Khiếu nại là gì? Ai có quyền khiếu nại? Tố cáo là gì? Mục đích của quyền khiếu nại và tố cáo? Theo như quy định của pháp luật hiện hành thì ai có quyền khiếu nại?
Dưới góc độ của pháp luật thì khiếu nại, tố cáo là quyền, đồng thời là nghĩa vụ của công dân mà nhà nước Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng pháp luật, góp phần phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Vậy theo như quy định của pháp luật hiện hành thì ai có quyền khiếu nại? Mục đích của quyền khiếu nại và tố cáo?
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Mục lục bài viết
1. Khiếu nại là gì?
Khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định: “Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.”
Trong đó:
– Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành để quyết định về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Ví dụ: Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố X về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất cấp cho gia đình bà M; Quyết định cưỡng chế thi hành án của Chi cục trưởng Thi hành án huyện K đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Z…
– Hành vi hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Hành vi không cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho Công ty Y khi Công ty này đã nộp đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật; hành vi cản trở việc thi hành án của một số cán bộ thi hành án huyện T sau khi bản án C đã có hiệu lực pháp luật…
– Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Ví dụ: Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện X về việc xử lý kỷ luật cách chức Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện do có hành vi vi phạm quy định về quản lý; Quyết định của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Y về việc cảnh cáo Chi cục phó Chi cục Thuế huyện M thuộc tỉnh do có hành vi bao che cho một số doanh nghiệp trên địa bàn gian lận thuế…
Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền khiếu nại thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi khiếu nại luôn luôn là công dân (hoặc cơ quan, tổ chức trong một số trường hợp) chịu sự tác động trực tiếp của quyết định, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Còn bên bị khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước.
Khiếu nại gồm có các dấu hiệu sau:
– Chủ thể thực hiện quyền khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức.
– Đối tượng khiếu nại là các quyết định hành chính, hành vi hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước hoặc những người có thẩm quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu chính là cơ quan đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại.
Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
Đối với khiếu nại bằng đơn
Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
Đối với khiếu nại trực tiếp
Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn
Đối với trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung
Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
– Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn.
– Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung theo quy định như đối với khiếu nại bằng đơn, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
Lưu ý, Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại
2. Ai có quyền khiếu nại?
Khoản 2 Điều 2 Luật khiếu nại quy định người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện việc khiếu nại. Cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức của mình, cán bộ, công chức có quyền khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của mình.
Người khiếu nại phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trường hợp không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hoặc vì lý do khách quan, theo quy định của pháp luật dân sự, thì công dân phải có người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ để thực hiện khiếu nại; cơ quan, tổ chức thực hiện quyền khiếu nại phải thông qua người đại diện hợp pháp.
Các chủ thể thực hiện quyền khiếu nại phải là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại; việc khiếu nại phải được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục mà pháp luật quy định
Luật Khiếu nại cũng quy định việc khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của Luật khiếu nại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa XHCN Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.
Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại
3. Tố cáo là gì?
“Tố cáo” là việc công dân theo thủ tục do Luật Khiếu nại, tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Công dân có quyền tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về hành vi trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Khi thực hiện việc tố cáo, người tố cáo có các quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định, cụ thể:
– Người tố cáo có các quyền sau đây: Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; Yêu cầu giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích của mình; Yêu cầu được thông báo kết quả giải quyết tố cáo; Yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trù dập, trả thù.
– Người tố cáo có các nghĩa vụ như trình bày trung thực về nội dung tố cáo; nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc tố cáo sai sự thật.
4. Mục đích của quyền khiếu nại và tố cáo:
Như vậy, mục đích của việc khiếu nại trước hết là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại khỏi bị xâm hại bởi những việc làm, những quyết định, chính sách trái pháp luật của các cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong các cơ quan nhà nước. Suy rộng ra mục đích của khiếu nại chính là nhằm bảo đảm cho các quy định pháp luật liên quan tới các quyền, lợi ích của cơ quan, tổ chức, công dân được thực hiện nghiêm chỉnh; giúp cho hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan, tổ chức nhà nước có hiệu quả, các quyết định, hành vi hành chính trái pháp luật được sửa đổi hoặc bãi bỏ kịp thời, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật có thể xảy ra từ phía những người thực thi công vụ… góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Mục đích của tố cáo là nhằm phát giác, ngăn chặn, hạn chế kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật xâm phạm đến lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, trong khi đó khiếu nại nhằm bảo vệ hoặc khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nhằm bảo vệ quyền lợi của chính bản thân người tố cáo.