Việt kiều là thuật ngữ để chỉ người Việt định cư bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, họ có thể là đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/và quốc tịch của nước sở tại. Vậy theo quy định pháp luật về Quốc tịch thì các điều kiện và thủ tục xin song tịch cho người Việt Kiều như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều kiện xin song tịch cho Việt Kiều:
Việt kiều là thuật ngữ để chỉ người Việt định cư bên ngoài lãnh thổ iệt Nam, họ có thể là đang mang quốc tịch Việt Nam hoặc/và quốc tịch của nước sở tại. Khoản 3 Điều 3 của Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam có giải thích người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài. Rõ ràng hơn thì Việt kiều là công dân Việt Nam, nghĩa là những người này đã được sinh ra tại Việt Nam nhưng vì lý do công việc, học tập hoặc vì lý do nào đó nên họ mới sang nước ngoài để sinh sống. Điều 26 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam đã quy định căn cứ mất quốc tịch Việt Nam bao gồm có:
– Đã được thôi quốc tịch Việt Nam.
– Đã bị tước quốc tịch Việt Nam.
– Trẻ em sơ sinh bị bỏ rơi, trẻ em được tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam mà không rõ cha mẹ là ai chưa đủ 15 tuổi mà người này thuộc các trường hợp không còn quốc tịch Việt Nam mà pháp luật quy định
– Các trường hợp quốc tịch của con chưa thành niên khi cha mẹ được nhập, trở lại hoặc là thôi quốc tịch Việt Nam.
– Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thêm nữa, khoản 1 Điều 23 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam quy định về các trường hợp mà được trở lại quốc tịch Việt Nam, Điều này quy định người đã mất quốc tịch Việt Nam vừa nêu ở trên có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được trở lại quốc tịch Việt Nam, nếu người này thuộc một trong những trường hợp sau đây:
– Xin hồi hương về nước Việt Nam;
– Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc là con đẻ là công dân Việt Nam;
– Có các công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
– Có mang lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Thực hiện đầu tư ở tại Việt Nam;
– Đã thôi quốc tịch Việt Nam để được nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.
Như vậy, nếu như Việt Kiều đã mất quốc tịch Việt Nam nay mong muốn được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thuộc các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam đã nêu. Khoản 5 Điều 23 Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam quy định rõ người được trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, chỉ trừ những người sau đây, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép:
– Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc là con đẻ của công dân Việt Nam;
– Có các công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
– Có mang lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 14 Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam quy định người xin trở lại quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường hợp vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài khi được trở lại quốc tịch Việt Nam nếu như đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây thì được coi là trường hợp đặc biệt để trình lên Chủ tịch nước xem xét việc cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài:
– Có đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo các quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi mà trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
– Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến các quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.
– Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Như vậy, qua các quy định trên có thể khẳng định được rằng các điều kiện xin song tịch cho Việt Kiều bao gồm có:
– Điều kiện 1: Thuộc một trong các đối tượng vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài khi được trở lại quốc tịch Việt Nam, bao gồm có:
+ Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc là con đẻ của công dân Việt Nam;
+ Có các công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
+ Có mang lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
– Điều kiện 2: Đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
+ Có đủ các điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam.
+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi mà trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
+ Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến các quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.
+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; gây xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
– Điều kiện 3: đã được Chủ tịch nước quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài.
2. Thủ tục xin song tịch cho Việt Kiều:
Nếu như người Việt Kiều đáp ứng được 03 điều kiện đã nêu ở mục trên thì sẽ được song tịch. Thủ tục xin song tịch cho Việt Kiều được thực hiện như sau:
2.1. Chuẩn bị hồ sơ xin song tịch cho Việt Kiều:
Người Việt Kiều xin song tịch chuẩn bị 03 bộ hồ sơ bao gồm những giấy tờ sau:
– Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam (theo mẫu pháp luật quy định);
– Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc là giấy tờ khác có giá trị thay thế;
– Bản khai về lý lịch;
– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với khoảng thời gian người xin trở lại quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp sẽ phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
– Giấy tờ chứng minh người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam, gồm có một trong những giấy tờ sau:
+ Giấy tờ chứng minh đã được Chủ tịch nước cho thôi quốc tịch hoặc là bị tước quốc tịch Việt Nam;
+ Giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp, xác nhận, trong đó có ghi quốc tịch Việt Nam hoặc những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch Việt Nam trước đây của người đó.
– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài (đủ điều kiện xin song tịch), bao gồm có:
+ Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam mà thuộc một trong các đối tượng vẫn được giữ quốc tịch nước ngoài khi được trở lại quốc tịch Việt Nam
+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp để chứng minh về việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là có phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó và việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến các quyền lợi của người đó ở nước có quốc tịch bị ảnh hưởng.
+ Bản cam kết của người Việt Kiều xin trở lại quốc tịch Việt Nam về nội dung không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của những cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại đến an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2.2. Giải quyết hồ sơ xin song tịch cho Việt Kiều:
– Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam (xin song tịch) nếu cư trú ở trong nước thì nộp hồ sơ cho đến Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ đến cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại. Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ hoặc hồ sơ không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo ngay để người xin trở lại quốc tịch Việt Nam (xin song tịch) bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh tiến hành việc xác minh về nhân thân của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm tiến hành việc xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra những loại giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam (xin song tịch).
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất bộ hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ xin song tịch hợp lệ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thẩm tra và chuyển hồ sơ kèm theo đó là ý kiến đề xuất về việc xin trở lại quốc tịch Việt Nam về Bộ Ngoại giao để chuyển đến Bộ Tư pháp.
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc là của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp sẽ phải có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam (xin song tịch) có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam (song tịch) thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
– Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 05/VBHN-VPQH năm 2014 do Văn phòng Quốc hội ban hành hợp nhất Luật Quốc tịch Việt Nam.
– Nghị định 16/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam.
THAM KHẢO THÊM: