Theo quy định hiện nay thì cơ quan có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm để tiến hành kiểm tra doanh nghiệp để đảm bảo việc quyết toán thuế được thực hiện đúng và không có gian lận trong các đơn vị kinh doanh. Vậy khi nào cơ quan thuế xuống quyết toán tại doanh nghiệp?
Mục lục bài viết
1. Khi nào cơ quan thuế xuống quyết toán tại doanh nghiệp?
Quyết toán thuế là khai báo thuế cho Cục thuế sau một thời gian thành lập doanh nghiệp. Sau khoảng thời gian 2 năm đến 5 năm cơ quan thuế sẽ xuống doanh nghiệp để thanh tra thuế. Quyết toán thuế là thủ tục bắt buộc phải thực hiện đối với bất kì cá nhân hay tổ chức, doanh nghiệp nào. Do đó, cơ quan thuế có thể xuống tại doanh nghiệp để kiểm tra và đảm bảo việc quyết toán thuế có đúng quy định hay không.
Cơ quan thuế kiểm tra doanh nghiệp trong các trường hợp quy định tại Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT ngày 14/7/2023:
– Kiểm tra doanh nghiệp dựa trên hồ sơ thuế.
– Kiểm tra doanh nghiệp khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
– Kiểm tra doanh nghiệp hoàn thuế.
– Kiểm tra doanh nghiệp theo kế hoạch hoặc theo chuyên đề.
Việc lựa chọn doanh nghiệp để tiến hành kiểm tra tại trụ sở theo kế hoạch hoặc theo chuyên đề được ưu tiên thực hiện theo thứ tự rủi ro từ cao xuống và xem xét lựa chọn doanh nghiệp được xác định đã quá 05 năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế và đồng thời không trùng lặp với những doanh nghiệp đã được đưa vào kế hoạch thanh tra thuế.
– Kiểm tra doanh nghiệp theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, Thanh tra nhà nước và các cơ quan khác có thẩm quyền.
– Kiểm tra đối doanh nghiệp với trường hợp người nộp thuế chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế hoặc thay đổi địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý.
– Kiểm tra doanh nghiệp đột xuất, bao gồm:
+ Kiểm tra doanh nghiệp theo đơn tố cáo;
+ Kiểm tra doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế hoặc theo chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên;
+ Kiểm tra doanh nghiệp theo đề nghị của người nộp thuế (chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, giải thể, chấm dứt hoạt động, cổ phần hóa, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, chuyển địa điểm kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý);
+ Kiểm tra doanh nghiệp trước hoàn thuế;
+ Kiểm tra doanh nghiệp theo đề xuất sau khi kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế;
Các trường hợp kiểm tra doanh nghiệp đột xuất khác.
Trên đây là các trường hợp cơ quan thuế sẽ xuống quyết toán tại doanh nghiệp. Theo đó, không phải mọi doanh nghiệp đều được cơ quan thuế xuống quyết toán sau 05 năm.
2. Cơ quan thuế thường kiểm tra gì khi quyết toán thuế tại doanh nghiệp?
Căn cứ theo quy định, khi quyết toán thuế tại doanh nghiệp cơ quan thuế phải làm những việc sau:
– Kiểm tra, rà soát về toàn bộ Tờ khai thuế: Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bản sao của các tờ khai thuế đã thực hiện nghĩa vụ nộp trước đó, trong đó bao gồm tờ khai thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và các loại thuế khác nếu có.
– Kiểm tra chứng từ nộp thuế: Các hóa đơn, chứng từ, báo cáo thuế, biên bản kiểm tra thuế, và tất cả các tài liệu liên quan đến quá trình nộp thuế cần được xác minh và sẵn sàng cung cấp.
– Kiểm tra sổ sách và chứng từ kế toán: Cơ quan thuế sẽ tiến hành kiểm tra sổ sách kế toán của doanh nghiệp để đảm bảo tính chính xác, khớp với tờ khai thuế. Sổ cái, sổ nhật ký,
– Niên độ kế toán: Các thông tin liên quan đến quy trình kế toán trong thời gian kiểm tra, trong đó bao gồm việc xác định các sự kiện kế toán, việc ghi chứng từ và xác định số liệu tài chính.
– Giải trình về sai phạm: Doanh nghiệp sẽ cần phải chuẩn bị giải trình chi tiết về bất kỳ sai phạm nào trong quá trình quyết toán thuế bao gồm việc trình bày về lý do tại sao và cách giải quyết.
3. Quy định về xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra thuế:
Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT, quy định rõ về việc xử lý chồng chéo trong hoạt động kiểm tra thuế. Cụ thể như sau:
– Đối với trường hợp kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế cấp dưới nếu trường hợp xét thấy có sự trùng lặp về đối tượng kiểm tra với kế hoạch kiểm tra, thanh tra về thuế của cơ quan Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên thì thực hiện theo kế hoạch của Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thuế cấp trên.
– Đối với các trường hợp trùng lặp về đối tượng thuộc kế hoạch kiểm tra của cơ quan thuế với các cơ quan khác của Nhà nước thì Thủ trưởng cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm phối hợp với thủ trưởng cơ quan nhà nước có sự trùng lặp để xử lý và báo cáo cơ quan phê duyệt kế hoạch khi cần thiết.
4. Lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra:
Quy trình kiểm tra thuế ban hành kèm theo Quyết định 970/QĐ-TCT quy định về việc Cơ quan Thuế thực hiện lựa chọn người nộp thuế để lập kế hoạch, chuyên đề kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế, cụ thể như sau:
– Lựa chọn qua phân tích để đánh giá và tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế (không dưới 90%):
+ Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch, chuyên đề để tiến hành kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và xác định là không trùng lặp với người nộp thuế đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra, kết hợp xem xét lựa chọn người nộp thuế đã quá 05 (năm) năm chưa được thanh tra, kiểm tra thuế.
– Lựa chọn ngẫu nhiên (không quá 10%): lựa chọn đối với người nộp thuế dự kiến sẽ được đưa vào kế hoạch, chuyên đề để tiến hành kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế do bộ phận lập kế hoạch, chuyên đề lựa chọn ngẫu nhiên hoặc sử dụng chức năng hỗ trợ lựa chọn ngẫu nhiên của các ứng dụng hỗ trợ lập kế hoạch.
– Đối với trường hợp cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế có thông tin tin cậy mà làm giảm mức độ rủi ro của người nộp thuế tới mức thấp hoặc có cơ sở để cho rằng mức độ rủi ro của người nộp thuế là thấp chưa đưa vào kế hoạch kiểm tra năm thì cơ quan thuế sẽ ra quyết định không lựa chọn người nộp thuế đó vào kế hoạch, kiểm tra và lựa chọn người nộp thuế khác theo quy định để đưa vào kế hoạch, kiểm tra năm. Đối với trường hợp trong công tác quản lý thuế, có thông tin thu thập và xác minh được người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao thì cơ quan thuế sẽ lựa chọn bổ sung vào kế hoạch kiểm tra năm. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các quyết định thay đổi của mình.
– Danh sách người nộp thuế sẽ được lựa chọn kiểm tra theo kế hoạch, chuyên đề kiểm tra hàng năm gồm các nội dung chủ yếu sau: Tên người nộp thuế, mã số thuế, địa chỉ của các đối tượng tiến hành kiểm tra; nội dung kiểm tra; chuyên đề kiểm tra, thời gian dự kiến kiểm tra.
Việc lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch, chuyên đề kiểm tra thuế phải tránh trùng lặp, chồng chéo theo quy định tại Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung 2023, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung 2023
THAM KHẢO THÊM: