Khái niệm, bản chất, đặc điểm của án treo. Vậy án treo là gì? Án treo là phạt tù không giam giữ, là cải tạo không giam giữ hay là một hình phạt độc lập?
Mục lục bài viết
1. Bản chất của án treo:
Nhân đạo luôn là niềm khát vọng của con người cùng với những giá trị xã hội khác như công bằng, bình đẳng, dân chủ, pháp luật … Án treo là chế định hình sự ra đời từ rất sớm, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng và hướng thiện trong đường lối lãnh đạo của Đảng ta. Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài của khoa học hình sự Việt Nam, trong mỗi một giai đoạn lịch sử có rất nhiều quan điểm, nhận thức khác nhau về chế án treo. Tuy có nhiều quan điểm khác nhau nhưng án treo chưa bao giờ được coi là hình phạt trong hệ thống hình phạt ở nước ta.
Theo từ điển Tiếng Việt định nghĩa: “Án treo là án tù không phải thi hành án ngay, nhưng sẽ thi hành ngay nếu trong thời gian quy định người bị kết án lại phạm tội và bị xử án lần nữa”. Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì:
Án treo là chế định pháp lý hình sự liên quan đến việc chấp hành hình phạt. Án treo được hiểu là việc tạm thời miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, hình phạt đối với người vi phạm luật ở mức độ ít nghiêm trọng, khi bị xử phạt tù không quá ba năm, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ (từ 2 tình tiết trở lên), và xét thấy không cần phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội mà vẫn có thể cải tạo được
Theo cuốn từ điển Luật học của Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp thì: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”.
Theo tác giả Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự –
Theo quan điểm của GS.TSKH Lê Văn Cảm: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù kèm theo một thời gian thử thách nhất định đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm khi có đủ căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định.
BLHS năm 2015 không đưa ra khái niệm về án treo mà tại Điều 1 Nghị quyết 02/2018 ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc Hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS đưa ra khái niệm về án treo như sau:
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Từ các quan điểm trên, có thể đưa ra khái niệm về án treo như sau: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá ba năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo họ là nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó.
Một người bị phạt tù được hưởng án treo là khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách. Việc xem xét cho hưởng án treo là một bước của hoạt động quyết định hình phạt, Tòa án quyết định hình phạt đối với người phạm tội khi bị phạt tù từ 3 năm trở xuống, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù thì Tòa án cho hưởng án treo. Vậy, án treo không phải là hình phạt mà là một biện pháp không bắt người phạm tội phải chấp hành hình phạt tù mặc dù họ đã bị xử phạt tù, từ đó cũng đưa ra quy định người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Tòa án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới. Nếu người phạm tội cải tạo tốt mà không phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ không phải chấp hành hình phạt tù mà được miễn chấp hành hình phạt tù. Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo phạm tội mới và bị xét xử thì người đó không được hưởng án treo nữa và phải chấp hành hình phạt đã tuyên. Như vậy, bản chất pháp lý của án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện.
2. Án treo có những đặc điểm cơ bản sau đây:
– Thứ nhất, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Trong các loại hình phạt được quy định tại Điều 32 BLHS không có quy định án treo, như vậy án treo không phải là hình phạt mà chỉ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện. Điều đó có nghĩa là người được hưởng án treo là người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn nhưng được miễn việc chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Người chịu hình phạt tù có thời hạn có thể được hưởng án treo khi đáp ứng được một số điều kiện do pháp luật hình sự quy định. Việc cho người phạm tội hưởng án treo là cho phép họ tự cải tạo mà không phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội dưới sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương để họ tích cực cải tạo và tránh được những hình vi sai trái.
– Thứ hai, án treo là biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù tương đối nhẹ đồng thời là một chế định pháp lý độc lập thể hiện nguyên tắc nhân đạo và phương châm xử lý trong chính sách hình sự của Nhà nước ta là nghiêm trị kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp với giáo dục, thuyết phục.
– Thứ ba, người được hưởng án treo phải tự cải tạo, dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức hoặc chính quyền địa phương trong một thời gian thử thách nhất định do Tòa án ấn định. Thời gian thử thách là khoảng thời gian nhất định do Tòa án ấn định để kiểm tra, đánh giá việc tự cải tạo của người phạm tội. Trong trường hợp người phạm tội không phạm tội mới trong thời gian thử thách và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thì không phải chấp hành hình phạt đã tuyên. Ngược lại, đối với người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách thì Tòa án quyết định buộc chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định của pháp luật.
Như vậy, án treo là một chế định thể hiện tính nhân đạo trong chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta. Nó thể hiện được vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, có tác dụng khuyến khích người bị kết án tự lao động, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội. Với phương châm giáo dục kết hợp với khoan hồng, án treo không buộc người bị kết án phải cách ly khỏi xã hội một thời gian mà tạo điều kiện cho họ được hòa nhập cùng cộng đồng, họ vẫn được làm ăn, sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, theo dõi, giáo dục của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.