Hướng dẫn 196/2012/HD- NCT ngày 23 tháng 5 năm 2012 hướng dẫn chi tiết thi hành điều lệ hội người cao tuổi Việt Nam.
HƯỚNG DẪN
THI HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
Điều lệ Hội Người cao tuổi Việt Nam được Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 và được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 285/QĐ- BNV ngày 30 tháng 3 năm 2012. Điều lệ Hội gồm 8 chương, 35 điều.
Để thực hiện thống nhất Điều lệ Hội trong các cấp Hội, Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn một số điểm cụ thể thi hành Điều lệ Hội sau đây:
1- Tính chất Hội và phạm vi hoạt động (Điều 3)
Theo Quyết định 68/2010/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, Hội Người cao tuổi Việt Nam là hội có tính chất đặc thù, hoạt động trong phạm vi cả nước.
Đối với tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp ở địa phương: Căn cứ Điều 3, Quyết định 68/2010/QĐ-TTg (ngày 01 tháng 11 năm 2010) của Thủ tướng Chính phủ (về quy định hội mang tính chất đặc thù) xác định hội đặc thù hoạt động trong phạm vi địa phương; Căn cứ Quyết định 30/2011/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ (về thực hiện chế độ thự lao đối với người đã nghỉ hưu giữ các chức danh lãnh đạo chuyên trách tại các hội), Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh báo cáo cơ quan chức năng trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, quyết định công nhận Hội đặc thù và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ chuyên trách theo các Quyết định trên.
2. Hội viên (Điều 9)
a) Điều kiện gia nhập Hội: Công dân Việt Nam từ đủ 60 (sáu mươi) tuổi trở lên, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được tổ hội, chi hội hoặc Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở (nơi chưa có chi hội) đồng ý thì được công nhận là hội viên, được cấp thẻ hội viên .
– Người đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi nếu nhiệt tình công tác Hội, được cử làm công tác Hội, tự nguyện tham gia Hội đều được công nhận là hội viên. Những người từ 50 tuổi đến dưới 60 tuổi đã là hội viên trước đến nay vẫn là hội viên.
– Người cao tuổi có nguyện vọng trở thành hội viên có đơn xin vào Hội do tổ hội, chi hội công nhận. Trường hợp có nguyện vọng vào Hội nhưng không viết được đơn thì gặp tổ trưởng đề nghị tổ hội, chi hội xem xét công nhận hội viên. Sau khi được công nhận là hội viên, chi hội báo cáo danh sách với Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Nơi chưa có chi hội, hội viên báo cáo trực tiếp với Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở để Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở công nhận hội viên.
b) Xoá tên hội viên và công nhận lại hội viên:
Hội viên vi phạm Điều lệ Hội; vi phạm pháp luật đến mức phải xoá tên hội viên do tổ hội, chi hội xem xét, quyết định báo cáo Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Người bị xoá tên thời gian ít nhất sau một năm, muốn được công nhận lại hội viên, phải có đơn, được tổ hội hoặc chi hội (nơi không có tổ hội) xem xét, chi hội quyết định báo cáo Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở.
Việc xoá tên hội viên, công nhận lại hội viên phải có trên một nửa số hội viên của tổ hội đồng ý. Nơi chưa có chi hội do Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở xem xét quyết định xoá tên, công nhận lại hội viên.
c) Thẻ hội viên: Thẻ hội viên được Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đương nhiệm ký do Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam thống nhất phát hành. Hội Người cao tuổi cơ sở phát thẻ cho hội viên thông qua chi hội, tổ hội. Thẻ hội viên phát hành các thời kỳ đều có giá trị như nhau.
Trường hợp thẻ bị hỏng, bị mất, Hội Người cao tuổi cơ sở tổng hợp báo cáo với tổ chức Hội cấp trên xử lý để đổi hoặc cấp lại thẻ cho hội viên. Hội viên có trách nhiệm bảo quản thẻ, sử dụng thẻ trong sinh hoạt hội.
Về nhiệm vụ của hội viên (Điều 10)
a) Sinh hoạt hội: Hội viên tham gia sinh hoạt, hoạt động, thực hiện nghĩa vụ và quyền của hội viên tại một tổ chức cơ sở Hội. Hội viên có thể tham gia sinh hoạt câu lạc bộ người cao tuổi ở nơi khác theo tinh thần tự nguyện và chấp hành quy định của nơi đó.
Hội viên tham gia Ban Chấp hành, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp phải tham gia sinh hoạt Hội và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ hội viên ở tổ chức Hội nơi cư trú.
