Kết thúc điều tra là gì? Phục hồi điều tra là gì? Quy định về kết thúc điều tra và phục hồi điều tra?
Điều tra là hoạt động tố tụng hình sự do người và cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ làm cơ sở cho việc truy cứu hay không truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết thúc điều tra là giai đoạn cuối của quá trình điều tra mà kết quả của nó là bản kết luận điều tra sau đó chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để Viện truy tố và cũng có những trường hợp sau khi đình chỉ điều tra phải phực hồi điều tra. Cùng Luật Đương Gia tìm hiểu về kết thúc điều tra và phục hồi điều tra theo quy định của Luật hiện hành.
Cơ sở pháp lý:
–
1. Kết thúc điều tra là gì?
Kết thúc điều tra là một giai đoạn của hoạt động điều tra mà nội dung của nó bao gồm một chuỗi hoạt động tố tụng được các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền tố tụng thực hiện nhằm chấm dứt các hoạt động được quy định trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 liên quan đến thu thập tài liệu chứng cứ về vụ án hình sự đã được khởi tố, đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc đã được điều tra bằng bản kết luận điều tra và triển khai trên thực tế văn bản đó.
2. Phục hồi điều tra là gì?
Phục hồi điều tra là việc điều tra tiếp tục vụ án hoặc bị can đã bị tạm đình chỉ hoặc đình chỉ điều tra theo căn cứ tại điều 235 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
3. Quy định về kết thúc điều tra và phục hồi điều tra theo Bộ luật tố tụng hình sự?
3.1. Quy định về kết thúc điều tra
Theo quy định tại Điều 232 – Bộ luật tố tụng hình sự 2015 về kết thúc điều tra như sau:
– Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra.
– Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
– Bản kết luận điều tra ghi rõ ngày, tháng, năm; họ tên, chức vụ và chữ ký của người ra kết luận.
– Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra bản kết luận điều tra, Cơ quan điều tra phải giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc bản kết luận điều tra kèm theo quyết định đình chỉ điều tra cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho bị can hoặc người đại diện của bị can; gửi bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc quyết định đình chỉ điều tra cho người bào chữa;
Giai đoạn kết thúc điều tra được bắt đầu từ khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và kết thúc khi Viện Kiểm sát trả lại hồ sơ vụ án cho Cơ quan điều tra để giải quyết theo thẩm quyền (trong trường hợp đình chỉ điều tra); hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra và ra quyết định truy tố (trong trường hợp quyết định đình chỉ điều tra không có căn cứ và có căn cứ để truy tố bị can). Trong trường hợp bị can đã chết, hoặc không xác định được bị can ở đâu thì giai đoạn kết thúc điều tra chấm dứt khi Viện kiểm sát nhận được bản kết luận điều tra.
Căn cứ theo Bộ luật tố tụng hình sự 2015 thì:
– Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra phải ra bản kết luận điều tra
Kết thúc điều tra đưa ra bản kết luận điều tra là quá trình điều tra vụ án đã đi đến chứng minh một cách có căn cứ các tình tiết khẳng định rõ hành vi xảy ra mang đầy đủ những dấu hiệu của những tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS và người đã thực hiện hành vi phạm tội đó phải chịu trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó Cơ quan điều tra kết luận và đề nghị Viện Kiểm sát truy tố tội phạm và người phạm tội.
– Việc điều tra kết thúc khi Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố hoặc ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.
Kết túc điều tra ra bản kết luận điều tra đề nghị truy tố là trường hợp mà quá trình điều tra vụ án đã đi đến chứng minh một cách có căn cứ rằng không có tội phạm xảy ra hoặc hành vi xảy ra không đủ những dấu hiệu của những tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS và người đã thực hiện hành vi đó không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trên cơ sở đó Cơ quan điều tra quyết định đình chỉ điều tra.
Bản kết luận điều tra phải ghi rõ những biện pháp ngăn chặn đã và đang được áp dụng; ghi rõ thời gian tạm giữ, tạm giam, vật chứng đã thu giữ, nơi bảo quản và các bút lục phản ánh những điều đó và phải ghi rõ đã đình chỉ hay tạm đình chỉ đối với bị can nào. Đồng thời cũng phải ghi rõ các yêu cầu về bồi thường thiệt hại, những biện pháp đã áp dụng để bảo đảm bổi thường vật chất; bảo đảm phạt tiền, tịch thu tài sản.
3.2. Quy định về phục hồi điều tra
Căn cứ của việc phục hồi điều tra:
Phục hồi điều tra là một giai đoạn đặc biệt của quá trình điều tra vụ án hình sự. Giai đoạn phục hồi điều tra chỉ xuất hiện khi phát hiện, xuất hiện những tình tiết đặc biệt và trước đó cuộc điều tra đã được tạm đình chỉ hoặc đình chỉ do hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm. Phục hồi điều tra là một giai đoạn của quá trình điều tra bởi vì những trình tự, thủ tục và thẩm quyền cũng như các vấn đề khác có liên quan vẫn rất đặc trưng cho giai đoạn điều tra, nhằm mục đích phát hiện thu thập, củng cố các tài liệu có giá trị chứng cứ để làm rõ chân lý khách quan về vụ án
Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định thì, thì phục hồi điều tra được thực hiện khi:
Khi có lý do để hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định tạm đình chỉ điều tra thì Cơ quan điều tra ra quyết định phục hồi điều tra, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu việc điều tra bị đình chỉ theo quy định tại Khoản 5 và Khoản 6 Điều 157 của Bộ luật này mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát cùng cấp ra quyết định phục hồi điều tra. Cụ thể là trường hợp đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và tội phạm đã được đại xá;
“Điều 157. Căn cứ không khởi tố vụ án hình sự
Không được khởi tố vụ án hình sự khi có một trong các căn cứ sau:
1. Không có sự việc phạm tội;
2. Hành vi không cấu thành tội phạm;
3. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4. Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5. Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6. Tội phạm đã được đại xá;
7. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác;
8. Tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.”
Trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định phục hồi điều tra, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định này cho Viện kiểm sát cùng cấp, bị can, người bào chữa hoặc người đại diện của bị can; thông báo cho bị hại, đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Trả hồ sơ điều tra bổ sung
Một vụ án được quyết định điều tra bổ sung khi có các căn cứ xác định rằng việc trả hồ sơ và điều tra bổ sung vụ án là cần thiết để kết quả giải quyết vụ án hình sự được chính xác, khách quan nhất
Viện kiểm sát sẽ ra quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu Cơ quan điều tra điều tra bổ sung khi thuộc một trong các trường hợp:
– Còn thiếu chứng cứ để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 của Bộ luật này mà Viện kiểm sát không thể tự mình bổ sung được;
– Có căn cứ khởi tố bị can về một hay nhiều tội phạm khác;
– Có người đồng phạm hoặc người phạm tội khác liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố bị can;
– Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Quyết định trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung phải ghi rõ vấn đề cần điều tra bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 245 và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015
Thẩm quyền điều tra
Về nguyên tắc thì thẩm quyền ra quyết định phục hồi điều tra thuộc Cơ quan điều tra. Nhưng theo quy định tại khoản 2 của Điều 235 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu việc điều tra trước đây bị đình chỉ dựa trên các căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự (đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá, theo quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 157 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015) mà bị can không đồng ý và yêu cầu điều tra lại thì Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát cùng cấp đều có quyền ra quyết định phục hồi điều tra.
Trên đây là bài viết tham khảo về những quy định của pháp luật liên quan đến giai đoạn kết thúc điều tra, phục hồi điều tra thuộc hoạt động điều tra trong tó tụng hình sự mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc!