Trong đời sống hằng ngày, đặc biệt là ở những nơi công cộng thì việc gửi giữ tài sản đã trở thành một dịch vụ vô cùng quen thuộc đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên quan hệ gửi giữ tài sản cũng phát sinh nhiều tranh chấp.
Mục lục bài viết
1. Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản:
Pháp luật hiện nay đã có những quy định cụ thể về hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó thì, hợp đồng gửi giữ tài sản là một trong những loại hợp đồng dân sự phổ biến trong đời sống và được mọi người xác lập hằng ngày dưới nhiều tình huống khác nhau. Một số hợp đồng gửi giữ tài sản quen thuộc có thể kể đến như hoạt động trông giữ đồ đạc cá nhân ở các trung tâm thương mại, hoạt động gửi xe ở các trung tâm vui chơi giải trí hoặc trường học … Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các giao dịch này thì không thể tránh khỏi những tranh chấp phát sinh. Vì thế quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến hợp đồng gửi giữ tài sản thì có thể giải quyết theo hướng như sau:
Bước 1: Nộp đơn khởi kiện liên quan đến tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Người khởi kiện có thể gửi trực tiếp đơn kèm theo tài liệu và chứng cứ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua hình thức trực tiếp hoặc gửi thông qua dịch vụ bưu chính, hoặc thậm chí là nộp đơn thông qua hình thức trực tuyến tại cổng thông tin điện tử của tòa án. Thành phần hồ sơ trong trường hợp này sẽ bao gồm các loại giấy tờ cơ bản sau:
– Đơn khởi kiện theo mẫu do pháp luật quy định;
– Giấy tờ tùy thân của người khởi kiện như chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ khẩu còn thời hạn;
– Các loại tài liệu về tư cách pháp lý của người khởi kiện và của đương sự và những người có liên quan, như giấy phép kinh doanh hoặc quyết định thành lập doanh nghiệp được cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc điều lệ hoạt động đã được phê duyệt,
– Hợp đồng gửi giữ tài sản giữa các bên xảy ra tranh chấp;
– Các tài liệu và chứng cứ có liên quan đến nội dung tranh chấp … và các loại giấy tờ khác khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
Bước 2: Sau khi nhận đơn thì tòa án sẽ xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời hạn 08 ngày làm việc được tính kể từ ngày thụ lý, tòa án sẽ xem xét đơn khởi kiện. Sau đó sẽ ra một trong những quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi hoặc bổ sung đơn khởi kiện nếu thấy hồ sơ khởi kiện chưa đúng theo quy định của pháp luật, tiến hành hoạt động thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu như vụ án đó có đầy đủ điều kiện để có thể giải quyết theo thủ tục rút gọn căn cứ theo quy định tại Điều 317 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, ra quyết định chuyển đơn khởi kiện cho tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu như xét thấy vụ án đó thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác, trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu xét thấy vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.
Bước 3: Tòa án giải quyết vụ việc ở cấp sơ thẩm. Đối với những vụ việc thông thường thì thôi hạn giải quyết sẽ được xác định là 02 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Có đối với những vụ việc có tính chất phức tạp do xuất hiện sự kiện bất khả kháng và những trở ngại khách quan thì Chánh án tòa án có thể gia hạn thêm, tuy nhiên thời hạn gia hạn chuẩn bị xét xử sẽ không quá 01 tháng. Sau đó tòa án sẽ xét xử sơ thẩm. Tức là trong thời hạn 01 tháng được tính kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tòa án phải mở phiên tòa xét xử sơ thẩm.
Bước 4: Các đương sự kháng cáo bản án sơ thẩm trong khoảng thời gian 15 ngày được tính kể từ ngày tòa tuyên án. Được sự vắng mặt tại phiên tòa thì thôi hạn kháng cáo sẽ được tính là 15 ngày kể từ ngày bản án được giao cho họ hoặc được niêm yết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản:
Hiện nay trong thực tế, các tranh chấp về hợp đồng thông thường nói chung và hợp đồng gửi giữ tài sản nói riêng sẽ được giải quyết thông qua 04 phương thức chính sau đây:
– Giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản thông qua hình thức thương lượng. Đây được xem là phương thức được các bên tranh chấp lựa chọn đầu tiên và trong thực tế phần lớn các tranh chấp liên quan đến hoạt động gửi giữ tài sản sẽ được giải quyết bằng phương thức này. Nhìn chung thì phương thức này hoàn toàn phù hợp với bản chất của quan hệ dân sự và được nhà nước khuyến khích áp dụng phương thức tự thương lượng để có thể giải quyết tranh chấp dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền thỏa thuận và quyền tự định đoạt của các bên mâu thuẫn;
– Giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản thông qua hình thức hòa giải. Hòa giải là việc các bên tranh chấp sẽ thông qua một bên trung gian thứ ba, đó có thể là hòa giải viên hoặc trung tâm hòa giải để cùng nhau bàn bạc và thảo luận, sau đó đi đến thống nhất một phương án cuối cùng để giải quyết mâu thuận giữa các bên tranh chấp và các bên sẽ cùng nhau tự nguyện thực hiện phương án đã thỏa thuận đó;
– Giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản thông qua hình thức trọng tài. Có nghĩa là các bên sẽ thỏa thuận đưa tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh giữa họ để có thể giải quyết tại trọng tài và trọng tài sau khi xem xét sự việc giải quyết tranh chấp sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng có giá trị cũng chế thi hành đối với các bên đó;
– Giải quyết tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản thông qua tòa án. Và đây được xem là phương thức giải quyết tranh chấp thông qua các cơ quan tiến hành tố tụng theo thủ tục tố tụng dân sự.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản:
Căn cứ theo quy định tại Điều 554 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định về hợp đồng gửi giữ tài sản. Theo đó thì, hợp đồng gửi giữ tài sản là khái niệm để chỉ sự thỏa thuận của các bên, bên nhận gửi giữ tài sản sẽ phải bảo quản tài sản đó và trả lại tài sản đó cho bên gửi giữ tài sản khi hết thời hạn của hợp đồng, bên gửi giữ tài sản sẽ trả thù lao cho bên nhận gửi giữ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về việc không nhận thù lao. Pháp luật cũng quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gửi giữ tài sản, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của bên gửi giữ tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 555 và Điều 556 của bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
– Khi giao tài sản phải ngay lập tức tiến hành hoạt động thông báo cho bên giữ tài sản biết về tình trạng của tài sản và các biện pháp bảo quản thích hợp đối với tài sản đó, nếu như bên gửi tài sản mà không thông báo sau đó tài sản bị gửi giữ tiêu hủy hoặc hư hỏng do không được bảo quản phù hợp thì bên gửi tài sản phải tự chịu trách nhiệm, nếu như gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật;
– Phải trả đầy đủ tiền công theo như đã thỏa thuận cho bên nhận gửi giữ và trả đúng thời hạn, trừ trường hợp các bên không có thoả thuận về nhận thù lao;
– Có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất cứ lúc nào nếu như hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn, nhưng phải tiến hành hoạt động thông báo trước cho bên giữ tài sản trong một khoảng thời gian hợp lý;
– Có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật nếu như bên nhận gửi giữ tài sản làm mất hoặc làm hư hỏng tài sản, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nằm ngoài ý chí của con người.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của bên nhận gửi giữ tài sản căn cứ theo quy định tại Điều 557 và Điều 558 của Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định cụ thể như sau:
– Bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận và trả lại tài sản đó đúng như tình trạng ban đầu;
– Chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu việc thay đổi được xét thấy là điều cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn tài sản đó nhưng cần phải tiến hành hoạt động thông báo ngay cho bên gửi giữ biết về việc thay đổi đó;
– Thông báo kịp thời cho bên gửi giữ tài sản về nguy cơ hư hỏng và tiêu hủy tài sản xuất phát từ tính chất của tài sản đó và yêu cầu bên gửi giữ tài sản cho biết cách giải quyết trong khoảng thời gian hợp lý, nếu như hết thời hạn hợp lý đó mà bên gửi giữ tài sản vẫn không trả lời thì bên nhận gửi giữ có quyền thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi thanh toán những chi phí hợp lý;
– Phải bồi thường thiệt hại nếu làm mất mát hoặc hư hỏng tài sản, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
– Có quyền yêu cầu bên gửi giữ trả tiền công theo thỏa thuận ban đầu, yêu cầu gửi trả những chi phí hợp lý để bảo quản tài sản trong trường hợp gửi không trả tiền công;
– Yêu cầu bên gửi dữ nhận lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải thông báo trước trong một khoảng thời gian hợp lý nếu như hợp đồng gửi giữ không xác định thời hạn;
– Bán tài sản có nguy cơ bị hư hỏng hoặc tiêu hủy nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho bên gửi giữ và phải bảo việc đó cho bên gửi, sau đó hoàn trả khoản tiền thu được do bán tài sản, sau khi đã trừ đi những chi phí hợp lý.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.