Hướng dẫn số 09 –HD/UBKTTW ngày 06 tháng 06 năm 2013 chi tiết Quyết định 181-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH SỐ 181- QĐ/TW NGÀY 30-3-2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN VI PHẠM
Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI;
Căn cứ Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm;
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn cụ thể một số điều của Quy định như sau:
I. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ
Ngoài những nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 5 trong Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30-3-2013 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người đứng đầu là người chịu trách nhiệm cao nhất trong các tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đó theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đối với các tổ chức hoạt động theo cơ chế tập thể, biểu quyết theo đa số (Ủy ban, Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý… ) thì Chủ tịch được coi như là người đứng đầu, Phó Chủ tịch (chuyên trách hoặc không chuyên trách) được coi như là cấp phó của người đứng đầu.
2. Cấp phó của người đứng đầu là người được phân công giúp người đứng đầu phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu về chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Cán bộ dưới quyền (mà người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới) là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang ở trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mà đảng viên đó là cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp ủy viên được phân công trực tiếp phụ trách.
4. Trách nhiệm của đảng viên:
a) Trách nhiệm trực tiếp: là trách nhiệm đối với hành vi của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phụ trách, tổ chức thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
b) Trách nhiệm liên đới: là trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoặc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp phụ trách hoặc khi cán bộ dưới quyền trực tiếp quản lý, phụ trách vi phạm.
5. Thiếu trách nhiệm: là việc đảng viên thực hiện không đầy đủ, không đúng chức trách, nhiệm vụ; không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, thời hạn theo quy định.
6. Trách nhiệm hình sự: là trách nhiệm của người phạm tội phải chịu sự tác động của các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, chịu các hình phạt do Bộ Luật Hình sự quy định.
II. VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi, đối tượng (Điều 1 của Quy định)
Về Khoản 2, Điều 1:
Đảng viên vi phạm trước đây, nhưng sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này.
– Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng khác (do thay đổi vị trí công tác, nghỉ việc, nghỉ hưu) mới phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
– Khi tổ chức đảng có thẩm quyền đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm công tác, sinh hoạt bị giải thể hoặc sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền tiếp tục xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
– Đối với đảng viên là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu có vi phạm kỷ luật khi đang công tác, nay mới phát hiện thì thẩm quyền thi hành kỷ luật được thực hiện như đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đang đương chức; vi phạm kỷ luật khi đã nghỉ hưu thì việc xử lý kỷ luật theo phân cấp quản lý đối với cán bộ đã thôi giữ chức vụ hoặc đã nghỉ hưu theo quy định của Bộ Chính trị và cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2 của Quy định)
a) Về Khoản 2, Điều 2:
Việc thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm phải thực hiện đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục và đúng thẩm quyền theo quy định của Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
– Về phương hướng xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm:
+ Việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải được các cấp ủy lãnh đạo chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng, không xử lý kỷ luật tràn lan. Việc thi hành kỷ luật cần tập trung vào những vi phạm như suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; vi phạm quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng; về chấp hành nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, trước hết là nguyên tắc tập trung dân chủ.
+ Đảng viên ở bất kỳ cương vị nào, nếu vi phạm một trong những nội dung trên đều phải được xem xét, kết luận, xử lý nghiêm minh. Đối với những vi phạm khác cần quan tâm giúp đỡ để đảng viên sửa chữa; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải xem xét, thi hành kỷ luật kịp thời, nghiêm minh để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm.
– Về phương châm thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm:
+ Đảng viên vi phạm kỷ luật phải xử lý công minh, chính xác, kịp thời.
+ Việc xử lý kỷ luật phải đúng người vi phạm, đúng nội dung vi phạm. Khắc phục tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, các biểu hiện lệch lạc, hiện tượng tiêu cực trong xem xét, xử lý kỷ luật.
+ Việc xem xét, xử lý kỷ luật phải khẩn trương, không để chậm trễ, kéo dài, gây khó khăn cho việc thẩm tra, xác minh, kết luận, xử lý. Khi tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kỷ luật phải công bố và trao quyết định đó cho đảng viên vi phạm và tổ chức đảng quản lý đảng viên vi phạm, không được trì hoãn.
+ Đảng viên là người dân tộc thiểu số đang công tác, sinh hoạt ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn, đảng viên theo tôn giáo vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì tùy theo tình hình thực tế mà áp dụng xử lý kỷ luật cho phù hợp.
– Về thủ tục thi hành kỷ luật đảng viên vi phạm:
Thi hành kỷ luật đối với đảng viên, phải thực hiện đúng các thủ tục sau đây:
+ Đảng viên vi phạm kỷ luật phải được kiểm điểm trước chi bộ, tự nhận hình thức kỷ luật và biểu quyết về hình thức kỷ luật đối với mình. Trường hợp có đầy đủ bằng chứng, nếu đảng viên vi phạm từ chối kiểm điểm hoặc đang bị tạm giam, thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiến hành xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp cần thiết, cấp ủy và ủy ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, xử lý kỷ luật.
+ Chi bộ hoặc cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hướng dẫn đảng viên vi phạm kỷ luật chuẩn bị
+ Đảng viên vi phạm là cấp ủy viên hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý cùng với việc kiểm điểm ở chi bộ còn phải kiểm điểm ở những tổ chức đảng nào nữa thì do cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên đó quyết định. Trường hợp đặc biệt (đảng viên vi phạm khi thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao hoặc nội dung vi phạm liên quan đến bí mật của Đảng và Nhà nước mà chi bộ không biết, hoặc đảng viên vi phạm trong cùng một vụ việc có liên quan đến nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp) thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra có thẩm quyền trực tiếp xem xét, quyết định kỷ luật, không cần yêu cầu đảng viên đó phải kiểm điểm trước chi bộ.
+ Trước khi quyết định kỷ luật, đại diện tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm trình bày ý kiến và ý kiến này được báo cáo đầy đủ (cùng với
+ Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền nghe đảng viên vi phạm bị kỷ luật trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật, có thể tiến hành ngay trong cuộc họp xem xét, xử lý kỷ luật hoặc trước khi tổ chức cuộc họp đó. Những ý kiến của đảng viên trình bày phải được báo cáo trước hội nghị xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên. Trường hợp đảng viên vi phạm kỷ luật không đến được thì phải có báo cáo bằng văn bản để lưu vào hồ sơ kỷ luật.
+ Đảng viên có quyền và trách nhiệm trình bày ý kiến của mình với tổ chức đảng có thẩm quyền trước khi bị thi hành kỷ luật. Tổ chức đảng có thẩm quyền phải mời đảng viên vi phạm đến trình bày ý kiến trước khi quyết định kỷ luật; nếu vì lý do nào đó mà đảng viên vi phạm không trực tiếp đến để trình bày ý kiến với tổ chức đảng có thẩm quyền được thì phải báo cáo bằng văn bản cho tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, lưu vào hồ sơ kỷ luật. Nếu đảng viên cố tình không đến, hoặc không có báo cáo bằng văn bản thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn xem xét, xử lý kỷ luật.