Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nó không chỉ đơn thuần chỉ là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước có vai trò quản lí còn là tư liệu sản xuất và là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng của chủ sử dụng đất. Cùng tìm hiểu về quyền sử dụng đất là gì? Đặc điểm, phân loại và bản chất quyền sử dụng đất?
Mục lục bài viết
1. Quyền sử dụng đất là gì?
Đất đai là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nó không chỉ đơn thuần chỉ là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lí mà còn là tư liệu sản xuất và là cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng của chủ sử dụng đất. Đất đai có mặt trong tất cả các lĩnh vực trọng điểm của một quốc gia, là tư liệu sản xuất của các ngành nông và lâm nghiệp, là cơ sở tiến hành mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nhận thức được tầm quan trọng của đất đai, pháp luật các nước đều quy định những vấn đề pháp lý liên quan đến đất đai như quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với đất đai.
Nghiên cứu chế độ sở hữu đất đai của một số nước cho thấy thì hiện nay trên thế giới tồn tại hai chế độ sở hữu đất đai: Đất đai thuộc sở hữu tư nhân như nước Anh, Úc, Đức; đất đai thuộc sở hữu toàn dân như Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam.
Ở Việt Nam, chế độ xác lập quyền sở hữu đối với đất đai được hình thành và phát triển theo tiến trình lịch sử của dân tộc. Trước khi Hiến pháp năm 1980 ra đời, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, chỉ có khái niệm về “quyền sở hữu”. Điều 14 Hiến pháp năm 1959 quy định: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất...” và Thông tư số 48/TTg ngày 03/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “...những người có quyền sở hữu ruộng đất thì vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền năng của mình theo Luật cải cách ruộng đất”.
Ngày 18/12/1980, Hiến pháp năm 1980 được thông qua, một chế độ sở hữu duy nhất đối với đất đai ở nước ta đã được xác lập, đó là chế độ sở hữu toàn dân. Trên cơ sở đó,
Thuật ngữ “Quyền sử dụng đất” tiếp tục được sử dụng trong Hiến pháp năm 2013, Luật đất đai năm 2003 và Luật đất đai năm 2013.
Điều 53 Hiến pháp 2013 quy định: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Điều 54 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo quy định của luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ...”.
Điều 1 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai”. Điều 4 Luật đất đai 2013 quy định cụ thể quyền sở hữu đất đai: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này“.
QSDĐ được hiểu là quyền của chủ thể trong việc chiếm giữ, sử dụng và khai thác các công dụng đối với đất. Cách hiểu này không hẳn là chính xác nhưng xét trong hệ thống pháp luật Việt Nam từ khi Hiến pháp năm 1980 được ban hành cho đến nay, mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật đất đai, pháp luật dân sự nói riêng, khái niệm này vẫn chưa được xây dựng và luật hóa để có thể sử dụng một cách chuẩn xác.
Thực tế hiện nay, QSDĐ đang được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau. Dưới góc độ khoa học pháp lý, QSDĐ là một quyền năng của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Về góc độ này, “QSDĐ là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của đất nước” . Có ý kiến cho rằng khái niệm về QSDĐ như vậy là không đầy đủ khi không bao hàm cả nhu cầu của NSDĐ. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện có thể nhận thấy rằng Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai, không phải là đối tượng trực tiếp sử dụng đất. Thông qua quyền năng là đại diện chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, Nhà nước trao lại QSDĐ cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Nhà nước đã xây dựng và ban hành. Và giá trị cốt lõi cuối cùng là các chủ thể được Nhà nước trao quyền sử dụng đất đều được đáp ứng nhu cầu về sử dụng đất cũng như đem lại cho họ những lợi ích vật chất, lợi ích về tinh thần cụ thể từ quá trình sử dụng đất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế– xã hội chung của đất nước.
Dưới góc độ thực tiễn pháp lý, QSDĐ là một chế định quan trọng của hệ thống pháp luật đất đai, là tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sử dụng đất như: căn cứ phát sinh, cách thức thực hiện quyền, nghĩa vụ; tranh chấp và giải quyết tranh chấp ...
Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra khái niệm về quyền sử dụng đất. Điều 189 Bộ luật dân sự năm 2015 định nghĩa: “Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản”. Tìm hiểu về bản chất pháp lý, quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho... Tuy nhiên, theo quan điểm của đa số các nhà lập pháp, quyền sử dụng đất đai là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Xét về khía cạnh kinh tế, quyền sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng vì nó làm thỏa mãn các nhu cầu và mang lại lợi ích vật chất cho các chủ sử dụng trong quá trình sử dụng đất.
BLDS năm 2015 khi quy định về quyền tài sản: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, QSDĐ và các quyền tài sản khác” đã ghi nhận QSDĐ là một loại quyền tài sản hay nói cách khác QSDĐ là quyền có thể trị giá được bằng tiền. LĐĐ năm 2013 hiện hành cũng không đưa ra khái niệm về QSDĐ mà chỉ định nghĩa về một số thuật ngữ liên quan đến quyền sử dụng đất như: chuyển QSDĐ, giá trị QSDĐ, .... Như vậy, QSDĐ có thể được hiểu là quyền tài sản của chủ thể sử dụng đất thể hiện quyền năng đối với đất đai có thể trị giá bằng tiền và được lưu thông dân sự.
