với vấn đề xử lý hình sự, thì hành vi của họ phải gây ra hậu quả nghiêm trọng, như:
– Làm chết người;
– Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
– Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong trường hợp chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì để xử lý về hình sự đối với người có hành vi mê tín dị đoan thì phải đảm bảo các yếu tố về nhân thân, là đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích. Như vậy một người có hành vi hành nghề mê tín dị đoan chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng trong vòng một năm gần đây, người đó đã bị xử phạt vi phạm hành chính một lần mà vẫn vi phạm, hoặc trước đây đã bị kết án về tội phạm này nhưng chưa được xóa án tích này vẫn tiếp tục vi phạm, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là một nội dung cơ bản phân biệt sự khác nhau giữa xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi mê tín dị đoan và tội hành nghề mê tín dị đoan.
Các văn văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017);
– Nghị định số 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.