Thực tế hiện nay, việc vay qua các tổ chức tín dụng diễn ra rất thường xuyên. Trong đó, ta dễ bắt gặp các khái niệm như nợ đến hạn, nợ quá hạn. Vậy nợ đến hạn, nợ quá hạn được hiểu như thế nào và cách xử lý nợ ra sao? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây;
Mục lục bài viết
1. Khoản nợ đến hạn là gì và cách xử lý nợ đến hạn:
Khoản nợ đến hạn được hiểu là nghĩa vụ mà người đi vay phải thực hiện đối với người cho vay khi đến thời điểm hai bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định sẽ phải thực hiện. Trong trường hợp nếu như các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật không có quy định về thời hạn thực hiện nghĩa vụ thì các bên có thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán trả nợ bất cứ lúc nào, đồng thời sẽ phải báo cho bên kia biết trước một khoảng thời hạn hợp lý.
Và khi đến hạn trả nợ, cách thức xử lý phụ thuộc do hai bên thỏa thuận, bên đi vay phải có trách nhiệm thanh toán cho bên cho vay cả gốc và lãi như cam kết. Trường hợp đó nợ đến hạn sẽ trở thành nợ quá hạn và xử lý nợ quá hạn theo đúng trình tự pháp luật.
2. Khoản nợ quá hạn và cách xử lý nợ quá hạn:
2.1. Thế nào là khoản nợ quá hạn?
Khoản nợ quá hạn được hiểu là những khoản vay khi tới thời hạn trả nợ mà khách hàng không thanh toán đúng thời hạn hai bên cam kết hoặc pháp luật có quy định.
Tùy vào thời gian đóng trễ, nợ quá hạn sẽ được cập nhật trên CIC và phân chia vào các nhóm nợ xấu (lịch sử tín dụng) gây khó khăn khi khách hàng muốn vay ở nơi khác.
Phân loại nợ theo nhóm được quy định tại Văn bản hợp nhất 22/VBHN-NHNN năm 2014 hợp nhất Quyết định về Quy định phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành. Cụ thể gồm 5 nhóm:
– Nhóm 1: nợ đủ tiêu chuẩn bao gồm:
+ Các khoản nợ trong hạn và tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng hạn.
+ Các khoản nợ mà thời gian nợ quá hạn dưới 10 ngày, được tổ chức tín dụng đánh giá đây là khoản nợ có khả năng thu hồi đầy đủ gốc và lãi bị quá hạn và thu hồi đầy đủ gốc và lãi đúng thời hạn còn lại.
– Nhóm 2: nợ cần chú ý bao gồm:
+ Các khoản nợ nếu thời hạn bị quá từ 10 ngày đến 90 ngày.
+ Các khoản nợ điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu.
Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức là khách hàng thì tổ chức tín dụng phải có được đầy đủ hồ sơ đánh giá rằng doanh nghiệp, tổ chức có khả năng trả nợ đầy đủ hay không, gồm cả gốc và lãi đúng kỳ hạn được điều chỉnh lần đầu.
– Nhóm 3: nợ dưới tiêu chuẩn bao gồm:
+ Các khoản nợ thời gian quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày.
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu.
+ Trường hợp khách hàng không đủ khả năng để trả lãi đầy đủ theo hợp đồng tín dụng được miễn hoặc giảm lãi.
– Nhóm 4: nợ nghi ngờ bao gồm:
+ Thời hạn quá nợ tính từ ngày 181 ngày đến 360 ngày.
+ Các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nếu thời hạn quá dưới 90 ngày dựa theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần đầu.
+ Những khoản nợ được cơ cấu trả nợ lại lần thứ hai.
– Nhóm 5: nợ có khả năng mất vốn bao gồm:
+ Thời hạn nợ trên 360 ngày.
+ Đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần đầu nếu quá hạn từ 90 ngày trở lên theo thời gian trả nợ và được cơ cấu lại lần đầu.
+ Đối với các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ hai quá hạn theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại lần thứ hai.
+ Trường hợp các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lần thứ ba trở lên.
+ Các khoản nợ khoanh, nợ đang chờ xử lý.
Ngoài ra, phân loại nợ còn được xác định dựa trên có biện pháp đảm bảo nợ hay không, gồm có hai loại:
– Loại 1: nợ quá hạn có tài sản thế chấp:
Tài sản thế chấp có thể là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở tài sản gắn liền trên đất; hay giấy tờ đăng ký xe; hợp đồng bảo hiểm có giá trị; các cơ sở sản xuất kinh doanh như nhà máy, khách sạn, cửa hàng; các tài sản hình thành trong tương lai;… Đối với những khoản nợ có tài sản thế chấp sẽ có uy tín hơn rất nhiều, bởi nếu như khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hay không còn khả năng trả nợ nữa thì ngân hàng có thể thực hiện xử lý nợ bằng tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
– Loại 2: nợ quá hạn không có tài sản thế chấp (vay tín chấp):
Trường hợp vay mà không cần tài sản nào thế chấp; vay mượn dựa trên sự uy tín, niềm tin cũng như căn cứ vào mức thu nhập hay lịch sử nợ tín dụng của khách hàng để làm hợp đồng vay nợ. Hình thức cho vay này mang nhiều rủi ro hơn đối với hình thức cho vay có tài sản thế chấp.
