Bộ xây dựng ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BXD quy định chi tiết hướng dẫn về việc xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
1. Xác định chi phí đầu tư xây dựng:
1.1. Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng:
Thứ nhất, việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng sẽ tính như sau:
– Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng được hiểu là ước tính chi phí đầu tư xây dựng của dự án trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, nội dung bao gồm các tiêu chí sau:
+ Chi phí xây dựng.
+ Chi phí bồi thường.
+ Hỗ trợ và tái định cư.
+ Chi phí thiết bị.
+ Chi phí quản lý dự án.
+ Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
+ Chi phí dự phòng.
+ Chi phí khác.
– Căn cứ để xác định sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng tính trên quy mô nhỏ, công suất cũng như năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án; suất vốn đầu tư xây dựng;…
Lưu ý: với trường hợp chưa có dữ liệu suất vốn đầu tư xây dựng được công bố, việc tính sơ bộ tổng mức đầu tư sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu chi phí của các dự án tương tự đã thực hiện.
Thứ hai, xác định tổng mức đầu tư xây dựng theo các phương pháp gồm:
– Phương pháp xác định theo suất vốn đầu tư xây dựng:
+ Xác định căn cứ vào cơ sở khối lượng, diện tích, công suất hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và suất vốn đầu tư xây dựng tương ứng được công bố phù hợp với loại và cấp công trình.
+ Tại thời điểm lập vốn đầu tư xây dựng có sự đánh giá, tính toán về thời điểm.
– Phương pháp xác định từ dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện:
+ Xác định căn cứ vào cơ sở khối lượng, diện tích, công suất.
+ Hoặc năng lực phục vụ theo thiết kế cơ sở và dữ liệu về chi phí của các dự án, công trình tương tự đã thực hiện có cùng loại, cấp công trình, quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ.
– Phương pháp xác định từ khối lượng xây dựng tính theo thiết kế cơ sở và các yêu cầu cần thiết khác của dự án: đối với dự án, công trình có thiết kế cơ sở đủ điều kiện để xác định khối lượng các công tác, nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu, bộ phận công trình và giá xây dựng công trình tương ứng thì đây là phương pháp xác định cơ bản. Khi đó việc xác định như sau:
+ Với chi phí xây dựng: dựa trên cơ sở khối lượng công việc; nhóm, loại công tác xây dựng, đơn vị kết cấu hay bộ phận công trình; giá xây dựng công trình tương ứng.
+ Với chi phí thiết bị: dựa trên hệ thống thiết bị theo phương án công nghệ, kỹ thuật, thiết bị được lựa chọn hoặc cơ sở khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị; giá mua thiết bị phù hợp,… để xác định.
+ Với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: dựa trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án kèm theo quy định, chính sách của Nhà nước.
+ Với chi phí tư vấn đầu tư xây dựng: xác định theo quy định.
+ Với chi phí quản lý dự án: xác định theo quy định.
+ Các chi phí khác: dựa trên mức tỷ lệ phần trăm (%) hoặc bằng phương pháp lập dự toán.
– Hoặc kết hợp cả 03 phương pháp trên.
1.2. Xác định dự toán xây dựng công trình:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 11/2021/TT-BXD và khoản 2 Điều 12 Nghị định 10/2021/NĐ-CP, chi phí dự toán xây dựng công trình được xác định như sau:
* Cơ sở xác định:
+ Khối lượng tính toán từ thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở.
+ Trường hợp dự án chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng thì dựa trên thiết kế bản vẽ thi công.
+ Các chỉ dẫn kỹ thuật.
+ Kế hoạch thực hiện của công trình.
+ Điều kiện thi công.
+ Biện pháp thi công của công trình.
* Các khoản chi phí trong dự toán xây dựng bao gồm:
– Chi phí xây dựng:
+ Chi phí trực tiếp: chi phí nhân công, chi phí máy, thiết bị thi công hay vật liệu.
+ Chi phí gián tiếp: ví dụ như chi phí nhà tạm để ở và điều hành thi công; hoặc các chi phí cho những công việc không xác định rõ khối lượng từ thiết kế.
– Chi phí thiết bị:
+ Chi phí mua sắm thiết bị: tính trên khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị từ thiết kế.
