Khái niệm tội phạm theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành. Tội phạm là gì? Khái niệm về tội phạm? Các quan điểm về tội phạm?
1. Khái niệm tội phạm
Có rất nhiều cách định nghĩa về tội phạm. Khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 định nghĩa về tội phạm như sau:
“Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”
Từ quy định trên, có thể rút ra một định nghĩa ngắn gọn, khái quát thể hiện đầy đủ đặc điểm của tội phạm mà khoa học pháp lý Hình sự thường sử dụng: Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật Hình sự và phải chịu hình phạt.
2. Đặc điểm của tội phạm
2.1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội
Hành vi nguy hiểm cho xã hội có nghĩa là hành vi đó phải gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại đáng kể cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và người thực hiện hành vi đó phải có lỗi. Để xác định tính nguy hiểm cho xã hội thì cần phải căn cứ vào nội dung, tính chất của quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ, tính chất và mức độ lỗi, thủ đoạn, động cơ , mục đích, nhân thân người phạm tội… và đặt những căn cứ này vào mối liên hệ thống nhất với nhau. Đây là dấu hiệu khách quan của tội phạm.
Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác
2.2. Tội phạm là hành vi có lỗi
Dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã bao gồm dấu hiệu lỗi. Nhằm nhấn mạnh lỗi của tội phạm mà pháp luật hình sự Việt Nam đã tách ra thành một đặc điểm của tội phạm. Đây là dấu hiệu chủ quan của tội phạm.
Lỗi được hiểu là trạng thái tâm lý bên trong của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội và đối với hậu quả xảy ra khi thực hiện hành vi đó.Hành vi gây thiệt hại bị coi là có lỗi nếu chủ thể đã lựa chọn, quyết định thực hiện hành vi đó khi đủ điều kiện lựa chọn và quyết định thực hiện hành vi đó khi có điều kiện lựa chọn và quyết định xử sự khác không có hại cho xã hội.
Căn cứ vào mong muốn đối với hậu quả xảy ra của người phạm tội mà lỗi được chia thành: Lỗi cố ý và lỗi vô ý. Lỗi cố ý được chia thành lỗi cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp (Điều 9 Bộ luật Hình sự hiện hành). Lỗi vô ý được chia thành lỗi vô ý do quá tự tin và và vô ý do cẩu thả (Điều 10 Bộ luật Hình sự hiện hành).
2.3. Tội phạm là hành vi trái pháp luật Hình sự
Một hành vi gây nguy hiểm cho xã hội nhưng không đươc quy định trong pháp luật Hình sự thì không được coi là tội phạm. Nói cách khác, chỉ những hành vi làm sai những quy định của pháp luật Hình sự, thỏa mãn những mô tả của pháp luật Hình sự thì mới bị coi là tội phạm. Điều đó có nghĩa Luật Hình sự nghiêm cấm việc áp dụng tương tự pháp luật .Đây là đặc điểm thể hiện tính hình thức pháp luật, được quy định bởi dấu hiệu nội dung của tội phạm là tính nguy hiểm cho xã hội và có lỗi.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2.4. Tội phạm là hành vi phải chịu hình phạt
Đặc điểm trên là hệ quả của việc xác định một hành vi thỏa mãn dấu hiệu nguy hiểm cho xã hội và dấu hiệu lỗi, đồng thời là hậu quả mà người thực hiện hành vi đó phải gánh chịu khi làm trái với quy định của pháp luật Hình sự. Khái niệm hình phạt theo quy định tại Điều 26 Bộ luật Hình sự hiện hành được hiểu là “…biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án quyết định.”
“Phải chịu hình phạt” được hiểu là áp dụng hoặc đe dọa bị áp dụng các hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự chứ không phải trong mọi trường hợp thì tội phạm đều bị áp dụng hình phạt.
3. Phân loại tội phạm
Từ định nghĩa về tội phạm đươc quy định trong Bộ luật Hình sự hiện hành hành trên, khoản 2, khoản 3 Điều 8 phân loại tội phạm như sau:
“2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Ngoài cách phân loại này, con có thể phân loại tội phạm theo các tiêu chí khác, chẳng hạn như: căn cứ vào đặc điểm cấu trúc của cấu thành tội phạm có thể phân tội phạm thành các tội cấu thành tội phạm hình thức và các tội có cấu thành tội phạm vật chất…