Hướng về cơ sở được hiểu là việc các cơ quan hành chính Nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lý.
Hướng về cơ sở được hiểu là việc các cơ quan hành chính Nhà nước mở rộng dân chủ trên cơ sở quản lý tập trung đối với hoạt động của toàn bộ hệ thống các đơn vị kinh tế, văn hóa, xã hội trực thuộc. Đây là biểu hiện thể hiện rõ nét yếu tố dân chủ trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Các đơn vị cơ sở của bộ máy hành chính Nhà nước là nơi tạo ra của cải vật chất trực tiếp phục vụ đời sống nhân dân. Vì thế Nhà nước cần có các chính sách quản lý thống nhất và chặt chẽ, cung cấp và giúp đỡ về vật chất nhằm tạo điều kiện để đơn vị cơ sở hoạt động có hiệu quả. Có như vậy hoạt động của các đơn vị này mới phát triển một cách mạnh mẽ theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Ðây cũng chính là việc thực hiện "dân là gốc" trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Các đơn vị kinh tế được Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu các tài sản hợp pháp, có quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh, đồng thời cũng được Nhà nước hướng dẫn, giúp đỡ về vật chất, tinh thần nhằm tạo ra những điều kiện tốt nhất để các đơn vị này hoạt động có hiệu quả.
Nhà nước có các chính sách và biện pháp quản lý một cách thống nhất và chặt chẽ tổ chức và hoạt động của hệ thống các đơn vị cơ sở. Một số biện pháp đã được đưa ra như:
Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ cơ sở. Theo đó, các cơ quan cấp trên cần có sự trao đổi thông tin, kế hoạch cụ thể để không trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giúp đỡ chính quyền cơ sở. Trong trường hợp cần thiết có thể kết hợp liên ngành để việc giúp đỡ đạt hiệu quả tốt nhất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, cần phân công cụ thể từng nhóm các ban, ngành, đoàn thể để giúp đỡ từng địa phương cơ sở cụ thể. Ví dụ, ở tỉnh Kon Tum, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết phân công cụ thể các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện giúp đỡ, xây dựng đối với từng xã, thôn cụ thể. Việc làm này đã mang lại kết quả rất khả quan, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Thứ ba, khi hướng hoạt động của mình về cơ sở các cấp, các ngành cần khảo sát, nắm bắt tình hình, đặc điểm của cơ sở để đưa ra được các kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm giúp đỡ chính quyền và nhân dân ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ tư, cần có tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động hướng về cơ sở của từng cơ quan, đơn vị nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị làm chưa tốt. Bên cạnh đó, cần rút ra được bài học kinh nghiệm nhằm làm cơ sở cho việc triển khai có hiệu quả công tác giúp đỡ chính quyền cơ sở về sau.
Để chủ trương hướng hoạt động về cơ sở, phục vụ cơ sở của Đảng và Nhà nước đạt kết quả cao nhất, các cấp, các ngành cần triển khai các hoạt động của mình đi vào thực chất, thiết thực, tránh cách làm máy móc, hình thức, đối phó ở một số địa phương như hiện nay.