Hội viên nghiêm túc chấp hành Điều lệ Hội, các nghị quyết của Hội. Đối với hội viên già yếu, đi lại khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi… được miễn sinh hoạt nếu có nguyện vọng.
b) Hội phí: Hội viên phải đóng đầy đủ hội phí theo quy định 2.000 đồng (hai ngàn đồng)/ tháng/ hội viên. Hội viên là người già yếu, không nơi nương tựa, hoàn cảnh thực sự khó khăn có thể được miễn hoặc giảm hội phí. Việc miễn, giảm hội phí do chi hội, tổ hội quyết định và báo cáo với Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở.
Hội khuyến khích những người có điều kiện đóng hội phí nhiều hơn quy định. Việc thu hội phí của hội viên có thể nộp theo quý, sáu tháng hoặc cả năm.
Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở quyết định tỷ lệ trích nộp hội phí thu được cho phù hợp điều kiện thực tế của địa phương (trích lại ít nhất 70% hội phí cho chi hội hoạt động, còn lại nộp cho Hội cơ sở). Hội phí được sử dụng vào các hoạt động của Hội: Hội họp, văn phòng phẩm, tài liệu học tập, báo chí.
3. Quyền của hội viên (Điều 11)
a) Quyền thông tin: Hội viên được Hội cơ sở, trực tiếp thông qua chi hội, tổ hội hướng dẫn, cung cấp thông tin, tạo điều kiện để người cao tuổi hưởng chế độ, chính sách theo quy định của Luật người cao tuổi, Nghị định của Chính phủ và thông tư hướng dẫn thi hành Luật của các bộ, ngành.
b) Quyền phê bình, giám sát: Hội viên được quyền chất vấn, phê bình, giám sát các cơ quan lãnh đạo hoặc cá nhân lãnh đạo của Hội về những vấn đề liên quan đến người cao tuổi và Hội Người cao tuổi. Khi phát hiện tổ chức Hội, cán bộ lãnh đạo các cấp của Hội có dấu hiệu vi phạm Điều lệ Hội, hội viên báo cáo với tổ hội hoặc tổ chức Hội cấp trên xem xét giải quyết theo hướng dẫn của Ban Kiểm tra cấp trên.
c) Quyền dân chủ: Hội viên được thảo luận và biểu quyết công việc của Hội theo nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, nói và làm theo nghị quyết của tập thể. Hội viên được “ứng cử, đề cử, bầu cử” vào Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở và lãnh đạo chi hội, tổ hội; ứng cử hoặc đề cử người tham gia tổ chức Hội cấp trên khi có yêu cầu.
d) Quyền được chăm sóc và phát huy: Hội viên được tạo điều kiện để chăm sóc và phát huy khả năng của mình; được bảo vệ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm hại; được giúp đỡ khi gặp khó khăn, hoạn nạn; được thăm hỏi khi ốm đau; được chúc thọ, mừng thọ; phúng viếng, tiễn đưa khi qua đời theo quy định của Luật người cao tuổi.
– Hội viên thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam chúc thọ và tặng quà; Hội viên thọ 90 tuổi được Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chúc thọ và tặng quà; Hội viên thọ 70,75, 80, 85, 90, 95 và trên 100 tuổi do UBND xã, phường, thị trấn tổ chức mừng thọ và tặng quà theo quy định của Nhà nước. Tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp tham gia phối hợp với cơ quan chức năng để lập danh sách báo cáo chính quyền, phối hợp với gia đình tổ chức mừng thọ, tặng quà, trao giấy mừng thọ của Hội, của lãnh đạo địa phương theo quyết định của chính quyền và phong tục, tập quán của địa phương.
– Hội viên là người cao tuổi được miễn các khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội ở nơi cư trú, trừ trường hợp đóng góp tự nguyện.
– Tuỳ theo khả năng, sức khỏe và điều kiện của mỗi người, hội viên tuyên truyền, giáo dục trong gia đình và cộng đồng những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, gia đình, dòng họ, của địa phương; truyền thụ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của bản thân cho con cháu trong gia đình và cộng đồng; tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và các hoạt động của địa phương; vận động hội viên thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế – văn hoá – xã hội, an ninh quốc phòng, các quy chế, quy ước của địa phương.
đ) Hội viên được Hội Người cao tuổi cơ sở cấp thẻ hội viên.
4. Chi hội, tổ hội (Điều 17)
a) Tổ chức : Chi hội được thành lập tại thôn, ấp, bản, phum, sóc, khu dân cư… (gọi chung là thôn). Chi hội đông hội viên được chia thành các tổ hội theo địa bàn xóm, tổ dân phố.
