Khi nào thì công chức được giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý? Điều kiện và tiêu chuẩn bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý? Trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo theo quy định mới nhất năm 2021?
Công chức sẽ được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cần phải đáp ứng được những điều kiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
Mục lục bài viết
1. Cán bộ, công chức là ai?
Cán bộ công chức là một chức vụ quen thuộc đối với rất nhiều người đang làm việc cho các tổ chức, cơ quan nhà nước. Nhưng không phải ai cũng có thể hiểu đúng bản chất của chức danh này trong bộ máy cơ quan nhà nước.
Theo quy định tại Điều 4, Luật cán bộ, công chức 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Để phân biệt được các chức danh trong cơ chế nhà nước điều đầu tiên là so sánh khái niệm thực chất của các chức danh. Sau đó so sánh bản chất và các yếu tố bên cạnh.
Nguồn gốc
+ Cán bộ: Được tín nhiệm bầu cử và phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức vụ trong biên chế.
+ Công chức: Phải trải qua thi tuyển công chức, trúng tuyển có quyết định phê chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong biên chế.
+ Viên chức: Tuyển dụng vào vị trí công việc là ký
Thời gian tập sự
+ Cán bộ: Không có thời gian quy định về tập sự.
+ Công chức: Thời gian từ 6 đến 12 tháng tùy vào các trường hợp tương ứng tuyển dụng.
+ Viên chức: Quy định theo chức danh nghiệp vụ của từng ngành từng dịch vụ.
Tính chất
+ Cán bộ: Vận hành quyền lực trong nhà nước. Giữ chức vụ quản lý và nhân danh quyền lực chính trị và quyền công. Tính theo nhiệm kỳ.
+ Công chức: Vận hành theo cơ chế nhà nước thực hiện đúng nhiệm vụ, chủ trương. Thường xuyên thực hiện công vụ.
+ Viên chức: Thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ xã hội và những kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn. Hoạt động thuần túy theo đúng nghiệp vụ.
Chế độ lương
+ Cán bộ: Chế độ lương từ ngân sách nhà nước theo từng vị trí và chức danh.
+ Công chức: Chế độ lương từ ngân sách nhà nước và quỹ lương đơn vị công tác đối với các đơn vị công lập trong bộ máy lãnh đạo và quản lý đơn vị sự nghiệp công lập.
+ Viên chức: Chế độ lương từ quỹ đơn vị sự nghiệp công lập.
Nơi làm việc
+ Cán bộ: Các đơn vị, cơ quan của Đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội.
+ Công chức: Cơ quan Đảng, nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, quân đội, công an, tòa án và viện kiểm sát.
+ Viên chức: Đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Bổ nhiệm là gì? Quản lý, lãnh đạo là chức vụ gì?
Bổ nhiệm là việc cán bộ, công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật. Bổ nhiệm khác với điều động ở chỗ điều động là việc cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển từ cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác.
Còn luân chuyển lại là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ.
Biệt phái là việc công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này được cử đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.
Căn cứ vào những tiêu chí để phân loại công chức theo quy định tại Điều 34, Luật cán bộ, công chức năm 2008 về phân loại công chức như sau:
Có 2 tiêu chí để phân loại công chức là: căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm và căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:
Một là, căn cứ vào ngạch được bổ nhiệm, công chức được phân loại như sau:
+ Loại A gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương
+ Loại B gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương
+ Loại C gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương
+ Loại D gồm những người được bổ nhiệm vào ngạch cán sự hoặc tương đương và ngạch nhân viên.
Hai là, căn cứ vào vị trí công tác, công chức được phân loại như sau:
+ Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
+ Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
3. Điều kiện được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý
Điều 51 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định căn cứ để bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là: Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý được thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền. Công chức được điều động đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác hoặc được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý mới thì đương nhiên thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm, trừ trường hợp kiêm nhiệm.
Việc bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào:
+ Nhu cầu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Trong đó, tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bao gồm:
Một là, Đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền
Hai là, Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản theo quy định.
Ba là, Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định
Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định tại khoản 3, Điều 6 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg
+ Cán bộ, công chức bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi đối với nam và không quá 50 tuổi đối với nữ;
+ Riêng các chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng các quận, huyện và tương đương, tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 45 tuổi (đối với cả nam và nữ);
+ Trường hợp cán bộ, công chức đã thôi giữ chức vụ lãnh đạo, sau một thời gian công tác nếu được xem xét để bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, thì điều kiện về tuổi thực hiện như quy định khi bổ nhiệm lần đầu;
Bốn là, Có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao
Năm là, Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, để được bổ nhiệm làm quản lý, lãnh đạo, công chức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên.
Đặc biệt, khoản 2, Điều 51 Luật Cán bộ công chức nêu rõ, thời hạn bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là 5 năm. Nhưng nếu pháp luật chuyên ngành và cơ quan có thẩm quyền có quy định khác thì thực hiện theo quy định đó. Khi hết thời hạn này, cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền phải xem xét bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại.
Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, cơ quan quản lý công chức xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu.
Quyết định về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm. Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.
Cơ quan quản lý công chức phải thực hiện bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, theo quy định tại Điều 41,
+ Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
+ Đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại;
+ Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
+ Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại được xác định như sau:
+ Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét,
+ Quyết định bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
4. Trình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo
Bước 1: Cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm.
Bước 2: Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự cụ thể qua các bước sau:
Đối với nguồn nhân sự tại chỗ:
– Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị;
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Khi bổ nhiệm một chức vụ có thể giới thiệu từ 1 đến 3 người để lựa chọn;
– Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ, công chức bổ nhiệm; thông báo danh sách cán bộ, công chức được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức được giới thiệu trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan;
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
– Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng uỷ cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm;
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.
Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác:
– Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc cấp có thẩm quyền giới thiệu;
– Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: đại diện lãnh đạo cơ quan gặp cán bộ, công chức được đề nghị bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác; làm việc với cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu và xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác; lấy ý kiến của cấp uỷ cơ quan về việc bổ nhiệm cán bộ, công chức; thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết; thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp trên xem xét bổ nhiệm.
Đối với các trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải làm tờ trình kèm theo các hồ sơ cần thiết theo quy định hiện hành.
Như vậy, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức vào chức vụ quản lý, lãnh đạo phải đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về bổ nhiệm nói chung và đối với chức vụ quản lý, lãnh đạo nói riêng.