2.2. Cách xử lý nợ quá hạn:
Thứ nhất, thông báo cho khách hàng về việc nợ đã quá hạn:
Về nguyên tắc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và thanh toán nợ của khách hàng theo từng hợp đồng. Căn cứ trên đặc điểm, hoạt động của tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng phải có phương án cũng như quy trình kiểm tra việc vay vốn và trả nợ của khách hàng nhằm thúc giục và bảo đảm việc thanh toán nợ đúng quy trình và thời gian đã cam kết.
Đối với những đối tượng khách hàng hợp đồng nào đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán thì ngân hàng sẽ phải có thông báo đến cho khách hàng biết về việc khoản nợ đang bị quá hạn và yêu cầu phải thanh toán cả gốc và lãi theo đúng quy định trong hợp đồng đã thỏa thuận. Trong nội dung của biên bản thông báo đến khách hàng, ngân hàng ít nhất phải đưa được các thông tin dư nợ gốc quá hạn; lãi suất trong hạn cũng như lãi suất quá hạn; thời điểm thanh toán cuối cùng cho khách hàng.
Thứ hai, bố trí lại thời hạn trả nợ cho khách hàng:
Trên thực tế, nhiều trường hợp khách hàng quá hạn trả nợ vì một số lý do cá nhân, có thể do vỡ nợ hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vấn đề,… do đó khả năng trả nợ không thể đúng hạn như hai bên đã thỏa thuận. Sau khi ngân hàng gửi thông báo đến cho khách hàng, nếu sau đó khách hàng có công văn giải trình lý do và xin giãn thời gian thanh toán trả nợ, ngân hàng đánh giá và xem xét tình hình khả năng trả nợ của khách hàng để tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cụ thể trường hợp xử lý như sau:
– Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn trả nợ gốc trong thời hạn cho vay mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng; ngân hàng sau khi xem xét nếu khách hàng có đủ khả năng để trả nợ trong kỳ thanh toán tiếp theo thì có thể được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc.
– Khách hàng nào không có khả năng trả hết nợ gốc đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận theo Hợp đồng tín dụng và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả nợ trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, khi đó ngân hàng xem xét cho gia hạn nợ theo thời hạn phù hợp với khả năng tài chính của khách hàng.
Lưu ý: thời hạn để tiến hành việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ do các ngân hàng quy định dựa trên quy chế của ngân hàng.
Thứ ba, tiến hành xử lý tài sản bảo đảm:
Sau khi tiến hành hai bước trên thông báo cho khách hàng rồi cơ cấu lại thời gian trả nợ mà ngân hàng không trả nợ theo đúng thỏa thuận thì ngân hàng khi đó có quyền xử lý tài sản bảo đảm như trong hợp đồng để thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật.
Nguyên tắc xử lý bảo đảm được quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 bao gồm:
– Bán đấu giá tài sản.
– Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản.
– Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm.
– Các phương thức xử lý khác.
Để giải quyết xử lý tài sản bảo đảm, ngân hàng cần có văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm với nội dung chủ yếu như lý do tài sản bảo đảm; tài sản bảo đảm bị xử lý; thời gian, địa điểm, cách thức xử lý tài sản bảo đảm.
Sau khi tiến hành xử lý tài sản bảo đảm dựa trên hợp đồng tín dụng, nếu số tiền xử lý nhiều hơn số nợ khách hàng phải trả thì ngân hàng sau khi tất toán xong sẽ phải thanh toán lại cho khách số chênh lệch.
Còn đối với trường hợp số tiền có được nhỏ hơn số nợ quá hạn bao gồm cả gốc (và lãi) thì số tiền chưa được thanh toán sẽ được xem là phần vay không có tài sản bảo đảm, và khi đó ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng thực hiện chi trả số tiền chưa được thanh toán đó.
Thứ tư, tiến hành khởi kiện theo hướng dân sự nếu như có xảy ra tranh chấp hoặc hai bên có thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng thì Ngân hàng sẽ tiến hành gửi đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân tại địa phương để yêu cầu giải quyết tranh chấp dân sự về số nợ quá hạn của khách hàng.
Nếu như ngân hàng nhận thấy khách hàng có dấu hiệu bỏ trốn và trốn tránh trách nhiệm thanh toán nợ thì ngân hàng làm đơn tố cáo ra phía cơ quan điều tra để điều tra và xác minh.