2. Phân loại quyền sử dụng đất:
– Quyền sử dụng đất căn cứ theo chủ thể (là tổ chức, hộ gia đình hay cá nhân): Quyền sử dụng đất lúc này được căn cứ theo ý muốn chủ quan của chủ thể và việc sử dụng đất vào mục đích nào là tùy theo chủ thể quyết định. Những qyết định này cần phải nằm trong giới hạn được cấp có thẩm quyền cho phép.
– Quyền sử dụng đất căn cứ vào khách thể (là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp hay chưa sử dụng):Nghĩa là loại đất này được quy định sử dụng vào mục đích nào thì người sử dụng đất phải làm đúng theo mục đích đó. Nếu có sự thay đổi về mục đích sử dụng thì phải báo cho cơ quan có thẩm quyền và phải được cho phép thì mới thực hiện.
– Quyền sử dụng đất căn cứ vào thời gian.Thời gian sử dụng đất có thể là tạm thời hoặc lâu dài, tùy theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Từ đó quyền sử dụng đất của chủ thể cũng được quyết định là tạm thời hay lâu dài.
– Quyền sử dụng đất căn cứ theo pháp lý.Có nghĩa là cần căn cứ theo quyết định của cấp có thẩm quyền khi giao đất, cho thuê mà xác định mục đích sử dụng và để biết là quyền sử dụng ban đầu của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trực tiếp trong quyết định hay quyền sử dụng đất thứ hai của người được cho thuê lại, thừa kế.
3. Bản chất pháp lý về quyền sử dụng đất:
Quyền sử dụng đất đai là quyền khai thác các thuộc tính có ích của đất đai để phục vụ cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Xét về khía cạnh kinh tế, quyền sử dụng đất có ý nghĩa quan trọng vì nó làm thỏa mãn các nhu cầu và mang lại lợi ích vật chất cho các chủ sử dụng trong quá trình sử dụng đất. Với tư cách đại diện chủ sở hữu đất đai, Nhà nước không trực tiếp sử dụng đất mà giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài nhưng Nhà nước không mất đi quyền sử dụng đất của mình. Bởi vì, Nhà nước thực hiện quy bằng các hình thức chủ yếu sau: Thông qua việc xây dựng, xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phân định mục đích sử dụng cho từng loại đất cụ thể
Thông qua việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất buộc các tổ chức, hộ gia đình cá nhân phải thực hiện trong quá trình sử dụng đất. Điều này có ý nghĩa là thông qua quá trình sử dụng đất của người sử dụng mà các ý tưởng sử dụng đất của Nhà nước sẽ trở thành hiện thực đồng thời, người sử dụng đất trong quá trình sử dụng phải đóng góp một phần lợi ích mà họ thu được từ việc sử dụng đất đai dưới dạng những nghĩa vụ vật chất cho Nhà nước thông qua hình thức như nộp thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền sử dụng đất v.v….
Tìm hiểu về bản chất pháp lý về quyền sử dụng đất thì quyền sử dụng đất là quyền của các chủ thể được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ việc sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê hoặc được chuyển giao từ những chủ thể khác thông qua việc chuyển đổi chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho…từ những chủ thể khác có quyền sử dụng đất.
Thứ nhất, Quyền sử dụng đất là quyền của chủ sở hữu đất đai.
Do tính chất đặc thù của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai thì Nhà nước có đầy đủ ba quyền năng đối với đất đai. Với tư cách là chủ sở hữu, Nhà nước thực hiện chức năng chủ yếu đối với đất đai là chức năng thống nhất quản lý đối với đất đai và chức năng điều phối đối với đất đai. Bên cạnh đó, với tư cách là chủ sở hữu đối với đất đai, Nhà nước còn có đầy đủ ba quyền năng đối với tài sản thuộc sở hữu của mình: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt.
Thứ hai, Quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất đai.
Nhà nước không trực tiếp sử dụng tất cả đất đai trên lãnh thổ, mà Nhà nước trao quyền sử dụng đất lại cho chủ sử dụng đất thông qua hình thức giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thì người sử dụng đất có các quyền như sau:
– Quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất :
Căn cứ theo quy định tại Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013:“ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.“Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do người sử dụng đất đứng tên thì về mặt pháp lí đã được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
– Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất… theo quy định của pháp luật về đất đai.
Căn cứ theo quy định tại Điều 167 Luật Đất đai 2013 “Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này.“Như vậy,người có quyền sử dụng đất nên ngoài các quyền chung của người sử dụng đất, người sử dụng đất còn có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất.
Bên cạnh những quyền lợi nêu trên, người sử dụng đất còn được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất. Hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước về bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp. Được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi dưỡng đất nông nghiệp. Được Nhà nước bảo vệ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình. Khiếu nại, tố cáo khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật đất đai.
Thứ ba, Quyền sử dụng đất là quyền tài sản và được xác định giá trị và được phép chuyển đổi trên thị trường.
Khi quyền sử dụng đất được coi là một loại tài sản, được đưa vào để giao dịch, để kinh doanh thì quyền sử dụng đất lúc này lại trở thành một loại hàng hóa. Hoạt động kinh doanh đối với hàng hóa quyền sử dụng đất này cũng chịu sự điều tiết chung của thị trường. Như vậy, quyền sử dụng đất trở thành một loại hàng hóa theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 105 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Điều 115
Qua những phân tích trên quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa,cụ thể là một trong các loại hàng hóa trong thị trường bất động sản. Giá cả của quyền sử dụng đất được điều tiết bởi cung – cầu của thị trường. Giá trị của quyền sử đất được xác định theo giá đất, phụ thuộc vào loại đất, diện tích, vị trí của mảnh đất.
Như vậy, tìm hiểu về Quyền sử dụng đất có thể được nhìn nhận dưới rất nhiều góc độ, để thấy được bản chất pháp lý của nó. Lựa chọn chế độ sở hữu đất đai nào trong điều kiện nước ta cần phải tính đến các điều kiện cụ thể của đất nước. Pháp luật khi điều chỉnh đối với quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến quyền sử dụng đất cần phải xác định rõ bản chất của quyền sử dụng đất trong từng quan hệ đó như thế nào, từ đó có những cơ chế pháp lý điều chỉnh phù hợp với từng quan hệ cụ thể đó.
4. Đặc điểm của quyền sử dụng đất:
Với ý nghĩa như trên, quyền sử dụng đất có đặc điểm như sau:
– Thứ nhất, quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản
Điều 105 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Điều 115 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”. Như vậy, dưới góc độ này quyền sử dụng đất được coi là một loại quyền tài sản. Loại tài sản này đặc biệt ở chỗ luôn được xác lập trên một tài sản và tài sản này luôn gắn liền với đất đai. Khi Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, thì quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản. Người sử dụng đất có quyền tự mình khai thác công dụng từ đất hoặc được thực hiện các giao dịch đối với quyền sử dụng đất của mình như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, tặng cho quyền sử dụng đất....
– Thứ hai, quyền sử dụng đất là một vật quyền hạn chế, bởi lẽ:
+ Quyền sử dụng đất có đối tượng là vật: Quyền sử dụng đất tồn tại dưới dạng đất đai. Do đặc tính có ích của đất nên mọi hoạt động của con người đều phải thực hiện trên đất và tác động vào đất nên tính chất đối vật của quyền sử dụng đất là không thể phủ nhận.
+ Quyền sử dụng đất do pháp luật quy định: Điều 166 Luật đất đai năm 2013 quy định các quyền năng chung của quyền sử dụng đất bao gồm: Quyền được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình...; những quyền năng riêng phụ thuộc vào từng loại đất cụ thể và hình thức làm phát sinh quyền sử dụng đất như chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất... Đồng thời pháp luật quy định cụ thể về căn cứ, hình thức phát sinh, chấm dứt quyền sử dụng đất.
+ Quyền sử dụng đất có tính hạn chế: Một là, quyền sử dụng đất là quyền phái sinh từ quyền sở hữu toàn dân về đất đai, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân thực hiện trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể bằng các hình thức giao đất, cho thuê đất và công nhận quyền sử dụng đất thì lúc này mới làm phát sinh quyền sử dụng đất của các chủ thể. Nếu như Nhà nước không trao quyền sử dụng đất cho một chủ thể nào đó thì chủ thể này không có quyền sử dụng đất.
Hai là, quyền sở hữu toàn dân về đất đai là quyền độc lập, còn quyền sử dụng đất là quyền phụ thuộc. Quyền sở hữu toàn dân về đất đai là quyền độc lập nên mang tính đầy đủ, trọn vẹn. Nhà nước có toàn quyền trong việc quản lý và sử dụng, định đoạt toàn bộ vốn đất đai trong phạm vi lãnh thổ bằng việc quy định nội dung của quyền sử dụng đất, quyết định trao quyền sử dụng đất cho các chủ thể, có quyền thu hồi lại quyền sử dụng đất đã trao... Đồng thời, quyền sở hữu toàn dân về đất đai chỉ duy nhất do Nhà nước làm đại diện thực hiện mà không có bất kỳ một chủ thể nào khác được phép thực hiện.
Trong khi đó, quyền sử dụng đất bị hạn chế về rất nhiều nội dung như không phải chủ thể nào có quyền sử dụng đất cũng có đầy đủ các quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; khi được Nhà nước trao quyền sử dụng đất phải sử dụng đúng mục đích đất, không được tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất...
Ba là, quyền sở hữu toàn dân về đất đai có tính vĩnh viễn, trong khi đó quyền sử dụng đất thì không. Tính vĩnh viễn của quyền sở hữu toàn dân về đất đai là không bị giới hạn về mặt thời gian, còn quyền sử dụng đất lại bị giới hạn trong thời hạn sử dụng đất đối với từng loại đất cụ thể như thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước cho thuê là không quá 50 năm... khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được Nhà nước gia hạn thì quyền sử dụng đất của các chủ thể bị chấm dứt.