Khoản hỗ trợ sinh hoạt phí khi đi công tác có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không? Nộp thuế thu nhập cá nhân.
Khoản hỗ trợ sinh hoạt phí khi đi công tác có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không? Nộp thuế thu nhập cá nhân.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Xin hỏi luật sư một số vấn đề sau:
– Đơn vị chúng tôi có 1 số nhân viên lương tháng 8 triệu, chưa phải chịu thuế TNCN nhưng quý 3 năm 2015 đi công tác tại Nhật và được đơn vị hỗ trợ 1 khoản gọi là sinh hoạt phí 45 triệu. Như vậy cá nhân đó có phải chịu thuế TNCN khi quyết toán thuế năm 2015 không. Đơn vị đã có khấu trừ thuế TNCN theo biễu lũy tiến trong quý 3 rồi. Khoản sinh hoạt phí thực chất là khoản trợ cấp đắt đỏ tại Nhật. Khoản Sinh hoạt phí đó có chịu thuế TNCN không?
– Trường hợp cá nhân đăng ký người phụ thuộc: Cá nhân có vợ buôn bán có 2 con thì cá nhân đó đăng ký nuôi 2 con có được không? Cá nhân chưa có gia đình, có 2 chị gái nhưng đăng ký nuôi cả cha và mẹ để giảm trừ gia cảnh có được không? Xin Luật sư giải đáp.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Thuế thu nhập cá nhân;
– Thông tư
2. Luật sư tư vấn:
Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau về thuế thu nhập cá nhân:
"Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
…
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
đ.4) Phần khoán chi văn phòng phẩm, công tác phí, điện thoại, trang phục,… cao hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước. Mức khoán chi không tính vào thu nhập chịu thuế đối với một số trường hợp như sau:
đ.4.1) Đối với cán bộ, công chức và người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, Hội, Hiệp hội: mức khoán chi áp dụng theo văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.
đ.4.2) Đối với người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh, các văn phòng đại diện: mức khoán chi áp dụng phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp theo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp."
Như vậy, nếu mức khoán chi công tác phí của công ty bạn cho người lao động phù hợp với mức xác định thu nhập chịu thuế theo các quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp thì sẽ không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động đó.
Thông tư 96/2015/TT-BTC quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp:
"Điều 6. Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.9. Chi phụ cấp tàu xe đi nghỉ phép không đúng theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp doanh nghiệp có khoán tiền đi lại, tiền ở, phụ cấp cho người lao động đi công tác và thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp.
Trường hợp doanh nghiệp cử người lao động đi công tác (bao gồm công tác trong nước và công tác nước ngoài) nếu có phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, chi phí mua vé máy bay mà các khoản chi phí này được thanh toán bằng thẻ ngân hàng của cá nhân thì đủ điều kiện là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và tính vào chi phí được trừ nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao xuất.
– Doanh nghiệp có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
– Quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp cho phép người lao động được phép thanh toán khoản công tác phí, mua vé máy bay bằng thẻ ngân hàng do cá nhân là chủ thẻ và khoản chi này sau đó được doanh nghiệp thanh toán lại cho người lao động.
…"
Như vậy, trường hợp công ty bạn cử người lao động đi công tác tại Nhật thực hiện đúng theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khoản chi khoán tiền đi lại, tiền ở, tiền phụ cấp đối với việc tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời khoản tiền này cũng được tính là khoản tiền không tính thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân.
Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau về vấn đề giảm trừ gia cảnh:
"Điều 9. Các khoản giảm trừ
…
c.2.4) Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.
d) Người phụ thuộc bao gồm:
d.1) Con: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cụ thể gồm:
d.1.1) Con dưới 18 tuổi (tính đủ theo tháng).
Ví dụ 10: Con ông H sinh ngày 25 tháng 7 năm 2014 thì được tính là người phụ thuộc từ tháng 7 năm 2014.
d.1.2) Con từ 18 tuổi trở lên bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
d.1.3) Con đang theo học tại Việt Nam hoặc nước ngoài tại bậc học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, kể cả con từ 18 tuổi trở lên đang học bậc học phổ thông (tính cả trong thời gian chờ kết quả thi đại học từ tháng 6 đến tháng 9 năm lớp 12) không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.
d.2) Vợ hoặc chồng của người nộp thuế đáp ứng điệu kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
d.3) Cha đẻ, mẹ đẻ; cha vợ, mẹ vợ (hoặc cha chồng, mẹ chồng); cha dượng, mẹ kế; cha nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của người nộp thuế đáp ứng điều kiện tại điểm đ, khoản 1, Điều này.
…"
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy chỉ cần là con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động hoặc đang theo học các bậc học thì đều được coi là người phụ thuộc. Việc đăng ký cá nhân phụ thuộc chỉ cần thỏa mãn điều kiện: “Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế” thì được coi là đúng theo quy định của pháp luật. Do đó, người chồng hoàn toàn có thể đăng ký cá nhân phụ thuộc là cả hai con.
Tương tự như vậy, trường hợp cá nhân có hai chị gái nhưng đăng ký nuôi cả cha và mẹ đẻ cũng là đúng theo quy định của pháp luật nếu hai chị gái của người đó không đăng ký nuôi cha mẹ. Tuy nhiên, đối với cha mẹ đẻ để được coi là đối tượng giảm trừ gia cảnh còn phải đáp ứng điều kiện sau quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Đối với người trong độ tuổi lao động phải đáp ứng đồng thời các điều kiện sau:
"- Bị khuyết tật, không có khả năng lao động.
– Không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng."
Đối với người ngoài độ tuổi lao động phải không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng.