Khách thuê xe mang đi cầm cố rồi bỏ trốn thì xử lý như thế nào? Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xử lý như thế nào?
Khách thuê xe mang đi cầm cố rồi bỏ trốn thì xử lý như thế nào? Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Nhà tôi làm dịch vụ cho thuê xe tự lái,khách đến thuê xe và đã mang đi cầm cố,hiện tại đã bỏ trốn và tôi cũng không tìm được xe,xin luật sư giúp tôi cách giải quyết và nên làm như thế nào?tôi xin cảm ơn!?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 480. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, còn bên thuê phải trả tiền thuê.
Điều 482. Thời hạn thuê
1. Thời hạn thuê do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì được xác định theo mục đích thuê.
2. Trong trường hợp các bên không thoả thuận về thời hạn thuê hoặc thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì hợp đồng thuê hết thời hạn khi bên thuê đã đạt được mục đích thuê.”
Như bạn trình bày thì giữa bạn và người khách đã xác lập hợp đồng thuê ô tô tự lái, về thời hạn sẽ do hai bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê. Trong quá trình thuê thì bên thuê phải có nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê theo Điều 487 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 487. Nghĩa vụ bảo quản tài sản thuê
1. Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê như tài sản của chính mình, phải bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ; nếu làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường.
Bên thuê không chịu trách nhiệm về những hao mòn tự nhiên do sử dụng tài sản thuê.
2. Bên thuê có thể tu sửa và làm tăng giá trị tài sản thuê, nếu được bên cho thuê đồng ý và có quyền yêu cầu bên cho thuê thanh toán chi phí hợp lý.”
Sau khi hết thời hạn thuê hoặc theo thỏa thuận của các bên về việc chấm dứt hợp đồng thuê tài sản thì bên thuê có trách nhiệm phải trả lại tài sản thuê theo Điều 490 Bộ luật dân sự 2005 quy định như sau:
“Điều 490. Trả lại tài sản thuê
1. Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên hoặc theo đúng như tình trạng đã thoả thuận; nếu giá trị của tài sản thuê bị giảm sút so với tình trạng khi nhận thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ hao mòn tự nhiên.
2. Trong trường hợp tài sản thuê là động sản thì địa điểm trả lại tài sản thuê là nơi cư trú hoặc trụ sở của bên cho thuê, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
3. Trong trường hợp tài sản thuê là gia súc, bên thuê phải trả lại gia súc đã thuê và cả gia súc được sinh ra trong thời gian thuê, nếu không có thoả thuận khác. Bên cho thuê phải thanh toán chi phí chăm sóc gia súc được sinh ra cho bên thuê.
4. Khi bên thuê chậm trả tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền yêu cầu bên thuê trả lại tài sản thuê và trả tiền thuê trong thời gian chậm trả và phải bồi thường thiệt hại; bên thuê phải trả tiền phạt vi phạm do chậm trả tài sản thuê, nếu có thoả thuận.
5. Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả.”
Theo bạn trình bày thì được hiểu là đến thời hạn trả lại xe nhưng người khách không đến trả, bạn có thông tin người đó mang đi cầm cố xe và bỏ trốn nên trong trường hợp này gia đình bạn có thể gửi đơn, kèm theo tài liệu chứng cứ lên cơ quan công an cấp huyện nơi người khách đó cư trú. Hành vi của người khách trong trường hợp này sẽ tùy thuộc vào hành vi, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
"Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
… "
Yếu tố cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản như sau:
– Chủ thể: là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 12 Bộ luật hình sự 1999, và không mắc bệnh tâm thần hoặc các bệnh khác làm mất hoặc hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi.
– Khách thể: Quan hệ sở hữu: Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu thêm trách nhiệm hình sự về tội khác.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Thủ đoạn gian dối ở đây là đưa ra những thông tin không đúng sự thật để đánh lừa người khác. Hành vi này có thể thông qua lời nói; xuất trình giấy tờ giả mạo; giả danh cán bộ; giả danh tổ chức ký kết hợp đồng.
Lưu ý: Gian dối là đặc trưng của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng không phải mọi hành vi gian dối đếu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
+ Hậu quả: Người phạm tội đã chiếm được tài sản (hoặc giữ được tài sản trong trường hợp dùng thủ đoạn gian dối trao tài sản nhưng lại không trao).
– Mặt chủ quan của tội phạm
+ Lỗi cố ý
+ Mục đích: chiếm đoạt tài sản; thực hiện được thủ đoạn gian dối (mong muốn người khác tin mình).
Như vậy, hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi cung cấp thông tin gian dối làm cho người khác tin đó là sự thật, giao tài sản cho người phạm tội chiếm đoạt tài sản. Mục đích chiếm đoạt có trước khi người phạm tội có được tài sản chiếm đoạt từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Trong trường hợp của bạn nếu người khách đó ngay từ đầu có hành vi cung cấp thông tin cá nhân, tài liệu giả nhằm lừa dối bạn, có mục đích chiếm đoạt xe ô tô tự lái trước khi được bạn giao xe cho họ thì người khách đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiểm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
"Điều 140 . Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau:
1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;
b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
… "
Các yếu tố cấu thành Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản:
– Chủ thể
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 1, 2 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 16 tuổi phải chịutrách nhiệm hình sự
+ Phạm tội trong trường hợp quy định tại Khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 thì người phạm tội phải đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự
– Khách thể: Quan hệ sở hữu: Nếu sau khi chiếm đoạt tài sản, người phạm tội bị đuổi bắt có hành vi chống trả để tẩu thoát gây chết hoặc làm bị thương người khác thì có thể bị truy cứu them trách nhiệm hình sự về tội khác.
– Mặt khách quan của tội phạm:
+ Hành vi: bao gồm các giai đoạn:
+) Người phạm tội có được tài sản một cách hợp pháp thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc hợp đồng khác
+) Sau khi có được tài sản, người phạm tội không thực hiện như cam kết trong hợp đồng, sử dụng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
+ Hậu quả: người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản, hoặc đã bỏ trốn, hoặc không còn khả năng trả lại tài sản.
Người phạm tội chiếm đoạt được tài sản có giá trị từ 4 triệu đồng trở lên, nếu tài sản có giá trị dưới 4 triệu đồng thì phải kèm theo điều kiện gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm mới thì mới cấu thành tội phạm.
– Mặt chủ quan của tội phạm:
+ Lỗi cố ý
+ Mục đích: chiếm đoạt tài sản
Hành vi Tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản là hành vi có được tài sản thông qua giao dịch hợp pháp rồi sau đó dùng dủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Mục đích chiếm đoạt có sau khi người phạm tội nhận được tài sản chiếm đoạt từ chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản.
Trong trường hợp của bạn, người khách đó thông qua hợp đồng thuê xe ô tô tự lái với bạn một cách hợp pháp rồi sau đó bỏ trốn nhằm chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản đó một cách bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại thì người khách đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự sửa đổi 2009.
Như vậy, đối với trường hợp của bạn để đảm bảo quyền lợi nên gia đình bạn gửi đơn tố cáo và kèm theo tài liệu chứng cứ (hợp đồng thuê xe ô tô, các giấy tờ khác…) lên cơ quan công an cấp huyện nơi người khách đó cư trú.