Tặng cho là một trong những giao dịch trên thực tế hiện nay đang xảy ra nhiều tranh chấp và vướng mắc. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn giải quyết tranh chấp về hợp đồng tặng cho:
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp về hợp đồng tặng cho:
Tặng cho tài sản là một trong những giao dịch dân sự phổ biến diễn ra trong đời sống xã hội. Theo quy định của pháp luật, việc tặng cho tài sản có thể bằng hình thức hợp đồng hoặc bằng hành vi pháp lý đơn phương và từ đó làm phát sinh quyền, nghĩa vụ dân sự đối với bên tặng cho tài sản và bên nhận tặng cho tài sản.
Tài sản ở đây có thể là động sản hoặc bất động sản. Và Hợp đồng tặng cho tài sản cũng gồm tặng cho có điều kiện và không có điều kiện.
Khi xảy ra tranh chấp giữa hợp đồng tặng cho, ban đầu bao giờ cũng phải xác minh được nguyên nhân việc xảy ra tranh chấp đó là gì?
Phương án 01: Lựa chọn phương thức hòa giải, thương lượng:
Khi xảy ra tranh chấp, bao giờ cũng sẽ luôn ưu tiên sự hòa giải, thương lượng của đôi bên. Việc này sẽ giúp tiết kiệm chi phí cũng như thời gian của các bên. Có những hợp đồng tặng cho chủ thể là những người thân thích trong gia đình, việc hòa giải, thương lượng này cũng giúp đảm bảo tình cảm giữa các bên.
Phương án 02: Tiến hành thủ tục khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền:
Trường hợp nếu như các bên không thể tự tiến hành hòa giải với nhau thì sẽ phải nhờ đến pháp luật can thiệp, cụ thể là làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện:
Hồ sơ khởi kiện vụ án tranh chấp hợp đồng tặng cho bao gồm:
– Đơn khởi kiện đảm bảo có đầy đủ các nội dung cơ bản sau:
+ Thời gian làm đơn khởi kiện: ngày, tháng, năm.
+ Thông tin nơi Tòa án tiếp nhận đơn khởi kiện.
+ Thông tin của người làm đơn: gồm họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên lạc;…
+ Thông tin của người bị kiện gồm: họ và tên; ngày tháng năm sinh; địa chỉ liên lạc;…
+ Trình bày tóm gọn sự việc tranh chấp xảy ra: đối tượng tặng cho là gì? Hợp đồng tặng cho ký vào thời gian nào? Nguyên nhân xảy ra tranh chấp?…
+ Trình bày yêu cầu của mình.
+ Đính kèm đơn là giấy tờ, tài liệu có giá trị chứng minh yêu cầu khởi kiện của mình.
– Giấy tờ tùy thân (gồm chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân) của người khởi kiện.
– Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có).
– Biên bản hòa giải không thành (nếu có).
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện:
Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp quận (huyện) nơi bị đơn có trụ sở chính. Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản về chọn Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc để giải quyết tranh chấp.
Hình thức nộp đơn khởi kiện: nộp trực tiếp hoặc nộp qua đường bưu điện.
Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án:
Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trình tự giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
2. Án phí khi khởi kiện tranh chấp hợp đồng tặng cho:
– Trường hợp tranh chấp hợp đồng tặng cho không có giá ngạch: 300.000 đồng.
– Trường hợp tranh chấp hợp đồng tặng cho có giá ngạch:
a | Từ 6.000.000 đồng trở xuống | 300.000 đồng |
b | Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng | 5% giá trị tài sản có tranh chấp |
c | Từ trên 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng | 20.000. 000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng |
d | Từ trên 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng | 36.000.000 đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800.000.000 đồng |
đ | Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng | 72.000.000 đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2.000.000.000 đồng |
e | Từ trên 4.000.000.000 đồng | 112.000.000 đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng. |
3. Thực tế vướng vắng giải quyết vụ án tranh chấp về Hợp đồng tặng cho:
– Thứ nhất, việc tặng cho chỉ đơn giản bằng miệng, do đó khi xảy ra tranh chấp dẫn đến việc Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ rất khó khăn.
– Thứ hai, đối với những hợp đồng tặng cho có điều kiện, bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho do sự kiện bất khả kháng hoặc do lỗi cố ý của bên tặng cho. Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật dân sự năm 2015 chỉ ghi nhận việc bên tặng cho được quyền đòi lại tài sản khi bên được tặng cho không thực hiện điều kiện.
Ở đây trên tinh thần của Luật quy định khi bên được tặng cho có đủ điều kiện để thực hiện nhưng cố tình không thực hiện điều kiện đó. Vậy còn trường hợp bên được tặng cho không thực hiện được điều kiện nhưng không phải do lỗi của bên được tặng cho mà do sự kiện bất khả kháng hoặc lỗi cố ý của bên tặng cho hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể nên thực tế xét xử nhưng vụ án tranh chấp này có nhiều quan điểm khác nhau.
Theo quy định về sự kiện bất khả kháng chính là căn cứ để loại trừ trách nhiệm cho bên được tặng cho. Thực tế bên được tặng cho không thực hiện được điều kiện tặng cho không phải do lỗi chủ quan từ bên nhận tặng cho. Chính vì vậy, việc giải quyết hậu quả khi bên được tặng cho không thực hiện điều kiện tặng cho do sự kiện bất khả kháng sẽ phù hợp hơn so với hậu quả trường hợp khi bên được tặng cho cố ý không thực hiện.
– Thứ ba, bên được tặng cho thực hiện được một phần hoặc phần lớn điều kiện tặng cho tuy nhiên trong thời gian thực hiện điều kiện tặng cho đó bên được tặng cho đã nhận tài sản tặng cho và có thực hiện điều kiện tặng cho nhưng việc thực hiện không được đầy đủ thì khi đó quyền của bên tặng có được đòi lại phần tài sản đó hay không? Đây là vấn đề trên thực tế xảy ra rất nhiều nhưng pháp luật chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn tình huống này.
4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp hợp đồng tặng cho tài sản:
Thời hiệu khởi kiện được hiểu là thời hạn chủ thể được quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự để bảo vệ quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm phạm. Khi khoảng thời gian đó kết thúc thì coi như đương sự mất quyền khởi kiện.
Thời điểm bắt đầu thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Căn cứ Điều 155 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định sẽ không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong các trường hợp sau đây:
– Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền nhân thân không gắn với tài sản.
– Trường hợp yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu (ngoại trừ trường hợp luật có quy định khác).
– Trường hợp tranh chấp về quyền sử dụng đất trên cơ sở pháp luật về đất đai.
– Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, căn cứ Điều 429 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện về hợp đồng như sau:
– Đối với trường hợp yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng: thời hiệu là 03 năm tính từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Như vậy, đối với tranh chấp về hợp đồng tặng cho tài sản thì thời hiệu khởi kiện xác định là 03 năm kể từ ngày người có quyền biết hoặc phải biết quyền cũng như lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Bộ luật dân sự 2015.
Bộ luật tố tụng dân sự 2015.