+ Khoản chi phí gia công, chế tạo thiết bị.
+ Các khoản chi phí còn lại.
– Chi phí quản lý.
– Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng.
– Khoản chi phí dự phòng; gồm phát sinh đối với khối lượng, công việc hay các yếu tố trượt giá.
– Các chi phí khác.
2. Quản lý chi phí đầu tư xây dựng:
2.1. Quản lý giá xây dựng:
Việc công bố, quản lý giá xây dựng được quy định tại Điều 8 Thông tư 11/2021/TT-BXD, cụ thể như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình: đây được coi là cơ sở xác định cũng như nhằm để quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình trên phạm vi địa bàn tỉnh.
Căn cứ, cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố đơn giá xây dựng công trình là dựa vào định mức xây dựng do cơ quan có thẩm quyền ban hành cũng như giá các yếu tố chi phí theo quy định gồm giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công.
– Sở Xây dựng công bố định kỳ giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng.
2.2. Quản lý giá vật liệu xây dựng:
Trách nhiệm do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, xác định giá vật liệu xây dựng trên địa bàn và sau đó thực hiện công bố theo mẫu quy định.
Sau khi thực hiện công bố sẽ phải gửi kết quả công bố về Bộ Xây dựng để theo dõi, quản lý kèm theo tệp dữ liệu điện tử nhằm mục đích cập nhật và hệ thống dữ liệu.
Lưu ý: giá vật liệu xây dựng sẽ phải được công bố một cách phù hợp với giá thị trường cũng như tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, khả năng và phạm vi cung ứng vật liệu tại thời điểm công bố.
Danh mục vật liệu xây dựng công bố được lựa chọn trên cơ sở danh mục vật liệu xây dựng có trong hệ thống định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành và danh mục vật liệu xây dựng có trên thị trường.
2.3. Quản lý đơn giá nhân công xây dựng:
Trách nhiệm do Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện.
Ngoài ra có thể thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, tham khảo khung đơn giá nhân công xây dựng và thực hiện công bố theo mẫu.
Sau khi khảo sát và công bố thì phải gửi kết quả công bố về Bộ Xây dựng nhằm mục đích để theo dõi, quản lý.
Đơn giá nhân công xây dựng khi công bố phải đảm bảo phù hợp với giá nhân công xây dựng trên thị trường lao động của địa phương; đồng thời phù hợp với tính chất công việc cũng như đặc điểm của nhân công.
Đơn giá khi công bố lưu ý phải bao gồm lương, phụ cấp lương theo đặc điểm tính chất của sản xuất xây dựng, đồng thời kèm theo số khoản chi phí thuộc trách nhiệm của người lao động phải trả theo quy định.
Người sử dụng lao động cũng cần lưu ý các khoản phải trả như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…
Về ngày công trong đơn giá của công nhân theo tiêu chuẩn là 8 giờ/ngày, 25 ngày công/ tháng.
Một lưu ý khác là đơn giá nhân công xây dựng sẽ phải được công bố theo năm trước ngày 15 tháng một năm sau.
2.4. Quản lý giá ca máy và thiết bị thi công:
Trách nhiệm của Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan. Trường hợp cần thiết thì được thuê tư vấn có đủ điều kiện năng lực thực hiện khảo sát, thu thập thông tin, sau đó thực hiện công bố, gửi kết quả đến Bộ xây dựng để theo dõi.
Giá ca máy và thiết bị thi công công bố phải phù hợp với chủng loại, công suất, các chỉ tiêu kỹ thuật chủ yếu và đặc điểm, tính chất của từng loại máy, thiết bị.
Giá ca máy và thiết bị thi công sẽ được xác định cho 1 ca làm việc tiêu chuẩn là 8 giờ/ngày.
Giá ca máy và thiết bị thi công sẽ phải bao gồm những chi phí như chi phí khấu hao, chi phí nhiên liệu, năng lượng, chi phí sửa chữa, chi phí nhân công điều khiển,…
Cũng giống như chi phí đơn giá nhân công xây dựng, chi phí ca máy và thiết bị thi công cũng được công bố vào trước ngày 15 tháng một năm sau.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Thông tư số 11/2021/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.