Khái quát chung về bảo vệ môi trường? Quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020?
Môi trường có những vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự sống của con người. Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của xã hội cũng kèm theo là nhiều hệ luỵ, một trong số đó chính là những ảnh hưởng và tác động tiêu cực tới môi trường sống của con người. Hiện nay, quy định về khoảng cách khu xử lý chất thải đến khu dân cư là bao nhiêu phụ thuộc vào hai yếu tố: một là khu xử lý chất thải dưới hình thức nào, loại chất thải đưa vào xử lý là loại chất thải gì, quy mô của khu xử lý; thứ hai là khu dân cư là loại hình khu dân cư gì, ví dụ như khu đô thị, khu dân cư miền núi,… Đối với mỗi loại hình khác nhau thì quy định về khoảng cách khu xử lý chất thải và khu dân cư là khác nhau. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giúp người đọc tìm hiểu quy định về khoảng cách tối thiểu từ khu xử lý chất thải tới khu dân cư.
Luật sư tư vấn luật qua điện thoại trực tuyến miễn phí: 1900.6568
1. Khái quát chung về bảo vệ môi trường:
1.1. Bảo vệ môi trường là gì?
Môi trường có những vai trò quan trọng. Môi trường cung cấp các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết như đất nước, rừng, khoáng sản và vệ sinh biển cho cuộc sống và cách hoạt động sản xuất, môi trường chứa đựng các chất thải và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất và sinh sống của con người, môi trường còn là nơi cung cấp các dịch vụ môi trường và hệ sinh thái giúp hỗ trợ các sự sống trên Trái Đất mà không cần bất kỳ hành động nào của con người. Không những thế, môi trường là nơi tạo nên các giá trị tâm lý và thẩm mỹ và tinh thần của con người. Chính bởi vì vậy mà việc bảo vệ môi trường luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và có những biện pháp cũng như chính sách cụ thể.
Hiểu một cách đơn giản, bảo vệ môi trường là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp. Cải thiện môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái cũng như các hoạt động của con người nhằm ngăn chặn, khắc phục các hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường. Khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.
1.2. Nguyên tắc bảo vệ môi trường:
Việc bảo vệ môi trường phải đảm bảo được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
– Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân.
Môi trường có những vai trò quan trọng nên tất cả các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân đều có trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp.
– Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển.
– Bảo vệ môi trường gắn kết hài hòa với an sinh xã hội, quyền trẻ em, bình đẳng giới, bảo đảm quyền mọi người được sống trong môi trường trong lành.
– Hoạt động bảo vệ môi trường phải được tiến hành thường xuyên, công khai, minh bạch; ưu tiên dự báo, phòng ngừa ô nhiễm, sự cố, suy thoái môi trường, quản lý rủi ro về môi trường, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải để khai thác giá trị tài nguyên của chất thải.
– Bảo vệ môi trường phải phù hợp với quy luật, đặc điểm tự nhiên, văn hóa, lịch sử, cơ chế thị trường, trình độ phát triển kinh tế-xã hội; thúc đẩy phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
– Cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho hoạt động bảo vệ môi trường; gây ô nhiễm, sự cố và suy thoái môi trường phải chi trả, bồi thường thiệt hại, khắc phục, xử lý và chịu trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật
– Một nguyên tắc nữa cũng rất quan trọng đó là hoạt động bảo vệ môi trường cần bảo đảm không gây phương hại chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia, gắn liền với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu.
Như vậy, bảo vệ môi trường được thực hiện theo những nguyên tắc nhất định được quy định cụ thể bên trên. Những quy định này được ban hành nhằm mục đích bảo vệ môi trường và cân bằng với các yếu tố khác của xã hội để tiến đến sự phát triển bền vững.
2. Quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020:
2.1. Các trường hợp phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
Theo QCVN 01:2019/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đã đưa ra quy định về khoảng cách an toàn về môi trường là khoảng cách tối thiểu để đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường của nguồn phát sinh ô nhiễm (hoặc nhà, công trình bao chứa nguồn phát sinh ô nhiễm).
Theo Điều 53 khoản 2 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định về cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng thuộc năm trường hợp cụ thể sau đây cần phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư cụ thể bao gồm:
– Trường hợp thứ nhất: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất dễ cháy, dễ nổ.
– Trường hợp thứ hai: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ.
– Trường hợp thứ ba: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất độc hại đối với người và sinh vật.
– Trường hợp thứ tư: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người.
– Trường hợp thứ năm: cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước.
Trên đây là năm trường hợp mà pháp luật quy định cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng cần phải có khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư. Việc đảm bảo khoảng cách sẽ giúp các khu dân cư đảm bảo được sự trong sạch của môi trường nơi mình sinh sống.
2.2. Quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư:
Việc xác định khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư có thể căn cứ vào khoảng cách an toàn từ cơ sở xử lý chất thải được tính từ nguồn phát thải (lò đốt chất thải, công trình xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học, bãi chôn lấp, trạm xử lý nước thải tập trung, trạm trung chuyển chất thải rắn).
Đồng thời, khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư cũng có thể được hiểu là khoảng cách ngắn nhất từ ranh giới cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến ranh giới khu dân cư gần cơ sở, kho tàng nhất. Pháp luật cũng quy định có thể đề xuất khoảng cách an toàn về môi trường tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn đã được nêu trong quy chuẩn về quy hoạch xây dựng đã được ban hành.
Cũng theo quy định trên, khoảng cách an toàn về môi trường từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đến khu dân cư cần được xác định trên cơ sở quy hoạch xây dựng, quy hoạch tỉnh và phải đảm bảo được các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, môi trường trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố về:
– Thứ nhất: Điều kiện tự nhiên như: Địa hình, khí hậu, thủy văn, địa chất công trình, cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học.
– Thứ hai: Điều kiện kinh tế – xã hội như: Sự phân bố dân cư, điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng tăng trưởng kinh tế, tổ chức quản lý hành chính khu dân cư, di tích lịch sử – văn hóa, an ninh và quốc phòng.
– Thứ ba: Các yếu tố về cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thu gom và xử lý chất thải, hiện trạng sử dụng đất, phân bố hiện trạng và quy hoạch phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng, hệ thống cấp thoát nước và mạng lưới điện.
– Thứ tư: Lộ trình thực hiện đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng đang hoạt động trên địa bàn không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư từ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng quy định có thể quy định cụ thể theo hướng như sau:
– Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất dễ cháy tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và quy định pháp luật về dầu khí. Trong trường hợp có chất dễ nổ, tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về quản lý vật liệu nổ. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất phóng xạ, chất thải phóng xạ hoặc thiết bị bức xạ tối thiểu phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định pháp luật về năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ.
– Trong trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có chất độc hại đối với người và sinh vật có thể tiếp cận định hướng như sau:
+ Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có mức độ độc hại cấp I, cấp II phải quy hoạch ngoài khu vực xây dựng đô thị.
+ Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có mức độ độc hại cấp III, cấp IV phải quy hoạch trong khu công nghiệp.
+ Khu công nghiệp phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định pháp luật về xây dựng.
+ Cấp độc hại và khoảng cách an toàn môi trường tuân thủ theo các quy định của Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ.
– Còn với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ phát tán bụi, mùi khó chịu, tiếng ồn tác động xấu đến sức khỏe con người, cũng cần phải xem xét phương án cụ thể với từng đối tượng như sau:
+ Cơ sở chăn nuôi, chế biến thủy sản.
+ Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
+ Cơ sở sản xuất giấy, bột giấy, thuộc da, chế biến mủ cao su, tinh bột sắn, bột ngọt.
+ Cơ sở sản xuất và kho tàng chứa chứa hóa chất bảo vệ thực vật.
Đồng thời, các chủ cơ sở cần tham khảo các số liệu cụ thể về khoảng cách an toàn theo quy chuẩn xây dựng đối với cơ sở xử lý chất thải rắn có chôn lấp chất thải rắn vô cơ, cơ sở xử lý có chôn lấp chất thải rắn hữu cơ, cơ sở xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học để sản xuất phân bón, cơ sở xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại có sử dụng lò đốt chất thải. Ngoài nhóm đối tượng được nêu cụ thể bên trên, các cơ sở hỏa táng và công trình chứa lò hỏa táng đến khu dân cư cũng phải đảm bảo khoảng cách an toàn về môi trường.
– Với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và kho tàng có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước cũng cần xem xét các yêu cầu về khoảng cách an toàn theo quy định của Luật Tài nguyên nước và các quy định liên quan.
Ta nhận thấy, việc xây dựng quy định chi tiết khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư được quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là rất cần thiết để tạo môi trường sống trong lành, nâng cao chất lượng môi trường tại các khu dân cư hiện hữu. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới, hội nhập quốc tế và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội đang đặt ra hiện nay.