Chi hội chịu sự lãnh đạo của chi uỷ và Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở. Chi hội, tổ hội họp thường kỳ ba tháng một lần, họp bất thường khi cần.
Chi hội có chi hội trưởng và một số chi hội phó, do Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở giới thiệu hoặc do chi hội bầu. Khi thay đổi chi hội trưởng, chi hội phó, chi hội báo cáo với Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cơ sở để bổ sung hoặc thay thế. Khi cần thiết, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở chỉ định chi hội trưởng, chi hội phó.
Tổ trưởng, tổ phó tổ hội do hội viên cử ra hoặc do chi hội chỉ định.
b) Nhiệm vụ : Thực hiện theo quy định tại điểm 2, Điều 17 Điều lệ Hội và hướng dẫn của tổ chức Hội cấp trên; phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong phạm vi chi hội quản lý. Chi hội thu hội phí của hội viên, quản lý và sử dụng có hiệu quả phần hội phí được để lại chi hội theo quy định của Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở.
Ban Chấp hành Hội cơ sở (Điều 16)
a) Tổ chức: Ban Chấp hành Hội cơ sở do đại hội bầu cử từ 9 đến 17 thành viên, trong đó có đại diện của một số chi hội và tổ chức có liên quan đến công tác người cao tuổi. Ban Thường vụ có từ 3-5 ủy viên. Đại hội bầu Ban Kiểm tra gồm từ 3-5 ủy viên. Trưởng Ban Kiểm tra do Ban Chấp hành bầu trong số Ủy viên Ban Kiểm tra. Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự quản lý của chính quyền cung cấp và hướng dẫn công tác của tổ chức Hội cấp trên.
Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở do Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định công nhận. Kết quả bầu cử Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra phải báo cáo Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện.
Khi cần, Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở được bầu bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành nhưng không quá một phần ba số uỷ viên do đại hội bầu; được cử lãnh đạo Hội cơ sở tham gia Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp trên (nếu có) và sau đó
b) Việc thôi tham gia Ban Chấp hành: Uỷ viên Ban Chấp hành khi chuyển khỏi nơi cư trú, khi thôi công tác Hội hoặc do sức khỏe yếu không đảm nhận được công việc, Ban Thường vụ xem xét, quyết định cho thôi ủy viên Ban Chấp hành, báo cáo UBND cùng cấp, tổ chức Hội cấp trên, đồng thời báo cáo Ban Chấp hành trong phiên họp gần nhất và
Uỷ viên Ban Chấp hành vi phạm Điều lệ Hội hoặc vi phạm pháp luật Nhà nước, tuỳ theo tính chất, mức độ, Ban Chấp hành cho rút hoặc xoá tên trong danh sách Ban Chấp hành. Việc cho rút hoặc xoá tên ủy viên Ban Chấp hành phải có sự tán thành của trên một nửa số uỷ viên Ban Chấp hành đương nhiệm, phải báo cáo với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, tổ chức Hội cấp trên trực tiếp và thông báo với các chi hội.
5. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện (Điều 18)
a) Tổ chức: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập (khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền) sau khi được sự đồng ý của Thường trực Huyện uỷ.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổicấp huyện có từ 9 đến 13 thành viên, trong đó có Trưởng ban, một Phó trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi là người cao tuổi chuyên trách, cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, một số ngành, đoàn thể hữu quan và một số Chủ tịch Hội Người cao tuổi cơ sở tiêu biểu.
– Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện là 5 năm theo nhiệm kỳ Đại hội Hội Người cao tuổi Việt Nam. Khi thành viên Ban Đại diện nghỉ hoặc chuyển công tác khác ngoài chức danh cơ cấu thì đương nhiên thôi thành viên Ban Đại diện Hội cấp huyện.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện có trụ sở làm việc, có cán bộ chuyên trách, được Nhà nước cấp kinh phí, có con dấu, có tài khoản riêng. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện tham mưu, báo cáo cơ quan chức năng trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết định số lượng cán bộ chuyên trách (gồm có 2-3 người cao tuổi, một số công chức, nhân viên hợp đồng).
Hàng năm, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện lập dự toán chi ngân sách về hoạt động của Hội, tiền lương, thù lao của cán bộ chuyên trách và phụ cấp của cán bộ kiêm nhiệm (thành viên Ban Đại diện), báo cáo cơ quan chức năng trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, tập hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của người cao tuổi; thông báo kết quả thực hiện chương trình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc huyện; hướng dẫn tổ chức Hội Người cao tuổi cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia công tác ở nơi cư trú.
b) Nhiệm vụ: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện có nhiệm vụ làm tham mưu và nhận sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ủy ban nhân dân huyện về công tác Hội Người cao tuổi; định kỳ báo cáo kết quả công tác, xin ý kiến về chủ trương, kế hoạch công tác của Hội, sơ kết, tổng kết công tác và kiến nghị với cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp huyện về những vấn đề có liên quan đến công tác Hội và người cao tuổi.
Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện tổ chức thực hiện chủ trương công tác của Hội Người cao tuổi Việt Nam, của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh; định kỳ báo cáo với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh kết quả hoạt động và những kiến nghị của địa phương; hướng dẫn và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống tổ chức Hội thuộc phạm vi phụ trách; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Hội Người cao tuổi cơ sở.
8 . Ban Đại diện Hội người cao tuổi cấp tỉnh (Điều 19).
a)Tổ chức : Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập sau khi được sự đồng ý của Thường trực Tỉnh uỷ.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh có từ 13 đến 17 thành viên, trong đó có Trưởng ban, một Phó trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi là người cao tuổi chuyên trách, cán bộ lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, một số ngành, đoàn thể hữu quan và một số Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện.
– Nhiệm kỳ của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh là 5 năm theo nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Người cao tuổi Việt Nam. Khi thành viên Ban Đại diện nghỉ hoặc chuyển công tác khác ngoài chức danh cơ cấu thì đương nhiên thôi thành viên Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh được bố trí trụ sở làm việc, có cán bộ chuyên trách, được Nhà nước cấp kinh phí, có con dấu, có tài khoản riêng. Ban Đại diện cấp tỉnh tham mưu, báo cáo cơ quan chức năng trình Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định số lượng cán bộ chuyên trách (gồm có 3-5 người cao tuổi, một số công chức, nhân viên hợp đồng).
– Hàng năm, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh lập dự toán chi ngân sách hoạt động của Hội, tiền lương, thù lao của cán bộ chuyên trách và phụ cấp cán bộ kiêm nhiệm (thành viên Ban Đại diện), báo cáo cơ quan chức năng trình Uỷ ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, tập hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của người cao tuổi; thông báo kết quả thực hiện chương trình phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; hướng dẫn tổ chức hội cấp huyện và cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc và tham gia công tác ở nơi cư trú.
b) Nhiệm vụ: Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh có nhiệm vụ làm tham mưu và nhân sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo và quản lý của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về công tác Hội Người cao tuổi. Định kỳ báo cáo kết quả công tác, xin ý kiến về chủ trương, kế hoạch công tác của Hội, sơ kết, tổng kết công tác và kiến nghị với cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những vấn đề liên quan đến công tác Hội và người cao tuổi.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh tổ chức thực hiện chủ trương công tác của Hội Người cao tuổi Việt Nam; định kỳ báo cáo với Trung ương Hội kết quả hoạt động và những kiến nghị của địa phương; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc hoạt động của Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện, Hội Người cao tuổi cơ sở; hướng dẫn và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong hệ thống tổ chức Hội.
9. Ban Chấp hành (Điều 21). Ban Thường vụ (Điều 23). Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội (Điều 24) Ban Kiểm tra (Điều 25,26): thực hiện theo Quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực; của Ban Kiểm tra Trung ương Hội do Ban Chấp hành Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam ban hành.
10. Về xem xét, giải quyết đơn, thư khiếu nại trong hệ thống tổ chức Hội (điểm 5, Điều 26)
a) Thẩm quyền giải quyết: Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội Người cao tuổi cấp cơ sở, cấp trung ương và Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết khiếu nại trong hệ thống tổ chức Hội liên quan đến hội viên và tổ chức Hội.
– Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra của Hội Người cao tuổi cấp cơ sở có trách nhiệm xem xét khiếu nại của hội viên do chi hội đề nghị; trường hợp cần thiết, báo cáo với Ban Chấp hành cơ sở Hội hoặc Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp trên giải quyết.
– Tổ chức Hội Người cao tuổi cấp trên chỉ giải quyết những khiếu nại do tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp đã giải quyết nhưng người khiếu nại chưa đồng tình. Đơn thư khiếu nại vượt cấp chuyển lại cho tổ chức Hội Người cao tuổi cấp dưới xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho người khiếu nại biết.
– Khi nhận được khiếu nại, tổ chức Hội Người cao tuổi thông báo cho tổ chức và người khiếu nại biết, trường hợp thuộc thẩm quyền xử lý của mình, chậm nhất trong vòng 45 ngày phải xem xét xử lý xong.
b) Không giải quyết các trường hợp khiếu nại: Những khiếu nại đó được cấp có thẩm quyền cao nhất xem xét, kết luận mà không có chứng cứ mới; việc khiếu nại đã được Toà án thụ lý hoặc đã được giải quyết bằng bản án, bằng quyết định của Toà án theo quy định của Luật Khiếu nại.
11- Giải quyết tố cáo đối với tổ chức Hội và hội viên (điểm 5, Điều 26)
Cán bộ, hội viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, khi tố cáo về những việc làm sai trái của tập thể và cá nhân, phải nói đúng sự thật, ghi rõ họ, tên, địa chỉ, chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo của mình và chỉ gửi đến những cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
a) Thẩm quyền giải quyết: Tổ chức Hội các cấp có nhiệm vụ giải quyết tố cáo đối với tổ chức Hội và cán bộ, hội viên theo phân cấp quản lý cán bộ.
Khi nhận được đơn thư tố cáo của tổ chức Hội và cán bộ, hội viên phải có trách nhiệm xử lý kịp thời: Chậm nhất là 60 ngày đối với Ban Đại diện Hội cấp tỉnh, huyện và Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở, 90 ngày đối với Ban Thường vụ Trung ương Hội; hết thời hạn mà chưa giải quyết xong thì phải thông báo cho người tố cáo biết lý do.
b) Trách nhiệm giải quyết tố cáo: Không để người bị tố cáo chủ trì giải quyết tố cáo liên quan đến bản thân, không để người tố cáo chủ trì giải quyết nội dung mình tố cáo. Nghiêm cấm và kiên quyết xử lý những tổ chức và cán bộ lãnh đạo Hội trù dập người tố cáo.
Tổ chức Hội không xem xét giải quyết những đơn, thư tố cáo giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ; không có nội dung cụ thể, không có căn cứ thẩm tra, xác minh.
Khi tiến hành giải quyết, tổ chức Hội, cán bộ, hội viên bị tố cáo phải giải trình sự việc một cách trung thực, rõ ràng, đầy đủ, kịp thời với tổ chức Hội hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Đối với những nội dung tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội, tổ chức Hội sẽ chuyển đơn thư tố cáo đó đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo biết hoặc trả lại cho người tố cáo gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
12 – Khen thưởng tổ chức Hội và cán bộ, hội viên (Điều 32): Thực hiện theo Quy chế thi đua khen thưởng của Trung ương Hội (ban hành theo Quyết định số 177/2012/QĐ-NCT ngày 02/5/2012 của Trung ương Hội).
Thẩm quyền khen thưởng:
– Chi hội biểu dương tổ hội và hội viên đạt danh hiệu “Tuổi cao – Gương sáng” trong chi hội.
– Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi cơ sở xem xét, công nhận, biểu dương chi hội, cán bộ, hội viên đạt danh hiệu “Tuổi cao- Gương sáng” trong Hội cơ sở.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp huyện biểu dương Hội cơ sở, chi hội, cán bộ, hội viên trong địa phương mình đạt thành tích xuất sắc; đề nghị cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp và cấp trên khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
– Ban Đại diện Hội Người cao tuổi cấp tỉnh tặng giấy khen cho các tập thể, cán bộ, hội viên trong địa phương mình đạt thành tích xuất sắc; đề nghị cấp ủy, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cùng cấp và cấp trên khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng.
13- Về tài chính, tài sản của Hội (Điều 27)
Hàng năm, tổ chức Hội từng cấp lập dự toán kinh phí hoạt động của năm sau, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; thực hiện việc quyết toán thu chi và kiểm kê tài sản của đơn vị mình theo quy định của Bộ Tài chính và pháp luật Nhà nước.
Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi cơ sở kiểm tra công tác tài chính, tài sản của chi hội. Ban Đại diện Hội Người cao tuổi các cấp kiểm tra công tác tài chính, tài sản của Văn phòng Hội cấp mình, tổ chức Hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc (nếu có).
Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra Trung ương Hội kiểm tra công tác tài chính, tài sản của cơ quan Trung ương Hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Trung ương Hội theo quy định của Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam.
14. Quỹ Hội (Điều 29)
Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi ở các cấp, chân quỹ ở tổ hội, chi hội và các loại quỹ khác có hướng dẫn riêng.
15 – Tổ chức thực hiện
Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Tổ chức Hội Người cao tuổi các cấp, cán bộ và hội viên có trách nhiệm thực hiện Hướng dẫn này.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc, tổ chức Hội các cấp cần phản ánh, báo cáo về Trung ương Hội để hướng dẫn kịp thời.