Khi cháy chợ, ai chịu trách nhiệm bồi thường? Mức bồi thường khi cháy chợ? Trách nhiệm bồi thường khi vi phạm nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy.
Trong thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ cháy chợ gây thiệt hại không nhỏ về con người và tài sản.
Mục lục bài viết
1. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Theo quy định tại Điều 5 Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy như sau: “Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Như vậy có thể khẳng định, trách nhiệm phòng cháy chữa cháy thuộc về mọi tổ chức cá nhân. Theo đó, đối với vụ việc cháy chợ thì các chủ thể có trách nhiệm liên quan như:
Căn cứ vào khoản 3 điều 5 Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì ở đây được xác định là Ban quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý, kinh doanh và khai thác chợ: Đây là cơ quan có trách nhiệm trong việc đảm bảo và ban hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tới các tiểu thương. Là cơ quan có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy và thực hiện các nhiệm vụ khác một cách đầy đủ và đúng quy định của pháp luật về phòng cháy chữa cháy.
Căn cứ vào quy định tại khoản 3a và khoản 3b điều 5
Bên cạnh đó căn cứ quy định tại khoản 4 điều 5 Luật phòng cháy chữa cháy: Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy. Vì vậy khi cháy chợ xảy ra cũng cần xem xét lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã làm hết trách nhiệm của mình chưa.
Nếu có cơ sở xác định người đứng đầu các cơ quan, tổ chức hoặc các cá nhân nói trên thiếu trách nhiệm trong công tác tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy, thực hiện nhiệm vụ chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Như vậy trách nhiệm không loại trừ bất cứ cá nhân nào, từ ban quản lý chợ, cơ quan phòng cháy chữa cháy cho đến chính các hộ kinh doanh có thiệt hại từ vụ hỏa hoạn.
Khi chưa có kết quả điều tra, chưa thể khẳng định được trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai. Bởi điều trước hết là cần xác định nguyên nhân gây ra vụ cháy tại là gì? Nếu nguyên nhân do hành vi phạm tội của một cá nhân nào đó thì bản thân người đã thực hiện hành vi phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho các hộ kinh doanh và phải chịu trách nhiệm hình sự trước nhà nước. Nếu xác định nguyên nhân là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ… thì căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra để xác định.
Cụ thể, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra, và cũng phải bồi thường ngay cả khi mình không có lỗi ngoại trừ: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại tức là do lỗi của các hộ kinh doanh tại chợ trong bảo dưỡng, lắp đặt và sử dụng các nguồn nguy hiểm cao độ; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết ví dụ như do sét đánh gây ra cháy chập… trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tức là trong trường hợp này, nếu bản thân các hộ kinh doanh tuân thủ đầy đủ các hành vi cần thiết trong phòng, cháy chữa cháy và sử dụng các nguồn nguy hiểm cao độ và không có sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết nào xảy ra thì Ban quản lý chợ, doanh nghiệp kinh doanh chợ phải có trách nhiệm thương lượng, thỏa thuận để bồi thường thỏa đáng cho các hộ kinh doanh bị thiệt hại.
Bởi vậy, về nguyên tắc cần qua quá trình điều tra để xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ hỏa hoạn, thì thời điểm đó mới xác định chính xác trách nhiệm bồi thường thuộc về bên nào.
2. Quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại
Điều 63 Luật phòng cháy chữa cháy năm 2001, sửa đổi bổ sung năm 2013 quy định:
“Điều 63. Xử lý vi phạm
Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy để xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động phòng cháy và chữa cháy mà để xảy ra cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu đơn vị phòng cháy và chữa cháy do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Điều 63
Người đứng đầu đơn vị PCCC do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Do đó, vụ cháy chợ xảy ra do người đứng đầu chưa làm hết trách nhiệm trong việc bảo đảm PCCC thì có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015:
“Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy
Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm: a) Làm chết 02 người; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Làm chết 03 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường dân sự về thiệt hại do lỗi của mình gây ra. Theo đó,
Điều 590 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm như sau:
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại; c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng; c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; d) Thiệt hại khác do luật quy định.
Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.